Ban Chỉ huy PCLB & TKCN tỉnh Quảng Trị họp khẩn cấp về phòng chống bão số 5 ( bão CONSON)

21:41, Thứ Sáu, 10-9-2021

(Web Quảng Trị) 16 giờ ngày 8/9/2021, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng và Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng đã chủ trì cuộc họp trực tuyến khẩn cấp với các thành viên Ban Chỉ huy Phòng chống bão lụt và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh (PCLB &TKCN tỉnh) và các địa phương để triển khai giải pháp phòng chống bão số 5 ( tên quốc tế là bão CONSON). Tham dự cuộc họp còn có Chủ tịch Ủy  ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đào Mạnh Hùng.

Được biết, hồi 13 giờ ngày 10/9, vị trí tâm bão CONSON ở khoảng 15,7 độ Vĩ Bắc; 112,2 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển phía Nam khu vực quần đảo Hoàng Sa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (90-100km/giờ), giật cấp 12. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 160km tính từ tâm bão. Dự báo trong 24 đến tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây và có khả năng mạnh thêm (Bão mạnh cấp 11, giật cấp 13). Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chậm theo hướng Tây Tây Bắc (Bão mạnh cấp 10-11, giật cấp 13). Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc (Bão giảm xuống cấp 9, giật cấp 11). Trong 72 đến 120 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Bắc, cường độ giảm xuống cấp 7-8, mỗi giờ đi được khoảng 10km và ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền khu vực từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi. Từ đêm nay 10/9, ở vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi (bao gồm các huyện đảo Lý Sơn, Cồn Cỏ có gió mạnh dần lên cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8-9, giật cấp 11; sóng biển cao từ 4,0-5,0m; biển động rất mạnh. Ở các tỉnh Quảng Trị đến Quảng Ngãi có mưa to đến rất to, lượng mưa ở Quảng Trị phổ biến 200-300mm/đợt, có nơi trên 350mm/đợt. Dự báo cấp độ rủi ro thiên tai do bão: cấp 3.

Thực hiện văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, các ngành, địa phương và các lực lượng trên địa bàn đã chủ động triển khai các giải pháp phòng chống bão số 5 (CONSON).

Tính đến 14 giờ ngày 10/9/2021, đã có 2.312 chiếc tàu thuyền với 7.163 người trên địa bàn tỉnh đã nhận được thông tin về diễn biến của bão, có thông tin liên lạc thường xuyên, cụ thể: Tàu thuyền của tỉnh đang hoạt động trên biển 17 chiếc với 177 người (hoạt động xung quanh khu vực đảo Cồn Cỏ). Tàu thuyền của tỉnh neo đậu an toàn tại các bến: 2.295 chiếc với 6.986 người. Tàu thuyền ngoại tỉnh trú trên địa bàn tỉnh là 63 chiếc với 417 người.

Đến cuối ngày 10/9/2021, trên địa bàn tỉnh thu hoạch được gần 18.000 ha/22.410 ha lúa, đạt trên 80% diện tích gieo cấy. Hiện nay vẫn còn khoảng 4.645 ha lúa chưa thu hoạch. Hiện nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tiếp tục chỉ đạo các địa phương khẩn trương thu hoạch hoàn thành diện tích lúa và hoa màu vụ Hè Thu, đồng thời có các biện pháp đảm bảo an toàn, hạn chế thiệt hại do mưa bão gây ra.

Để đảm bảo an toàn các công trình hồ, đập và đê điều trước, trong và sau mùa mưa lũ năm 2021, các địa phương, đơn vị đã kiểm tra, rà soát, đánh giá hiện trạng các công trình nhằm phát hiện và khắc phục, sửa chữa, tu bổ kịp thời các hư hỏng. Đồng thời xây dựng, rà soát, cập nhật phương án ứng phó thiên tai, phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp cho công trình và vùng hạ du đối với các hồ, đập; phương án hộ đê tại các khu vực xung yếu đối với các tuyến đê, kè để chủ động trong công tác ứng phó khi thiên tai xảy ra. Tổng số hồ chứa trên địa bàn tỉnh là 124 hồ chứa nước, trong đó có 1 hồ Thủy lợi - Thủy điện với tổng dung tích trữ là 162,99.106 m3 và 123 hồ thủy lợi dung tích khoảng 260.106 m3. Tổng dung tích các hồ chứa thủy lợi đến thời điểm hiện nay khoảng 33,30 triệu m3, đạt 17,66% so với dung tích thiết kế.

