UBND tỉnh họp bàn giải pháp khắc phục hậu quả do mưa, lũ gây ra trên địa bàn tỉnh

15:39, Thứ Tư, 21-10-2020

(Web Quảng Trị) Ngày 21/10/2020, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng và các Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã chủ trì cuộc họp bàn giải pháp khắc phục hậu quả mưa lũ gây ra trên địa bàn tỉnh. Tham dự có Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh Đào Mạnh Hùng; lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị, các tổ chức đoàn thể; lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố.

Thời gian qua, tình hình mưa bão trên địa bàn tỉnh có những diễn biến phức tạp khó lường, gây thiệt hại lớn về người và tài sản, ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống của ngươi dân. Tính đến 19h ngày 20/10, toàn tỉnh có 49 người chết, 04 người mất tích, 25 người bị thương; có 97/124 xã, phường, thị trấn với 103.822 lượt hộ/323.193 lượt người bị ngập lụt, trong đó đã triển khai sơ tán 25.533 lượt hộ/74.394 lượt người; 175 nhà bị hư hỏng nặng; 347,5 ha diện tích lúa bị ngập, bồi lấp; 2.540 ha diện tích hoa màu các loại ngập úng, gãy đổ, 836,3 ha cây trồng hàng năm bị thiệt hại; 522,79 ha cây ăn quả bị thiệt hại; 5.862 con gia súc, 547.868 con gia cầm các loại bị chết, cuốn trôi; 1.388,21 ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị ngập, trôi. Ngoài ra, rất nhiều các công trình nước sinh hoạt nông thôn, thủy lợi, đê điều, sạt lở bờ sông, bờ biển, giao thông, xây dựng, trường học, y tế, bị sạt lở, ngập nước, cuốn trôi, chưa thể thống kê hết. Ước giá trị thiệt hại của cơn bão số 5 và đợt mưa lũ kéo dài là hơn 2.000 tỷ đồng. 

Với phương châm không để người dân bị thiếu đói sau đợt mưa lũ vừa qua, UBND tỉnh cũng như các tổ chức, đơn vị đã tổ chức nhiều đoàn thăm hỏi, động viên người dân vùng lũ, nhất là các gia đình bị thiệt hại nặng do mưa lũ, gia đình có người tử nạn, mất tích; huy động, tranh thủ các nguồn lực tài trợ từ các đơn vị, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra.

Tại cuộc họp, sau khi nghe báo cáo của Sở NN&PTNT, lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị, lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố đã báo cáo về tình hình thiệt hại; công tác triển khai ứng phó thiên tai; những khó khăn, tồn tại trong công tác phòng, chống thiên tai; một số bài học, kinh nghiệm và kiến nghị, đề xuất các giải pháp khắc phục hậu quả thiên tai giúp nhân dân sớm ổn định và phục hồi sản xuất. 

Để kịp thời khắc phục hậu quả thiên tai và xử lí tình huống thiên tai tiếp theo, các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã có ý kiến đề nghị các sở, ngành, địa phương cần chủ động hơn nữa trong công tác phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai để giảm đến mức thấp nhất thiệt hại xảy ra; huy động mọi lực lượng xuống các địa bàn bị thiệt hại nặng để giúp đỡ nhân dân sớm ổn định đời sống. Tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ kịp thời các gia đình có người chết, mất tích; cứu chữa người bị thương; hỗ trợ lương thực, thực phẩm, vệ sinh môi trường, nhà ở, nước sạch cho người dân bị thiệt hại; bảo đảm khám chữa bệnh cho người dân vùng lũ; khẩn trương khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ, phục hồi sản xuất...

Kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng đánh giá cao sự vào cuộc của các cấp ủy, chính quyền địa phương, các sở ngành, lãnh đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố, các lực lượng vũ trang trong công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và khắc phục hậu quả mưa lũ. Về giải pháp khắc phục hậu quả mưa lũ, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh lên phương án hỗ trợ đảm bảo sự cân đối giữa các địa phương; tổ chức cứu trợ lương thực, nước uống, nhu yếu phẩm cho người dân, nhất là đối với hộ người già neo đơn, những hộ dân bị mất nhà cửa, những hộ ở vùng ngập sâu chia cắt dài ngày, đảm bảo đúng đối tượng, tránh trùng lắp và thực hiện hiện công khai, minh bạch theo quy định, tuyệt đối không để người dân thiếu đói, thiếu nước uống, không có chỗ ở, đồng thời có phương án đảm bảo an toàn cho các lực lượng tham gia cứu trợ. Lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các xã, phường thị trấn tổng hợp báo cáo nhu cầu của người dân vùng lũ cần cứu trợ những gì để có sự hỗ trợ thiết thực, hiệu quả, kịp thời phù hợp với tình hình thực tế. Sở Y tế hướng dẫn các địa phương thực hiện công tác dọn vệ sinh môi trường, tiêu độc khử trùng, không để dịch bệnh bùng phát sau mưa lũ. Các ngành Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lao động- Thương binh và Xã hội... theo chức năng, nhiệm vụ, cần chủ động trong công tác xử lý môi trường, phục hồi sản xuất, nắm bắt tình hình đời sống nhân dân với phương châm: Không để dân đói, dân thiếu thuốc phòng chống dịch bệnh. Ngành Giao thông vận tải phối hợp với chính quyền các cấp tập trung lãnh đạo để khắc phục các tuyến đường giao thông bị hư hỏng, đảm bảo giao thông thông suốt. Ngành Điện lực, ngành Thông tin và Truyền thông tập trung lực lượng, phương tiện để sớm khắc phục các tuyến đường dây, trạm biến áp, hệ thống thông tin liên lạc bị hư hỏng, bảo đảm cung cấp điện, thông tin liên lạc nhanh nhất, phục vụ sản xuất, đời sống của nhân dân. Ngành giáo dục cùng với các địa phương khẩn trương khắc phục hậu quả, sớm ổn định việc dạy và học ở các trường học. Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu các địa phương cần thống kê chính xác tình hình thiệt hại, đảm bảo khách quan báo cáo, đề xuất để có sự hỗ trợ kịp thời cho người dân...

Để chủ động ứng phó với cơn bão số 8 đang tiến vào biển Đông và nhiều khả năng ảnh hưởng đến khu vực tỉnh Quảng Trị, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các địa phương tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, chủ động, kịp thời triển khai các phương án ứng phó theo phương châm "bốn tại chỗ" nhằm bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho người dân. Tập trung rà soát, kiểm đếm tàu thuyền, phương tiện hoạt động trên biển để hướng dẫn các tàu thuyền về các nơi trú ẩn an toàn. Kiểm tra đảm bảo an toàn hồ đập, bố trí lực lượng, phương tiện, vật tư để chủ động xử lý khi có sự cố, bảo đảm an toàn cho người và tài sản. Chỉ đạo hướng dẫn người dân chằng chống nhà cửa, gia cố bảo vệ công trình, chặt tỉa cành cây,… để hạn chế thiệt hại do bão.

Hồng Hà

Các tin khác
Chi tiết bài viết tạm thời không có.