Lãnh đạo tỉnh kiểm tra công tác di dân, ứng phó với mưa lũ

18:31, Thứ Bảy, 17-10-2020

(Web Quảng Trị) Chiều 17/10/2020, Bí thư Tỉnh ủy Lê Quang Tùng và Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng đã đi kiểm tra, chỉ đạo công tác ứng phó mưa lũ trên địa bàn Triệu Phong, Hải Lăng, thị xã Quảng Trị và thành phố Đông Hà.

Đến thời điểm hiện tại, mưa lũ đã làm 17 người chết, 2 người mất tích, 11 người bị thuơng. Tỉnh có hơn 40.000 hộ dân với 135.000 người bị ảnh hưởng ngập lụt; trong đó đã di dời khẩn cấp trên 8.000 hộ dân đến khu vực an toàn. Trong khi đó, hơn 300ha lúa bị ngập, bồi lấp; gần 2.600 ha hoa màu các loại bị thiệt hại; hàng trăm ha diện tích cây trồng hàng năm, cây ăn quả, cây lâm nghiệp bị thiệt hại, gãy đổ; hàng trăm ngàn con gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi…

Từ 8h ngày 17/10, thực hiện theo quy trình vận hành, các cửa xả tại hồ chứa Thủy lợi - Thủy điện Quảng Trị đã được mở hết, lưu lượng xả chảy qua tràn theo chế độ tự do ước đạt 1.110 m3/s. Hiện nay, theo dự báo tình hình mưa lớn còn kéo dài, hồ hết khả năng trữ nước, do đó hồ sẽ tiếp tục xả qua tràn với lưu lượng trên 1.000 m3/s.

 

Theo Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Quảng Trị, đơn vị đã đề nghị các huyện Hướng Hóa, Đakrông, Triệu Phong, Hải Lăng kịp thời thông báo cho UBND cấp xã và cộng đồng thuộc vùng hạ du được biết để chủ động phòng tránh, đảm bảo an toàn. Đặc biệt, các thôn, xã hạ du thuộc vùng bị ảnh hưởng.

Hiện mực nước trên các sông Thạch Hãn, Ô Lâu, sông Hiếu, Đakrông đã xấp xỉ và vượt báo động 3. Hàng chục ngàn nhà dân trên các huyện Triệu Phong, Hải Lăng, Cam Lộ và thị xã Quảng Trị… tiếp tục ngập lụt trên diện rộng.

 

Qua nắm tình hình và thị sát một số khu vực, Bí thư Tỉnh ủy Lê Quang Tùng lưu ý: tình hình mưa lũ còn diễn biến hết sức phức tạp trong vài ngày tới, các địa phương cần quán triệt tốt phương châm 4 tại chỗ. Vấn đề ưu tiên trước mắt đó là đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người, đặc biệt là các đối tượng yếu thế như: người già neo đơn, trẻ em, phụ nữ mang thai và người tàn tật.

 

Lãnh đạo tỉnh lưu ý các địa phương đặc biệt là người dân tuyệt đối không được chủ quan, những trường hợp ở vùng xung yếu, sạt lở ven sông không chịu di dời cần thiết phải thực hiện biện pháp cưỡng chế để đảm bảo an toàn; theo dõi sát sao diễn biến thời tiết để có phương án điều tiết lũ đảm bảo an toàn cho các công trình và vùng hạ du; đảm bảo lương thực thực phẩm cho người dân ở những nơi tránh lũ; các địa phương cần huy động tối đa lực lượng, trực 24/24h sẵn sàng nhận nhiệm vụ tham gia ứng cứu nhân dân trong tình huống khẩn cấp.

Tiến Nhất

Các tin khác
Chi tiết bài viết tạm thời không có.