Về công tác di dân, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn ra ngày càng phức tạp, cùng với tình hình thời tiết, thiên tai dự báo tiếp tục khó lường hơn trước đang trở thành “Thách thức kép” tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro và thiệt hại trên địa bàn tỉnh. Để chủ động sẵn sàng triển khai hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trong bối cảnh phòng chống dịch bệnh COVID-19, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai các cấp đã xây dựng phương án ứng phó thiên tai trong điều kiện dịch bệnh.

Theo đó, căn cứ vào đặc điểm địa hình, diễn biến bão CONSON và hoàn lưu bão gây mưa lũ, các địa phương sẽ áp dụng phương án ứng phó khi bão, bão mạnh đổ bộ. Ở các vùng bị ảnh hưởng sẽ tiến hành sơ tán dân tránh bão từ nhà tạm không đảm bảo phòng chống thiên tai đến các nhà kiên cố như: nhà dân cao tầng kiên cố, trường học, trụ sở cơ quan, trụ sở UBND, trạm Y tế, Đồn Biên phòng...

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng đánh giá cao sự chủ động của các huyện ven biển đã chủ động cùng các lực lượng kêu gọi tàu thuyền vào bờ neo đậu. Đồng thời lưu ý, để tránh trường hợp đáng tiếc có thể xảy ra, các ngành, đơn vị, địa phương kiên quyết thực hiện và cưỡng chế thuyền viên cố tình ở lại trên tàu. Có phương án đưa số thuyền viên trên các tàu đưa đi cách ly tập trung, xét nghiệm và kiểm soát việc thực hiện phòng chống dịch bệnh COVID-19.

Đối với huyện Hướng Hoá cần khẩn trương rà soát việc di dời dân đến nơi an toàn, đảm bảo phòng chống dịch. Các lực lượng vũ trang trên địa bàn chuẩn bị lực lượng, nguồn lực, vật lực để sẵn sàng ứng phó, xử lý kịp thời. Huy động các lực lượng giúp dân thu hoạch lúa, hoa màu trước khi bão lũ đổ bộ trên địa bàn. Ngành Công thương và Y tế đảm bảo lương thực thực phẩm, thuốc men đầy đủ để ứng phó với tinh thần luôn luôn chủ động, phòng hơn tránh. Các ngành, địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để xử lí kịp thời và đảm bảo vận hành, điều tiết hợp lý nhất khi có sự cố xảy ra.

Phát biểu kết luận tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng thống nhất với các phương án phòng chống bão mà các địa phương và Ban Chỉ huy Phòng chống bão lụt và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đề xuất; ngoài ra đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh còn đặc biệt lưu ý về vấn đề sạt lỡ đất, nhất là đối với các vùng xung quanh khu vực các dự án điện gió. Vì vậy đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu công tác di dân phải được thực hiện một cách khẩn trương, bài bản để tránh thiệt hại về người; ngành Nông nghiệp, Trung tâm phòng chống thiên tai thực hiện rà soát lại cơ sở vật chất, kỹ thuật để đảm bảo thông tin liên lạc giữa các thành viên Ban Chỉ huy Phòng chống bão lụt và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh với các vùng sâu, vùng xa trong thời gian trước, trong và sau bão; các địa phương, sở ngành và Ban Chỉ huy Phòng chống bão lụt và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh phải luôn thực hiện mục tiêu kép " vừa phòng chống bão, vừa phòng chống dịch". 

Phạm Mỹ Hạnh

Các tin khác