Nghe báo cáo đề xuất nhiệm vụ quy hoạch, bảo quản, tu bổ, phục hồi các di tích trên địa bàn tỉnh

11:0, Thứ Bảy, 25-3-2023

(Web Quảng Trị) Ngày 24/3/2023, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam chủ trì cuộc họp để nghe báo cáo đề xuất nhiệm vụ quy hoạch, bảo quản, tu bổ, phục hồi các di tích trên địa bàn tỉnh. Tham dự có lãnh đạo các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương liên quan.

Tại cuộc họp, đại diện đơn vị tư vấn Công ty Cổ phần Tu bổ di tích và kiến trúc cảnh quan Hà Nội đã báo cáo Nhiệm vụ quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị hệ thống các công trình khai thác nước cổ Gio An và Nhiệm vụ lập Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích lịch sử quốc gia “Các địa điểm liên quan đến Dinh chúa Nguyễn (1558-1626)”, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.

Hệ thống khai thác nước cổ Gio An là minh chứng lịch sử của quá trình hình thành và phát triển lâu đời, thống kê gần nhất (năm 2019), ở địa bàn xã Gio An có gần 30 giếng xếp đá, trong đó có 14 giếng cổ đã được xếp hạng là di tích quốc gia.

Mục tiêu của nhiệm vụ quy hoạch nhằm bảo quản, giữ gìn hệ thống công trình khai thác nước cổ một cách bền vững trước những tác động của tự nhiên và xã hội; kết nối các công trình trong hệ thống các công trình khai thác nước cổ Gio An để xây dựng sản phẩm du lịch văn hóa - lịch sử đặc biệt của địa phương và của tỉnh Quảng Trị. Góp phần làm phong phú các sản phẩm du lịch của địa phương, đặc biệt du lịch cộng đồng, đưa di tích vào các hoạt động du lịch vừa tạo nguồn thu cho hoạt động bảo tồn vừa nâng cao đời sống cho người dân trong vùng di sản. Phát triển hệ thống cơ sở vật chất - kỹ thuật và dịch vụ đáp ứng yêu cầu của các hoạt động tham quan, nghỉ ngơi, giải trí của khách du lịch trong nước và quốc tế...

Phạm vi quy hoạch nằm trong ranh giới xã Gio An, huyện Gio Linh với tổng diện tích quy hoạch 427,8 ha. Trong đó, diện tích khu vực bảo vệ di tích 3,74 ha; diện tích vùng đệm, khu vực hỗ trợ phát huy giá trị di tích và du lịch cộng đồng 424 ha.

Định hướng phân vùng chức năng, tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan gồm: các khu vực bảo tồn di tích; khu dân cư kết hợp lưu trú du lịch; khu vực phát triển các chức năng công cộng, dịch vụ du lịch, du lịch sinh thái; vùng bảo vệ cảnh quan thiên nhiên; khu trung tâm đón tiếp khách du lịch; các điểm du lịch lịch sử- văn hóa, sinh thái; các làng văn hóa du lịch...

Ngoài ra, đơn vị tư vấn cũng đề xuất các giải pháp gắn bảo tồn di tích với phát triển du lịch, xác định các sản phẩm du lịch chủ yếu: Tạo các tuyến kết nối các cụm, điểm giếng vuông góc với tuyến đường liên xã, huyện. Trên tuyến nối đó tạo không gian văn hóa Chăm với bố cục khuôn viên Chăm-là không gian du lịch cộng đồng- Homestay. Không gian cảnh quan tuyến đường ra giếng và cánh đồng; xây dựng, tổ chức và tái hiện các món ăn truyền thống Chăm; các sản phẩm văn hóa lưu niệm khác mang tính đặc trưng của đồng bào Chăm.

Về Nhiệm vụ lập quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích lịch sử quốc gia “Các địa điểm liên quan đến Dinh chúa Nguyễn (1558-1626)”, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, phạm vi nghiên cứu và quy mô nghiên cứu lập quy hoạch tại hai xã Triệu Ái, Triệu Giang và thị trấn Ái Tử với diện tích 513 ha; phạm vi lập quy hoạch 33,3 ha, trong đó, khu vực bảo vệ di tích 9,9 ha, khu vực hỗ trợ phát huy giá trị di tích 23,43 ha.

Mục tiêu của nhiệm vụ lập quy hoạch nhằm bảo tồn, tôn tạo, phục hồi các yếu tố mang thuộc tính lịch sử gốc của di tích; đồng thời tạo ra một không gian lưu niệm lịch sử nhằm tôn vinh, tưởng niệm về thời kỳ lịch sử các chúa Nguyễn cũng như tạo ra một khu du lịch mang tính chất Lịch Sử - Văn Hóa để kết nối với những di tích lịch sử văn hóa hiện có ở vùng phụ cận làm đa dạng, phong phú hơn sản phẩm du lịch Quảng Trị không chỉ phục vụ cho việc giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa, nghiên cứu khoa học mà còn thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, đời sống dân sinh của huyện Triệu Phong nói riêng và tỉnh Quảng Trị nói chung.

Về định hướng tổ chức không gian kiến trúc, cảnh quan đơn vị tư vấn đề xuất cơ cấu phân khu chức năng, gồm các khu vực bảo tồn di tích; khu dân cư kết hợp lưu trú du lịch; khu vực phát triển các chức năng công cộng, dịch vụ du lịch, du lịch sinh thái; vùng bảo vệ cảnh quan thiên nhiên; Khu trung tâm đón tiếp khách du lịch; các điểm du lịch lịch sử - văn hóa, sinh thái; các làng văn hóa du lịch...

Sau khi nghe đơn vị tư vấn báo cáo và ý kiến góp ý, tham gia của các sở, ban, ngành, địa phương liên quan, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam đánh giá cao nỗ lực của các đơn vị, địa phương trong thực hiện nhiệm vụ quy hoạch, bảo quản, tu bổ, phục hồi các di tích.

Nhấn mạnh sự cần thiết cũng như tầm quan trọng của nhiệm vụ quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị hệ thống các công trình khai thác nước cổ Gio An, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam yêu cầu đơn vị tư vấn cần tính toán lại các tiêu chí để đảm bảo theo quy định. Xem xét, thống nhất lại tên nhiệm vụ quy hoạch: Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích hệ thống dẫn thủy cổ Gio An, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Phó Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý một số vấn đề liên quan đến phạm vi nghiên cứu, không gian kiến trúc, lộ trình hướng tuyến du lịch, kế hoạch thực hiện quy hoạch...

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam đề nghị Sở Văn hóa, TT&DL, đơn vị tư vấn tiếp thu ý kiến của đại biểu dự họp sớm hoàn thiện hồ sơ nhiệm vụ quy hoạch để trình Bộ Văn hóa, TT&DL trong thời gian tới.

Đối với Nhiệm vụ lập Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích lịch sử quốc gia “Các địa điểm liên quan đến Dinh chúa Nguyễn (1558-1626)”, huyện Triệu Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị huyện Triệu Phong cần tích hợp quy hoạch di tích vào quy hoạch chung của huyện để đảm bảo tính đồng bộ; nhiệm vụ Quy hoạch phải xứng với tầm vóc, công lao sự nghiệp của Chúa Nguyễn Hoàng; bên cạnh đó phải tính toán phạm vi quy hoạch trên cơ sở tôn trọng lịch sử; về không gian phải đảm bảo quy mô, kiến trúc, cảnh quan, đảm bảo di tích gốc; xác định tuyến, lộ trình đối với khách tham quan, đảm bảo tính logic, khoa học.

Hồng Hà

Các tin khác