Chỉ thị triển khai một số biện pháp cấp bách để chủ động ứng phó với thiên tai trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp

22:35, Thứ Năm, 9-9-2021

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng vừa ký ban hành Chỉ thị số 10/CT-UBND về triển khai một số biện pháp cấp bách để chủ động ứng phó với thiên tai trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp.

Năm 2020, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã xảy ra nhiều loại hình thiên tai hết sức khốc liệt, đặc biệt là mưa lũ cực đoan đã gây thiệt hại rất nghiêm trọng về người, tài sản, để lại hậu quả hết sức nặng nề, đến nay nhiều địa phương vẫn còn đang tiếp tục khắc phục hậu quả.

Để chủ động sẵn sàng triển khai có hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, nhất là nguy cơ lũ quét, sạt lở đất tại khu vực miền núi, nhằm bảo vệ an toàn tính mạng, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người, tài sản của nhân dân và nhà nước; Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị, địa phương liên quan khẩn trương triển khai thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh tăng cường chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố căn cứ phạm vi, chức năng, nhiệm vụ được giao tổ chức rà soát, cập nhật, bổ sung phương án ứng phó thiên tai phù hợp với tình hình, điều kiện cụ thể của từng đơn vị, địa phương theo phương châm “Bốn tại chỗ” để chủ động xây dựng, tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh các kế hoạch, phương án phục vụ công tác chỉ đạo điều hành, ứng phó với thiên tai đạt hiệu quả cao.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổ chức kiểm tra, chỉ đạo các chủ hồ đập thủy lợi, các đơn vị, địa phương liên quan rà soát, điều chỉnh, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn hệ thống công trình đê điều, hồ đập thủy lợi và vùng hạ du; tăng cường kiểm tra việc vận hành, điều tiết các hồ, đập an toàn, chuẩn bị vật tư, phương tiện, lực lượng để sẵn sàng ứng cứu khi có sự cố xảy ra; đôn đốc triển khai xây dựng các công trình đảm bảo chất lượng, tiến độ vượt lũ;

Kiểm tra, hướng dẫn các các địa phương, đơn vị cập nhật, xây dựng phương án phòng, chống thiên tai gắn với công tác bảo đảm phòng, chống dịch bệnh Covid-19; rà soát, hoàn thiện phương án phòng chống thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai, đặc biệt là phương án ứng phó với sạt lở đất, lũ ống, lũ quét ở khu vực miền núi;

Chủ trì, phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh và Sở Y tế xây dựng phương án đảm bảo an toàn cho tàu thuyền và bà con ngư dân các tỉnh bạn vào neo đậu tránh trú bão trên địa bàn tỉnh; trong đó lưu ý phải thực hiện đúng các quy định về phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh kiểm tra, rà soát, sẵn sàng lực lượng, phương tiện, trang thiết bị và hậu cần để hỗ trợ các địa phương tổ chức công tác ứng phó thiên tai và tìm kiếm cứu nạn kịp thời, hiệu quả khi có yêu cầu.

Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị trực thuộc cập nhật nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh Covid-19 vào nội dung phương án ứng phó thiên tai; trong đó cần nghiên cứu xây dựng phương án chi tiết cho các khu cách ly tập trung, các bệnh viện, khu cách ly dã chiến khi có thiên tai xảy ra; xây dựng phương án và chuẩn bị sẵn sàng nguồn nhân lực, phương tiện, trang thiết bị y tế, thuốc phòng bệnh, chữa bệnh để sơ cấp cứu, điều trị người bị nạn do thiên tai và dịch bệnh Covid 19; xử lý nguồn nước sinh hoạt, khử khuẩn và vệ sinh môi trường nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe cho nhân dân.

Sở Công Thương: Chỉ đạo triển khai phương án bảo đảm an toàn công trình thủy điện, vận hành an toàn, hiệu quả hồ chứa phù hợp với diễn biến tình hình mưa lũ; phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra, xác định các vị trí có nguy cơ về an toàn lưới điện, có phương án chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, vật tư, thiết bị để ứng phó với sự cố khi có thiên tai xảy ra; kiểm tra, chỉ đạo công tác thi công tại các dự án điện gió nhằm đảm bảo an toàn trong quá trình xây dựng và sẵn sàng các phương án ứng phó thiên tai, nhất là sạt lở đất, lũ ống, lũ quét; trong đó đặc biệt chú ý đảm bảo an toàn các hạng mục công trình có nguy cơ cao, ảnh hưởng trực tiếp đến cộng đồng dân cư trong khu vực như: Đường tạm phục vụ thi công, bãi tập kết vật tư thiết bị, bãi thải,...;kiểm tra, chỉ đạo dự trữ hàng hóa, nhu yếu phẩm thiết yếu, chú trọng khu vực thường xuyên bị thiên tai, nhất là vùng sâu, vùng xa.

