Tiếp tục triển khai các phương án ứng phó và chủ động khắc phục hậu quả mưa lũ

8:43, Chủ Nhật, 11-10-2020

(Web Quảng Trị) Ngày 10/10/2020, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Công điện số 11/CĐ-UBND điện Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh; Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các Ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố về việc tiếp tục triển khai các phương án ứng phó và chủ động khắc phục hậu quả mưa lũ.

Do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới đi qua Trung Bộ kết hợp với không khí lạnh và nhiễu động gió Đông trên cao, trên địa bàn tỉnh đã có mưa với cường suất rất lớn trên diện rộng trong thời gian ngắn, lũ ở hầu hết các sông lên rất nhanh, gây ngập lụt diện rộng tại các địa phương trên địa bàn tỉnh, đặc biệt đã xuất hiện đỉnh lũ vượt lũ lịch sử trên lưu vực sông Hiếu, gây thiệt hại lớn về người và tài sản.

Hiện nay, tình hình ngập lụt và diễn biến của mưa lũ rất phức tạp, đặc biệt là áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8 đang cách Bình Định khoảng 530 km, dự báo mạnh lên thành bão và đổ bộ khu vực Quảng Nam đến Phú Yên vào ngày 11/10. Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, từ ngày 11 đến ngày 13/10/2020 trên địa bàn tỉnh Quảng Trị sẽ có mưa to đến rất to, lượng mưa phổ biến từ 400-600mm.

Để chủ động phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai, nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của nhân dân cũng như Nhà nước; Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị yêu cầu:

Các đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm Công điện số 1384/CĐ-TTg ngày 09/10/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức tìm kiếm cứu nạn các thuyền viên bị mất tích, mắc kẹt trên vùng biển Cửa Việt và Công điện số 09/CĐ-UBND ngày 08/10/2020 của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị về tiếp tục triển khai các phương án ứng phó với mưa lũ trên diện rộng.

UBND các huyện, thị xã, thành phố: Khẩn trương tập trung chỉ đạo khắc phục các thiệt hại do mưa lũ gây ra. Trước hết, nhanh chóng ổn định cuộc sống và làm tốt việc cứu trợ, hỗ trợ các hộ gia đình neo đơn, có người bị chết, bị thương, thiệt hại về nhà cửa và tại những điểm sơ tán người dân đến tránh lũ; tu sửa nhanh chóng cơ sở hạ tầng thiết yếu bị ảnh hưởng, thiệt hại. Thực hiện vệ sinh môi trường đến từng hộ dân với phương châm "Nước rút đến đâu khắc phục nhanh, có hiệu quả đến đó", tận thu các sản phẩm trong sản xuất và kinh doanh; Thực hiện triệt để phương châm “4 tại chỗ", nhất là việc hướng dẫn Nhân dân dự trữ lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh và các nhu yếu phẩm cần thiết để chủ động đối phó với tình huống mưa, lũ lớn bị chia cắt dài ngày.

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh chủ trì, phối hợp với Sư đoàn 968, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh... chuẩn bị lực lượng, phương tiện, thường trực để điều tiết, cơ động hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả mưa lũ; sẵn sàng ứng cứu, hỗ trợ sơ tán dân khi có lệnh điều động.

Công an tỉnh phối hợp với các địa phương tiếp tục bố trí lực lượng kiểm soát, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện qua lại tại các điểm đang còn ngập lụt, các ngầm, tràn, đường ngập nước, đò ngang, đò dọc. Không cho người và phương tiện qua lại ở những nơi có dòng chảy xiết, vùng đang ngập và đi trên các đò, thuyền không đảm bảo an toàn, không có phương tiện cứu sinh. Nghiêm cấm việc vớt củi, gỗ và các hoạt động khác tại các vị trí sông suối, luồng lạch có dòng chảy mạnh để đảm bảo an toàn tính mạng của nhân dân. Có phương án bố trí lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn tại những khu vực trọng điểm, xung yếu để sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cảng vụ Hàng hải Quảng Trị và UBND các huyện ven biển tiếp tục triển khai quyết liệt việc nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi (Tàu thuyền chỉ được phép ra khơi trở lại khi kết thúc các hình thế thời tiết nguy hiểm trên biển); tăng cường công tác kiểm tra, theo dõi, kiểm đếm, quản lý, hướng dẫn, sắp xếp tàu thuyền vào các nơi trú ẩn an toàn và giữ thông tin liên lạc thường xuyên với các chủ phương tiện, tàu thuyền để kịp thời xử lý các tình huống xảy ra.

Các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Giao thông vận tải và UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức rà soát, sẵn sàng triển khai các phương án chống lũ cho các công trình đê điều, hồ đập, nhất là các hồ đập nhỏ do địa phương quản lý, các công trình đang thi công, đường giao thông, hệ thống điện, thông tin liên lạc, có phương án xử lý đảm bảo an toàn trong mọi tình huống; chuẩn bị các lực lượng, vật tư, thiết bị tại chỗ để sẵn sàng ứng cứu khi có tình huống xấu xảy ra, có biện pháp đảm bảo an toàn về người, công trình và tài sản. Thực hiện nghiêm Quy trình vận hành hồ chứa nước, phương án bảo vệ an toàn công trình và vùng hạ du.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng phương án tổ chức sản xuất ngay sau mưa lũ để hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện nhằm đảm bảo ổn định đời sống, sản xuất của nhân dân.

Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị trực thuộc khẩn trương phối hợp với chính quyền các địa phương sử dụng hóa chất để tiêu độc, khử trùng, đặc biệt là xử lý nguồn nước sinh hoạt đảm bảo an toàn, triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh sau mưa lũ nhằm bảo vệ sức khỏe cho nhân dân.

 Các Sở: Công Thương, Y tế, Tài chính có phương án chuẩn bị đầy đủ nhu yếu phẩm, lương thực, thuốc chữa bệnh, kinh phí để kịp thời hỗ trợ nhân dân các vùng ngập sâu, có nguy cơ bị chia cắt dài ngày.

Các Sở, Ban, ngành, Đoàn thể cấp tỉnh căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, chủ động chuẩn bị mọi phương án để hỗ trợ các địa phương ứng phó có hiệu quả và hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do mưa, lũ gây ra.

Hiện nay, lũ trên các sông vẫn đang ở mức cao, tình hình mưa lũ, ngập lụt còn tiếp tục diễn biến phức tạp, UBND tỉnh yêu cầu thực hiện nghiêm túc việc trực ban, theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết để chủ động phòng, chống, ứng phó, khắc phục hậu quả; đồng thời báo cáo nhanh, chính xác tình hình thiệt hại, công tác khắc phục hậu quả về UBND tỉnh (qua Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh) để nắm tình hình và có chỉ đạo xử lý kịp thời trong mọi tình huống.

Hồng Hà

Các tin khác
Chi tiết bài viết tạm thời không có.