Chính phủ lấy ý kiến vào Nghị định xử phạt vi phạm trong lĩnh vực đất đai

20:32, Thứ Sáu, 30-8-2024

(Cổng TTĐT) Ngày 30/8/2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp trực tuyến với các tỉnh, thành phố và các Bộ ngành liên quan về xây dựng Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai. Tham dự tại điểm cầu Quảng Trị có Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng chủ trì cuộc họp tại điểm cầu Quảng Trị

Dự thảo Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai gồm có 4 chương, 36 điều do Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) xây dựng. Trong đó, chương I những quy định chung; chương II các hành vi vi phạm hành chính, hình thức, mức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả; chương III thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và chương IV điều khoản thi hành.

Nội dung cơ bản của dự thảo Nghị định quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng; thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính; hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả; mức phạt tiền và thẩm quyền xử phạt; việc xác định số lợi bất hợp pháp; xác định diện tích đất vi phạm và tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm.

Quy định cụ thể 22 nhóm hành vi vi phạm hành chính về đất đai, trong đó nhiều hành vi đã được quy định tại Nghị định số 91/2019/NĐ-CP, có sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn và quy định của Luật Đất đai năm 2024.

Tăng mức xử phạt đối với các hành vi: lấn đất, chiếm đất; không sử dụng đất trồng cây hằng năm, đất nuôi trồng thủy sản trong thời hạn 12 tháng liên tục, đất trồng cây lâu năm trong thời hạn 18 tháng liên tục, đất trồng rừng trong thời hạn 24 tháng liên tục; hành vi không làm thủ tục chuyển sang thuê đất đối với trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 255 Luật Đất đai; vi phạm quy định về quản lý mốc địa giới đơn vị hành chính; vi phạm quy định về giấy tờ, chứng từ trong việc sử dụng đất…

Bỏ quy định xử phạt đối với một số hành vi: chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất đất trồng lúa không đúng quy định, sử dụng đất vào mục đích khác thuộc trường hợp phải đăng ký mà không đăng ký; chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô bán nền trong dự án đầu tư xây dựng kinh doanh nhà ở; chuyển nhượng quyền sử dụng đất gắn với chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án đầu tư; không nộp hồ sơ, không cung cấp, cung cấp không đầy đủ giấy tờ để làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận cho người mua, thuê mua nhà, công trình xây dựng, nhận chuyển quyền tại dự án kinh doanh bất động sản. Do các hành vi trên không thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật đất đai mà thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật trồng trọt, Luật kinh doanh bất động sản và sẽ được quy định xử phạt tại các Nghị định chuyên ngành trên.

Các đại biểu đánh giá, tình trạng vi phạm trong lĩnh vực đất đai hiện nay diễn ra khá phổ biến ở nhiều địa phương, nên nội dung Nghị định phải dễ hiểu, dễ áp dụng, đáp ứng yêu cầu trong triển khai Luật Đất đai năm 2024.

Phát biểu kết luận, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh đến những điểm mới trong công tác ban hành Nghị định của Chính phủ hiện nay, sát với thực tiễn, đảm bảo phù hợp với thực tế địa phương. Trên cơ sở các ý kiến đóng góp của các Bộ, ngành, địa phương, Phó Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ TN&MT tiếp thu bổ sung, hoàn thiện dự thảo. Từ thực tế vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về dự thảo Nghị định, Phó Thủ tướng đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục lấy ý kiến đóng góp, sau đó trình Chính phủ xem xét theo đúng quy định.

Tiến Nhất

Các tin khác