ĐBQH Hà Sỹ Đồng: “Cần thiết phải rà soát đồng bộ hệ thống pháp luật để thắt chặt, hạn chế những vụ việc gây tổn thất nghiêm trọng cho hệ thống tài chính”

20:40, Thứ Hai, 5-6-2023

(Web Quảng Trị) Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, chiều 5/6/2023, Quốc hội tiến hành thảo luận tại Tổ về Dự án Luật các Tổ chức tín dụng (sửa đổi) và Luật Tài nguyên nước (sửa đổi). Đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng, Uỷ viên Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị đã tham gia phát biểu một số ý kiến về Dự án Luật các Tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Đại biểu Hà Sỹ Đồng nhất trí với các ý kiến tại báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT - XH, ngân sách nhà nước năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, trong đó đánh giá rất cụ thể về tình trạng sở hữu chéo, thao túng, lợi ích nhóm, cho vay “sân sau”, … trong lĩnh vực ngân hàng vẫn đang diễn biến rất phức tạp và đáng lo ngại.

Thực tế, việc xử lý các Tổ chức tín dụng (TCTD) yếu kém, “có vấn đề”, diễn ra chậm chạp, không đạt mục tiêu dự tính, dù ngành ngân hàng đã trải qua nhiều giai đoạn tái cơ cấu kéo dài suốt từ năm 2011 tới nay. Đại biểu cho rằng, vấn đề sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng có tính chất rất phức tạp, luôn tiềm ẩn rủi ro hệ thống do làm gia tăng một số rủi ro như:

Rủi ro tăng vốn ảo thông qua việc đi vay để đầu tư/góp vốn lẫn nhau (trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua công ty con/cháu). Điều này khiến vốn toàn hệ thống không gia tăng thực mà chỉ tăng trên sổ sách, kéo theo hệ lụy làm sai lệch về quản trị ngân hàng cũng như việc đánh giá rủi ro, trích lập dự phòng hay giám sát các hoạt động tài chính.

Rủi ro thâu tóm/chi phối của nhóm cổ đông lớn và người có liên quan: việc ngân hàng mẹ, các công ty con, công ty liên kết cùng đầu tư vào một doanh nghiệp, sở hữu cổ phần chi phối hoạt động kinh doanh của ngân hàng thương mại (NHTM).

Rủi ro cấp tín dụng tập trung: thông qua hoạt động cấp tín dụng của các NHTM, mặc dù có quy định các ngân hàng không được phép cho cổ đông của mình vay vốn, nhưng trên thực tế chủ sở hữu lại có thể cho vay đối với các công ty, doanh nghiệp con của những cổ đông này. Ngoài ra, qua các công ty “sân sau” họ có thể chuyển nợ/đảo nợ nhằm làm sạch chất lượng tài sản của công ty mẹ và lách các quy định về giới hạn cấp tín dụng. Một khi giám sát không chặt chẽ, các chủ sở hữu có thể chi phối để dòng tiền rót vào các dự án sân sau của mình.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng cho rằng, trên thực tế, mối quan hệ sở hữu chéo thể hiện qua sở hữu cổ phần, góp vốn, chỉ là bề nổi, đã và đang được nhiều tổ chức phù phép “tái cơ cấu” để giảm bớt đáng kể tỉ lệ này. Nhưng phần phức tạp hơn là thông qua các công ty con để vừa là cổ đông, vừa là chủ nợ, đứng tên cá nhân và các tổ chức khác, ... tận dụng các vai trò này để ghi nhận doanh thu, lợi nhuận ảo, phát hành tăng vốn ảo, chiếm dụng vốn và thao túng cổ phiếu, …

Do mạng lưới phức tạp trong mỗi quan hệ sở hữu giữa các ngân hàng, khi xuất hiện rủi ro, rất dễ xảy ra hiệu ứng domino không chỉ trong hoạt động ngân hàng. Ban đầu rủi ro xảy ra với một hoặc một vài tổ chức riêng lẻ, sau đó sẽ nhanh chóng lan ra các tổ chức khác, tiếp đó sẽ lan ra hoạt động của các doanh nghiệp bởi quan hệ giữa dòng vốn đầu tư, cho vay hoạt động sản xuất - kinh doanh của các ngân hàng.

Điều này tạo ra rủi ro lan truyền giữa các khu vực trong thị trường tài chính và tới các khu vực của nền kinh tế thực. Chính vì vậy, cần thiết phải rà soát đồng bộ hệ thống pháp luật để thắt chặt, hạn chế những vụ việc quy mô lớn, gây ra tổn thất nghiêm trọng cho hệ thống tài chính, đặc biệt sau vụ việc ngân hàng SCB, Vạn Thịnh Phát… thời gian qua.

Tham gia trực tiếp vào các nội dung liên quan đến việc sửa đổi nhằm hạn chế sở hữu chéo trong dự thảo Luật các Tổ chức tín dụng (sửa đổi), đại biểu Hà Sỹ Đồng cho rằng cần tập trung:

Rà soát các quy định của pháp luật có liên quan để nghiên cứu, sửa đổi khái niệm “người có liên quan” và quy định về tỉ lệ sở hữu cổ phần của các cổ đông và người có liên quan cho phù hợp, tránh việc một số trường hợp “thuê”, “nhờ” người không có quan hệ gia đình đứng tên sở hữu cổ phần để gián tiếp gia tăng tỉ lệ sở hữu chi phối tại một TCTD. Cụ thể: (i) Sửa đổi, bổ sung quy định về người có liên quan (khoản 28 Điều 4); (ii) Sửa đổi, bổ sung quy định về giới hạn tỉ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông (Điều 54) theo hướng giảm tỉ lệ sở hữu tối đa của một cổ đông, một cổ đông và người có liên quan: “tỉ lệ sở hữu cổ phần của một cổ đông là cá nhân là 3%; tổ chức là 10%; một cổ đông và người có liên quan là 15%” (giảm lần lượt 2%; 5%; 5% so với quy định hiện hành); (iii) Bổ sung trường hợp không được cùng đảm nhiệm chức vụ tại TCTD và doanh nghiệp khác nhằm tránh xung đột lợi ích, dự thảo luật bổ sung quy định người quản lý, người điều hành của TCTD không được đồng thời là người quản lý, người điều hành của TCTD khác, doanh nghiệp khác (Điều 33).

