Thường trực HĐND tỉnh với chi nhánh Ngân hàng nhà nước Việt Nam tỉnh Quảng Trị

13:11, Thứ Bảy, 19-11-2022

(Web Quảng Trị) Ngày 18/11/2022, đồng chí Nguyễn Đăng Quang, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã chủ trì buổi làm việc giữa Thường trực HĐND tỉnh với chi nhánh Ngân hàng nhà nước Việt Nam tỉnh Quảng Trị về hoạt động tiền tệ, ngân hàng.

Tham dự buổi làm việc còn có đồng chí Hồ Thị Thu Hằng, UVTV Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy; đồng chí Nguyễn Trần Huy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban ngành, đơn vị liên quan.

Tại buổi làm việc, Giám đốc chi nhánh Ngân hàng nhà nước Việt Nam tỉnh Quảng Trị Nguyễn Đức Đồng cho biết, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã chủ động bám sát các chỉ đạo của Chính phủ, của Ngân hàng Trung ương, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh để chỉ đạo điều hành một cách hiệu quả. Trong đó, đáng chú ý là các giải pháp chỉ đạo về khôi phục và phát triển kinh tế sau đại dịch COVID - 19; triển khai các chương trình tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và các đối tượng chính sách theo Nghị quyết 43 của Quốc hội và Nghị quyết số 11 của Chính phủ. Tín dụng tăng trưởng khá, 10 tháng tăng 6.427 tỷ đồng, với tỷ lệ tăng 14,69% so với cuối năm 2021 và đạt dư nợ 50.167 tỷ đồng, ước đến cuối năm dư nợ đạt 50.500 tỷ đồng, tăng trưởng, 15,5% so cuối năm 2021; chất lượng tín dụng đảm bảo, nợ xấu chiếm tỷ trọng 0,67%, hoạt động các tổ chức tín dụng an toàn.

Khó khăn hiện nay được ngành ngân hàng xác định, đó là: Huy động vốn trên địa bàn gặp khó khăn, không tăng trưởng. Huy động vốn trên địa bàn đến 31/10/2022 đạt 29.994 tỷ đồng, giảm 149 tỷ đồng với tỷ lệ giảm 0,49% so cuối năm 2021. Nợ xấu tuy ở mức thấp. Nhưng tiềm ẩn rủi ro lớn, do nhiều khoản nợ bị ảnh hưởng do dịch COVID-19 được cơ cấu lại theo Thông tư số 01/2020/TT-NHNN không chuyển nhóm nợ, tiềm ẩn nợ xấu trong tương lai. Thị trường bất động sản đóng băng, giá cả đất đai giảm mạnh ảnh hưởng đến tài sản đảm bảo vay vốn, đây cũng là nguy cơ rủi ro tiềm năng. Hiện trên địa bàn, việc cấp Giấy chứng nhận tài sản trên đất được thực hiện rất ít, khó khăn trong việc thế chấp tài sản để vay vốn của các doanh nghiệp cũng như người dân. Lãi suất huy động tăng, kéo theo lãi suất cho vay sẽ tăng sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp và hộ dân vay vốn Ngân hàng. Chương trình cho vay tàu thuyền theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ không thu hồi được nợ. Sẽ gây khó khăn cho các ngân hàng thương mại cho vay Chương trình tín dụng này. Việc chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng đã được triển khai khá tích cực, nhưng việc triển khai thanh toán học phí, viện phí tại các cơ sở giáo dục, cơ sở y tế vẫn còn ít, triển khai chậm…

Định hướng năm 2023 được xác định, tăng trưởng tín dụng: 14%. Nợ xấu: dưới 2%.

Tại buổi làm việc, Giám đốc chi nhánh Ngân hàng nhà nước Nguyễn Đức Đồng kiến nghị các cấp có thẩm quyền cấp tỉnh, cấp Trung ương có những giải pháp thích hợp trong việc xử lý nợ xấu trong cho vay đóng mới tàu đánh bắt hải sản theo Nghị định 67 của Chính phủ và Quyết định 47 của Thủ tướng Chính phủ. Tăng cường chỉ đạo công tác chuyển đổi số. Xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 của Quốc hội; đề nghị HĐND tỉnh phê duyệt đề án bổ sung nguồn vốn ngân sách địa phương lên mức trên 200 tỉ đồng để Ngân hàng Chính sách xã hội có đủ nguồn lực phục vụ người nghèo và các đối tượng chính sách. 

Kết luận buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Đăng Quang yêu cầu chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tổng hợp các khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động tiền tệ, ngân hàng, đồng thời đề xuất những ý kiến bằng văn bản cụ thể, chi tiết để HĐND tỉnh xem xét, tìm giải pháp tháo gỡ kịp thời. Thông qua hoạt động kiểm tra, giám sát, chi nhánh Ngân hàng Nhà nước cần thường xuyên giao ban với các tổ chức tín dụng để nắm bắt tình hình, tìm cách tháo gỡ khó khăn. Nếu ngoài khả năng xử lý thì kịp thời kiến nghị, đề xuất với lãnh đạo tỉnh.

Phạm Mỹ Hạnh 

Các tin khác
Chi tiết bài viết tạm thời không có.