Triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ chuyển đổi số

22:37, Thứ Tư, 24-4-2024

(Cổng TTĐT) Hôm nay, 24/4/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số (Ủy ban); chủ trì Phiên họp lần thứ 8 của Ủy ban để đánh giá về công tác chuyển đổi số (CĐS), phát triển kinh tế số thời gian qua, các nhiệm vụ, giải pháp chuyển đổi số, phát triển kinh tế số năm 2024 và thời gian tới.

Các đại biểu tham dự tại điểm cầu Quảng Trị

Tham dự phiên họp có Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số; các đồng chí bộ trưởng, lãnh đạo các bộ, ngành, thành viên Ủy ban; lãnh đạo các địa phương, các tập đoàn, doanh nghiệp lớn về công nghệ thông tin. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh dự phiên họp tại điểm cầu Quảng Trị.

Tại phiên họp, các báo cáo của lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp đã đánh giá tình hình, những kết quả nổi bật trong công tác CĐS thời gian qua. Đến nay, đã có 21 bộ, ngành và 62 địa phương đã ban hành Kế hoạch chuyển đổi số năm 2024. Các cơ quan Nhà nước tiếp tục khai thác, vận hành hiệu quả các cơ sở dữ liệu quốc gia trong quản lý, điều hành kinh tế - xã hội. Đến hết quý I/2024, đã có 14 bộ, ngành và 52 địa phương đã ban hành danh mục cơ sở dữ liệu theo quy định, đạt 77%. Hiện cả nước có 80,2% hộ gia đình sử dụng cáp quang Internet băng rộng; 100% xã kết nối Internet cáp quang. Di động băng rộng 4G được phủ sóng tới 99,8% dân số với chất lượng ổn định.

Về phát triển kinh tế số, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, tỷ trọng kinh tế số/GDP năm 2021, 2022 lần lượt là 11,91%, 14,26%. Tỷ trọng kinh tế số/GDP năm 2023 ước đạt 16,5% với tốc độ tăng 20%, gấp 3 lần tăng trưởng GDP.

Về phát triển xã hội số, Bộ Công an đã cấp trên 86 triệu thẻ căn cước công dân gắn chíp; tiếp nhận trên 74,85 triệu hồ sơ định danh điện tử, kích hoạt trên 53,62 triệu tài khoản định danh điện tử cho người dân (đạt 71,63% hồ sơ tiếp nhận). Ứng dụng VNeID đã được tích hợp 8 dịch vụ tiện ích.

100% các cơ sở khám chữa bệnh có dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt; 100% cơ sở đào tạo y tế thanh toán học phí không dùng tiền mặt; khoảng 64% người dân hưởng nhận các chế độ bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp ở khu vực đô thị nhận qua tài khoản cá nhân. 77% người dân trưởng thành có tài khoản thanh toán tại ngân hàng...

Tại hội nghị, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung thảo luận, làm rõ các giải pháp đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử tiêu thụ nông sản Việt Nam; chuyển đổi số y tế gia tăng lợi ích cho người dân trong bảo vệ và chăm sóc sức khỏe toàn diện; phát triển dữ liệu số ngành giáo dục và đào tạo; khai thác dữ liệu để phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo UBND tỉnh; một số kết quả ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong ngành du lịch...

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu kết luận phiên họp (Ảnh chụp màn hình) 

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng và những kết quả đạt được của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp trong quá trình CĐS; sự chỉ đạo quyết liệt của các thành viên Ban Chỉ đạo Quốc gia về CĐS; sự đồng lòng, tham gia tích cực của người dân.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Thủ tướng cũng chỉ rõ những tồn tại, hạn chế như: Việc ban hành Kế hoạch hoạt động của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số còn chậm; chưa có cơ chế hiệu quả để kiểm tra, giám sát, theo dõi, tổng hợp, đánh giá việc triển khai công tác chuyển đổi số tại bộ, ngành, địa phương. Nhiều lãnh đạo các ban, bộ, ngành, địa phương chưa coi chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm; công tác an ninh mạng, an toàn thông tin ở nhiều nơi chưa được quan tâm đúng mức...

Về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới Thủ tướng yêu cầu, các Bộ trưởng, Trưởng ngành, Bí thư, Chủ tịch UBND các cấp phải quyết tâm cao hơn, chỉ đạo quyết liệt trong triển khai CĐS quốc gia.

Thủ tướng nêu rõ "3 tăng cường" và "5 đẩy mạnh", trong đó chỉ rõ: "3 tăng cường" là tăng cường nhận thức về vai trò của chuyển đổi số đến từng người dân, doanh nghiệp, nhất nêu cao là vai trò của người đứng đầu; tăng cường tiềm lực cho chuyển đổi số, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm cần phải ưu tiên bố trí nguồn lực; tăng cường hợp tác công tư, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, kích hoạt mọi nguồn lực xã hội cho chuyển đổi số.

“5 đẩy mạnh” gồm: Đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, tạo hành lang pháp lý đầy đủ thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số; Đẩy mạnh phát triển hạ tầng số, nền tảng số tạo tiền đề quan trọng cho phát triển kinh tế số; Đẩy mạnh tạo lập dữ liệu số, phát triển dịch vụ số, bảo đảm kết nối, liên thông, chia sẻ liên tục, thông suốt, đồng bộ; Đẩy mạnh phát triển nhân lực số, kỹ năng số đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội; đẩy mạnh an ninh mạng, an toàn thông tin để bảo vệ chủ quyền không gian mạng quốc gia từ sớm, từ xa”.

Thủ tướng nhấn mạnh ưu tiên các nguồn lực, bảo đảm hoàn thành các nhiệm vụ được giao tại Chương trình chuyển đổi số quốc gia và 3 Chiến lược: Về phát triển Chính phủ số; Về phát triển kinh tế số và xã hội số; Về phát triển dữ liệu số. Trong đó, khẩn trương xử lý các nhiệm vụ quá hạn, tồn đọng trong giai đoạn 2022-2023...

Hồng Hà

Các tin khác