Sở Giao thông vận tải kiểm tra, chỉ đạo rà soát lực lượng, vật tư, phương tiện, triển khai các phương án đảm bảo an toàn giao thông khi xảy ra sự cố, thiên tai, nhất là các tuyến giao thông huyết mạch và khu vực miền núi.

Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra việc tuân thủ các quy định về đánh giá tác động môi trường (ĐTM), kế hoạch quản lý môi trường đã được phê duyệt của các dự án điện gió, đảm bảo các hoạt động thi công tuân thủ đúng quy định về môi trường và có giải pháp gia cố an toàn tại các bãi thãi có nguy cơ sạt lở, ảnh hưởng đến an toàn của các khu dân cư.

Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức rà soát, điều chỉnh phương án ứng phó thiên tai, bảo đảm an toàn cho công tác dạy học trong bối cảnh phải thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19; kiểm tra, rà soát cơ sở vật chất, trường lớp, xây dựng phương án ứng phó khi thiên tai xảy ra.

Các Sở: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh bố trí nguồn lực để duy tu, sửa chữa, khắc phục kịp thời các sự cố nhằm đảm bảo an toàn cho các công trình phòng chống thiên tai và kịp thời tổ chức khắc phục hậu quả khi có thiên tai xảy ra.

Đài Khí tượng Thủy văn Quảng Trị tăng cường năng lực dự báo, kịp thời đưa ra các bản tin cảnh báo thiên tai sát với thực tế, đảm bảo độ tin cậy để các cấp, các ngành và nhân dân biết, chủ động ứng phó có hiệu quả.

Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh phối hợp với Đài Khí tượng thuỷ văn tỉnh và các đơn vị liên quan theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết để tham mưu UBND tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh chỉ đạo, điều hành công tác phòng, chống thiên tai kịp thời, hiệu quả.

Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Quảng Trị và các cơ quan thông tin đại chúng tăng cường công tác thông tin về tình hình thiên tai, các biện pháp phòng ngừa, ứng phó để chính quyền các cấp và cộng đồng được biết, chủ động thực hiện. Tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kinh nghiệm, gương điển hình trong phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Các Sở, ban, ngành, đoàn thể liên quan căn cứ phạm vi, chức năng, nhiệm vụ được giao, chủ động triển khai công tác phòng, chống thiên tai phù hợp với tình hình cụ thể của từng đơn vị, với quyết tâm cao nhất là giảm thiệt hại do thiên tai gây ra.

UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo, tổ chức kiểm tra, rà soát phương án ứng phó thiên tai cụ thể, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, nhất là phương án ứng cứu, sơ tán dân trong bối cảnh dịch bệnh Covid 19 diễn biến phức tạp; chủ động kiểm tra các công trình đê điều, hồ đập, các khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét, ngập lụt sâu để phát hiện, xử lý kịp thời các sự cố nhằm đảm bảo an toàn; sẵn sàng lực lượng, phương tiện, trang thiết bị theo phương châm “Bốn tại chỗ” để xử lý khi có tình huống xấu xảy ra, tuyệt đối không để bị động, bất ngờ. Chú trọng công tác chỉ đạo vận hành hồ, đập do địa phương quản lý, đảm bảo an toàn công trình và vùng hạ du, nhất là trong các tình huống xã lũ khẩn cấp. Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về công tác chủ động phòng, chống thiên tai trên địa bàn.

Đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh chỉ đạo các tổ chức chính trị xã hội tích cực phối hợp cùng chính quyền các cấp trong công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về phòng, chống thiên tai; tham gia cứu hộ, cứu trợ khi bão, lụt xảy ra; đồng thời có kế hoạch vận động, kêu gọi, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, nhà hảo tâm ủng hộ tiền, hàng để hỗ trợ kịp thời cho người bị thiệt hại do thiên tai.

UBND tỉnh giao Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh theo dõi, tổng hợp tình hình triển khai của các đơn vị, địa phương để báo cáo, đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo các nội dung phát sinh trong quá trình thực hiện, đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế.

(BTV)

Các tin khác