Ban chỉ đạo 389 quốc gia triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020

7:38, Thứ Sáu, 24-7-2020

(Web Quảng Trị)  Sáng 23/7/2020, đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đã chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2020, triển khai nhiệm vụ thời gian tới của Ban chỉ đạo 138/CP và Ban chỉ đạo 389 Quốc gia. Tham dự còn có Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Phó Trưởng Ban Thường trực BCĐ 138/CP.

Tại đầu cầu tỉnh Quảng Trị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Tiến đã chủ trì hội nghị, Tham dự còn có đại diện lãnh đạo các sở, ban ngành, địa phương, đơn vị liên quan.

Báo cáo trình bày tại hội nghị cho biết, 6 tháng đầu năm 2020, cả nước xảy ra 23.465 vụ phạm tội xâm phạm trật tự, an toàn xã hội. Hoạt động nổi lên là tội phạm có tổ chức vẫn diễn ra phức tạp, có sự đan xen giữa các lĩnh vực, núp bóng doanh nghiệp, hoạt động chủ yếu là bảo kê, tín dụng đen, đánh bạc và tổ chức đánh bạc trên không gian mạng. Tội phạm chống người thi hành công vụ tăng 21,76% so với cùng kỳ năm 2019. Tội phạm mua bán người được phát hiện 60 vụ. Tội phạm kinh tế, tham nhũng diễn ra phức tạp trong các ngành, lĩnh vực trọng điểm như tài chính, ngân hàng, đầu tư công, sử dụng đất đai với các hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, cố ý làm trái quy định nhà nước. Tội phạm sử dụng công nghệ cao với quy mô và tính chất nguy hiểm.  Tội phạm vi phạm pháp luật về môi trường vẫn diễn ra phổ biến, Tội phạm về vi phạm pháp luật về ma túy vẫn hoạt động mạnh trong điều kiện cách ly, giãn cách xã hội phòng chống dịch COVID – 19 (tăng 6,42%).

Trước tình hình diễn biến tội phạm ngày càng phức tạp, Ban chỉ đạo Quốc gia đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tấn báo chí trung ương và địa phương, thường xuyên khai thác hiệu quả các nghị quyết liên tịch, chương trình, quy chế phối hợp đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.

Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục phòng ngừa tội phạm và sự nổ lực vào cuộc của cả hệ thống chính trị, 6 tháng đầu năm 2020, cả nước đã khám phá 19.720 vụ tội phạm xâm phạm trật tự xã hội bắt 45.004 đối tượng, triệt phá 1.013 băng nhóm tội phạm các loại. Bắt và vận động đầu thú, thanh loại 2.886 đối tượng truy nã. Đặc biệt, công an các địa phương đã phát hiện, khởi tố điều tra 20 vụ, 26 đối tượng vi phạm các quy định của pháp luật. Phát hiện gần 9.000 vụ việc vi phạm hành chính, xử phạm 1,2 tỷ đồng. Phát hiện, đấu tranh 11.214 vụ/11.229 tổ chức, cá nhân phạm tội về kinh tế; 123 vụ/259 tổ chức cá nhân phạm tội về tham nhũng, chức vụ. Phát hiện 13.747 vụ/14.389 cá nhân, tổ chức, phạm tội, vi phạm pháp luật về môi trường. Khởi tố 1.201 vụ, 1.254 bị can. Phát hiện, bắt giữ 14.032 vụ, 19.738 đối tượng phạm tội am tuý, thu giữ 284,6 kg heroin, 1710,9kg và 1.054,163 viên ma tuý tổng hợp, 131,26kg cần sa…

Tại Quảng Trị, trong 6 tháng đầu năm 2020, các lực lượng chức năng đã kiểm tra phát hiện bắt giữ: 850 vụ (bằng 68,9% so với cùng kỳ năm 2019), trong đó: buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu: 601 vụ, gian lận thương mại: 226 vụ, hàng giả: 23 vụ; Tổng trị giá hàng hoá vi phạm tịch thu trên 14,266 tỷ đồng (bằng 80% so với cùng kỳ năm 2019); Xử phạt vi phạm hành chính 654 vụ (bằng 66,8% so với cùng kỳ năm 2019) với số tiền xử lý vi phạm hành chính, truy thu thuế và tiền thanh lý hàng tịch thu 10,479 tỷ đồng (bằng 76% so với cùng kỳ 2019); tuy số vụ, giá trị hàng hoá vi phạm và số tiền xử phạt vi phạm hành chính giảm nhưng số vụ và đối tượng bị khởi tố hình sự tương đương với cùng kỳ năm trước (106 vụ và 158 đối tượng so với 108 vụ và 142 đối tượng trong 6 tháng năm 2019) cho thấy đối tượng buôn lậu ngày càng  manh động và liều lĩnh.

Công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2020 tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của BCĐ 389 Quốc gia, các Bộ, ngành Trung ương và của UBND tỉnh; Các Sở, ngành, địa phương và lực lượng chức năng đã chủ động triển khai nhiệm vụ đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả theo kế hoạch đề ra, các địa phương đã có sự vào cuộc trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn.

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ nhấn mạnh, để công tác phòng, chống tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thời gian tới có chuyển biến tốt hơn, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng BCĐ 138/CP và BCĐ 389 quốc gia yêu cầu, các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm. Đó là tiếp tục tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm, hiệu quả các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, BCĐ 138/CP, 389 quốc gia. Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, nếu trên địa bàn, lĩnh vực nào để tội phạm; tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả xảy ra nghiêm trọng, phức tạp, kéo dài hoặc có cán bộ, công chức dưới quyền tiêu cực, tham nhũng thì phải tổ chức kiểm điểm nghiêm túc trách nhiệm người đứng đầu... Các bộ, ngành thực hiện nghiêm chế độ thông tin báo cáo, phối hợp chặt chẽ với Cơ quan Thường trực các BCĐ và đẩy nhanh tiến độ phê duyệt, triển khai các đề án thuộc Chiến lược quốc gia phòng chống tội phạm. Làm tốt công tác nắm và dự báo tình hình, không để xảy ra bị động, bất ngờ bảo vệ tuyệt đối an toàn các mục tiêu, công trình trọng điểm, các sự kiện quan trọng của đất nước, hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các đoàn khách quốc tế đến Việt Nam. Tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22-4-2019 của Thủ tướng Chính phủ về ngăn chặn tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc, không để người dân bức xúc, giảm sút niềm tin vào đội ngũ cán bộ, công chức. Thực hiện tốt công tác phòng ngừa xã hội, công tác tiếp nhận, xử lý tin báo, tố giác tội phạm, kiến nghị khởi tố, tăng cường tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện các dấu hiệu tội phạm, vi phạm pháp luật để có biện pháp ngăn chặn, nâng cao chất lượng điều tra khám phá các vụ án. Chú trọng đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, nâng cao nhận thức pháp luật. Thường xuyên gặp gỡ, đối thoại, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, tăng cường vai trò của các tổ chức đoàn thể, các cơ quan thông tấn, báo chí và người dân trong việc theo dõi, kiểm tra, giám sát hoạt động công vụ. Các bộ, cơ quan chức năng thực hiện nghiêm, đúng quy định của pháp luật việc định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức, viên chức...

Phạm Mỹ Hạnh

 

Các tin khác
Chi tiết bài viết tạm thời không có.