Lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể cho sự phát triển chuyển đổi số

8:42, Thứ Tư, 1-12-2021

(Web Quảng Trị) Chiều ngày 30/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính – Chủ tịch Uỷ ban quốc gia về chuyển đổi số (CĐS) chủ trì hội nghị của Uỷ ban quốc gia về chuyển đổi số. Cùng dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam - Phó Chủ tịch thường trực Uỷ ban, cùng các thành viên Uỷ ban và đại diện các Bộ, ngành trung ương

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam và các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Quảng Trị

 

Dự phiên họp tại điểm cầu Quảng Trị có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam và lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh.

Tại phiên họp, Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số đã công bố Quyết định thành lập Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số gồm 16 đồng chí; trong đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm Chủ tịch Ủy ban. Đồng thời, thông qua dự thảo Kế hoạch chuyển đổi số năm 2022.

Theo dự thảo Kế hoạch chuyển đổi số năm 2022, Chương trình chuyển đổi số quốc gia, Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế số và xã hội số đặt ra 53 chỉ tiêu định lượng đến năm 2025.

Đáng chú ý, năm 2022 sẽ triển khai 18 chỉ tiêu quan trọng, đề xuất ưu tiên nguồn lực triển khai, trong đó nhiệm vụ phổ cập điện thoại thông minh và cáp quang băng rộng toàn dân được xác định là điều kiện tiên quyết cho mọi hoạt động chuyển đổi số. Mục tiêu đến hết năm 2022, tối thiểu 70% hộ gia đình có cáp quang, phủ sóng băng rộng di động tới 100% thôn/bản, số thuê bao băng rộng di động/100 dân đạt tối thiểu 85%.

Để triển khai tốt 18 chỉ tiêu quan trọng trong năm 2022, dự thảo Kế hoạch chuyển đổi số năm 2022 đề xuất 5 chính sách đặc thù gồm chính sách đào tạo, đào tạo lại nhân lực; chính sách phân bổ kinh phí; chính sách quản lý kinh phí chi cho chuyển đổi số; chính sách kiện toàn tổ chức, bộ máy, mạng lưới đến cấp cơ sở; chính sách dữ liệu.

Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, các địa phương và một số doanh nghiệp thông tin sâu hơn về kết quả triển khai thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số, những thuận lợi, khó khăn, đề xuất các giải pháp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số quốc gia.

Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhận định việc chuyển đổi số đang là xu thế mang tính toàn cầu, là nhu cầu khách quan của sự phát triển, chính vì vậy cả hệ thống chính trị cần phải đoàn kết, thống nhất bắt tay thực hiện mục tiêu chuyển đổi số. Việc chuyển đổi số có tác động ảnh hưởng đến mọi người dân. Vì vậy, cần lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể cho sự phát triển chuyển đổi số; có tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, cách làm phù hợp với thực tế khách quan; có đầu tư thích đáng cho công tác nhân lực, quản trị, cơ sở hạ tầng...

Đẩy mạnh hợp tác công tư, sử dụng nguồn đầu tư công và kích hoạt các nguồn lực khác để thực hiện chuyển đổi số; tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, đo lường đúc rút kinh nghiệm; đẩy mạnh truyền thông tạo sự hưởng ứng đồng thuận trong thực hiện.

Đặc biệt, cần nâng cao nhận thức tầm quan trọng của nhiệm vụ chuyển đổi số, nhất là đối với người đứng đầu; quan tâm nguồn nhân lực chất lượng cao; hoàn thiện thể chế chính sách, các cơ sở dữ liệu; triển khai chương trình phát triển công dân số; đặt quan điểm vì lợi ích quốc gia dân tộc lên trên hết để tích cực thực hiện hỗ trợ, hợp tác chia sẻ địa phương, quốc tế rộng rãi để tạo bước đột phá trong thực hiện chuyển đổi số năm 2022.

Thủ tướng giao Bộ Thông tin và Truyền thông sớm hoàn thiện kế hoạch hoạt động của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số trong năm 2022. Các bộ, ngành thành viên liên quan bám sát kế hoạch chung để cụ thể hóa theo chức năng nhiệm vụ để thực hiện hiệu quả công tác chuyển đổi số.

Hồng Hà

Các tin khác
Chi tiết bài viết tạm thời không có.