Thúc đẩy phục hồi sản xuất nông nghiệp khu vực các tỉnh miền Trung sau thiên tai

18:16, Thứ Sáu, 27-11-2020

(Web Quảng Trị) Ngày 27/11/2020, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường chủ trì hội nghị triển khai công tác khôi phục sản xuất nông nghiệp tại 6 tỉnh miền Trung sau thiên tai năm 2020. Tham dự có các Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, các cơ quan Bộ ngành liên quan cùng lãnh đạo các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quãng Ngãi.

Về phía tỉnh Quảng Trị có Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng cùng lãnh đạo các cơ quan, ban ngành liên quan.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, đợt bão lũ lịch sử vừa qua ngành nông nghiệp bị thiệt hại lớn nhất, trọng tâm rơi vào 6 tỉnh miền trung với tổng thiệt hại về kinh tế ước tính trên 30.000 tỷ đồng, hàng trăm người thương vong. Riêng lĩnh vực nông nghiệp bị thiệt hại 4.000ha lúa, 7.600ha hoa màu, 139.565 ha rừng, 12.672ha nuôi thủy sản bị thiệt hại; 38.500 con gia súc, 3.214.000 con gia cầm bị chết, cuốn trôi; 165km đê biển, cửa sông bị sự cố; 45,9km kè bị hư hỏng; 88 điểm sạt lở bờ biển với tổng chiều dài là 141km...

 

Trước tình trạng “bão chồng bão”, “lũ chồng lũ” trong 2 tháng gần đây được đánh giá chưa từng có trong nhiều năm qua, Bộ đã huy động tổng lực toàn bộ lực lượng đồng hành cùng miền Trung vừa triển khai các giải pháp phòng chống cũng như khôi phục sản xuất để ổn định cuộc sống người dân.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng chia sẻ: Tỉnh đã huy động hàng ngàn ngày công của các lực lượng, phương tiện để ra quân xung kích triển khai san, gạt, cải tạo đồng ruộng và diện tích hoa màu bị vùi lấp, hàn gắn tạm thời các tuyến kênh mương bị hư hỏng, sẵn sàng triển khai vụ Đông Xuân 2020-2021 thắng lợi. Qua quá trình triển khai, tỉnh đã cải tạo ruộng đất được hơn 1.000 ha tại các huyện Triệu Phong, Vĩnh Linh và thị xã Quảng Trị…

 

Tuy nhiên, do khối lượng diện tích lúa, hoa màu bị vùi lấp khá lớn nên công tác tác cải tạo, hoàn trả diện tích và hệ thống kênh mương nội đồng bị vùi lấp vẫn đang gặp nhiều khó khăn, cần phải huy động phương tiện cơ giới và lực lượng nhân công lớn trong thời gian dài mới có thể hoàn thành được…

Để hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả thiên tai, khôi phục sản xuất, Chính phủ cũng đã xuất cấp 15.804 tấn gạo; Bộ NN&PTNT đã hỗ trợ 23 tấn hạt giống ngô và gần 16 tấn hạt giống rau cho các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế.

Ngoài ra, Bộ NN&PTNT cũng hỗ trợ 13 tấn lúa, ngô giống các loại, để giúp người dân 4 tỉnh trên. Cùng với đó, Chính phủ đã quyết định hỗ trợ khẩn cấp 1.250 tỷ đồng cho 9 tỉnh miền Trung; Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, Bộ NN&PTNT đã kêu gọi các tổ chức quốc tế và một số quốc gia hỗ trợ tiền, hàng hóa thiết yếu với tổng trị giá trên 21,53 triệu USD.

Kết luận tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường lưu ý các địa phương tuyệt đối không để người dân thiếu lương thực từ nay đến Tết Nguyên đán, nhất là những vùng bị chia cắt do sạt lở. Đặc biệt phải ổn định môi trường sau lũ, phải huy động tổng lực cùng vào cuộc, nhất là đã sắp vào mùa Đông với tính dự báo đến sớm, gây rét đậm gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp, dịch bệnh. Trong công tác phòng chống dịch bệnh cần lưu ý phải sử dụng biện pháp vôi bột hàng đầu với tính hiệu quả, đa chiều, diệt khuẩn, đảm bảo môi trường hơn so với các loại thuốc sát trùng...

Để thực hiện điều đó, Bộ trưởng lưu ý ngay từ bây giờ các địa phương phải tính toán thật kỹ phương án tái sản xuất một cách hợp lý về khâu giống cây trồng vật nuôi, quy trình thực hiện. Có kế hoạch chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng vật nuôi một cách hợp lý ở vùng bị đất cát bồi lấp quá dày mà trước mắt chưa thể khắc phục với phương châm “Đã phục hồi phải chắc chắn, không chắc chắn đừng phục hồi”, trước mắt là vụ Đông Xuân 2020-2021 và vụ Xuân 2021.

Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục có những đoàn chuyên gia liên ngành đồng hành cùng các tỉnh miền Trung cũng như xúc tiến các gói hỗ trợ ADB một cách kịp thời trong công tác tái thiết sinh tế sau mưa lũ. Đồng thời thúc đẩy, kết nối sự chia sẻ của các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước chung tay cùng các tỉnh miền Trung đứng dậy sau đợt mưa lũ lịch sử.

Với tư cách là cơ quan thường trực trong công tác phòng chống thiên tai của trung ương. Bộ NN&PTNT sẽ có báo cáo, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ những vấn đề lớn đảm bảo sinh kế về lâu dài với các địa phương nằm trong vùng chịu ảnh hưởng lớn của thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu trong tình hình mới...

Tiến Nhất

Các tin khác
Chi tiết bài viết tạm thời không có.