Đối với việc lách quy định về giới hạn cấp tín dụng để cung ứng vốn cho các doanh nghiệp sân sau, phục vụ lợi ích cho một nhóm cá nhân hoặc tổ chức: (i) Giảm giới hạn cấp tín dụng của một khách hàng, một khách hàng và người có liên quan tại TCTD (Điều 126: Tổng dư nợ cấp tín dụng với 1 khách hàng và người có liên quan không vượt quá 10% và 15% vốn tự có của NHTM); (ii) Quy định TCTD không được cấp tín dụng, giới hạn cấp tín dụng đối với công ty con, công ty mà TCTD nắm quyền kiểm soát, trong đó có các công ty chứng khoán, … (Điều 126).

Bên cạnh đó, Đại biểu Hà Sỹ Đồng bày tỏ sự đồng tình với ý kiến của một số chuyên gia về các quy định giảm tỉ lệ sở hữu, về giới hạn cấp tín dụng tập trung, cụ thể:

Cần phải có sự thống nhất với Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán (dự thảo Luật đề xuất giảm tỉ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông là cá nhân xuống 3% trong khi Điều 4 dự thảo luật cũng như Luật Chứng khoán vẫn đưa ra khái niệm về cổ đông lớn với tỉ lệ sở hữu là 5% vốn điều lệ hoặc vốn biểu quyết; Luật Doanh nghiệp năm 2020 cũng có khái niệm cổ đông lớn nhưng không giới hạn tỉ lệ cụ thể).

Xét theo khía cạnh thông lệ quốc tế, theo Luật TCTD hiện hành, tỉ lệ sở hữu cổ phần/1 cá nhân (5%) đã khá tiệm cận với quy định của một số nước trong khu vực như: Hàn Quốc, Malaysia 10%; Trung Quốc, Thái Lan 5%, … Do vậy, cần làm rõ cơ sở của việc đề xuất tỉ lệ giảm xuống 3% cũng như cần kèm theo lộ trình phù hợp để các cổ công hiện hữu thực hiện thoái vốn; hoặc thay vì giảm tỉ lệ thì có thể nâng số lượng thành viên tối thiểu của Hội đồng quản trị từ 5 lên 7 hoặc 9 thành viên quy định tại Điều 62 được không? Ngoài ra, cần làm rõ nguyên nhân sở hữu chéo có xuất phát từ quy định của pháp luật hiện hành hay không?

Về giới hạn cấp tín dụng tập trung: Cần cân nhắc thời điểm áp dụng giảm giới hạn cấp tín dụng này. So với chuẩn mực quốc tế, quy định mới này đang khắt khe hơn một số nước trong khu vực Châu Á…

Để hạn chế tác động tiêu cực từ vấn đề sở hữu chéo như đã đề cập ở trên, Đại biểu Hà Sỹ Đồng đề xuất tập trung rà soát, đồng bộ hoá các giải pháp:

Các quy định về kế toán, các quy định tỉ lệ an toàn cần được liên tục nâng cao tính minh bạch, tiếp cận với thông lệ quốc tế tốt. Nghiên cứu mở rộng đối tượng công bố thông tin đối với tất cả các cổ đông là tổ chức, cá nhân và nhóm người có liên quan sở hữu từ 1% vốn điều lệ của TCTD để tăng tính minh bạch về sở hữu và đảm bảo an toàn cho hoạt động của TCTD. Từ đó nghiên cứu sửa đổi quy định về công bố thông tin tại Dự thảo Luật Các TCTD và các văn bản có liên quan để đảm bảo hiệu quả thực thi.

Các ngân hàng thương mại cổ phần tăng cường giám sát nội bộ đối với các quan hệ sở hữu chéo phát sinh, đảm bảo lợi ích của tất cả các cổ đông đều được cân nhắc khi ngân hàng thực thiện các giao dịch kinh doanh, không phải chỉ dựa theo lợi ích của nhóm cổ đông lớn.

Tiếp tục khuyến khích và có chính sách hỗ trợ đặc biệt đối với các nhà đầu tư ngoại, đặc biệt là có thể nghiên cứu xem xét mở “room” cho các nhà đầu tư nước ngoài nhằm thu hút dòng vốn “ngoại” - vừa là nguồn tiền thật để tái cơ cấu ngân hàng, vừa góp phần cải thiện công nghệ quản trị công ty trong ngân hàng, giúp các ngân hàng sớm tiệm cận với các chuẩn mực quốc tế.

Tiếp tục khuyến khích việc thực hiện mua bán, sáp nhập (M&A) nhằm xóa bỏ hiện tượng sở hữu chéo giữa các cặp TCTD đang có quan hệ sở hữu lẫn nhau. Qua M&A, vốn điều lệ tăng lên cũng góp phần kéo giảm tỷ lệ sở hữu của cá nhân, TCTD khác đối với TCTD sau M&A.

Lê Dương (lược ghi)

Các tin khác
Chi tiết bài viết tạm thời không có.