Đại hội Hội Di sản văn hóa Quảng Trị lần thứ IV, nhiệm kỳ 2024 - 2029

13:45, Thứ Ba, 1-10-2024

(Cổng TTĐT) Sáng ngày 1/10/2024, Hội Di sản Văn hóa Quảng Trị tổ chức đại hội lần thứ IV, nhiệm kỳ 2024 - 2029. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam phát biểu tại đại hội

Hội Di sản Văn hóa Quảng Trị gồm các phân hội: Di tích - Bảo tàng và Cổ vật, Văn hóa dân gian, Nghệ thuật - Ngành nghề truyền thống, Nghệ thuật sinh vật cảnh với gần 130 hội viên.

Nhiệm kỳ qua, Hội Di sản văn hóa Quảng Trị đã khắc phục khó khăn, hoạt động tích cực và có những đóng góp quan trọng trong việc cùng với các cơ quan nhà nước và địa phương bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa của tỉnh Quảng Trị.

Trong quá trình hoạt động, Hội đã tập hợp được các tổ chức, cá nhân tham gia nghiên cứu, có những ý kiến góp ý quan trọng, đưa ra một số giải pháp tích cực, hữu hiệu nhằm góp phần bảo vệ và phát huy giá trị di sản, đáp ứng nhu cầu về văn hoá ngày càng cao của Nhân dân địa phương, đóng góp vào kho tàng di sản văn hoá Việt Nam.

Hội cũng đã tập hợp và vận động được các tầng lớp Nhân dân, nâng cao trách nhiệm của người dân trong việc tham gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá theo tinh thần của Luật Di sản văn hoá; tuyên truyền, phổ biến các giá trị di sản văn hoá; hỗ trợ phát triển hoạt động nghề nghiệp; đánh giá, thẩm định, tư vấn, phản biện và đề xuất với cấp uỷ đảng, chính quyền về các chính sách, biện pháp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá; đồng thời thực hiện một số đề tài, đề án, công trình nghiên cứu về di sản văn hoá; tham gia các hội thảo khoa học về lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn nói chung và di sản văn hóa nói riêng.

Ban chấp hành Hội Di sản Văn hóa Quảng Trị nhiệm kỳ 2024 - 2029 ra mắt đại hội

Đáng chú ý, trong nhiệm kỳ vừa qua, Hội đã tham gia xây dựng, tư vấn, phản biện các quy hoạch đầu tư, tôn tạo các di tích quốc gia, quốc gia đặc biệt như: Quy hoạch Di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải; Quy hoạch Di tích quốc gia đặc biệt Thành Cổ Quảng Trị và những địa điểm lưu niệm sự kiện 81 ngày đêm chiến đấu, bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị; Di tích quốc gia đặc biệt Cảng Quân sự Đông Hà, Địa đạo Vịnh Mốc, Hệ thống khai thác nước cổ Gio An; các địa điểm liên quan đến dinh chúa Nguyễn (1558 - 1626); tham gia góp ý về các dự án Bảo tồn, tôn tạo, nâng cấp các di tích lịch sử cách mạng trọng điểm tỉnh Quảng Trị như: Khu lưu niệm Tổng Bí thư Lê Duẩn, Bảo tàng Thành Cổ Quảng Trị, Khu di tích Địa đạo Vịnh Mốc.

Hội đã tham gia phản biện, góp ý các đề án Đặt tên, đổi tên đường, phố và các công trình công cộng trên địa bàn thành phố Đông Hà, thị xã Quảng Trị và các địa phương trên địa bàn tỉnh; tham gia các đề án, chương trình, kế hoạch nghiên cứu khảo cổ, nghiên cứu văn hóa phi vật thể, trưng bày, triển lãm; tổ chức sản xuất phim tài liệu; biên soạn và xuất bản sách nghiên cứu về di sản văn hóa; hỗ trợ giúp đỡ các địa phương, làng xã, họ tộc trong việc phục hồi di vật cổ, lễ hội truyền thống, tư liệu về lịch sử văn hoá, tài liệu Hán nôm; tổ chức tọa đàm và các hình thức tôn vinh các giá trị di sản văn hóa...

Nhiệm kỳ 2024 - 2029, Hội Di sản văn hóa Quảng Trị đề ra mục tiêu: Phát huy những ưu điểm, những kết quả đã đạt được trong thời gian qua, khắc phục những hạn chế, tồn tại; tăng cường củng cố tổ chức Hội, nâng cao chất lượng để mỗi tổ chức và mỗi hội viên phải thực sự là những nhân tố tích cực, nhiệt tình, tâm huyết, sáng tạo, nhằm phát huy hơn nữa vai trò của Hội trong sự nghiệp bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam nói chung và Quảng Trị nói riêng. Triển khai tổ chức các hoạt động nhằm thực hiện cuộc vận động bảo tồn phát huy giá trị di sản văn hóa theo chủ đề: “Bảo tồn di sản văn hóa - khơi nguồn từ ký ức cộng đồng”...

Phát biểu tại đại hội, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam ghi nhận, biểu dương những đóng góp của Hội Di sản Văn hóa tỉnh đối với việc bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh thời gian qua.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị trong nhiệm kỳ tới, hội cần quan tâm phát huy tính năng động, sáng tạo và hiệu quả trong hoạt động của hội, phát huy vai trò trách nhiệm trong lĩnh vực nghiên cứu, tư vấn, giám sát, phản biện trên các lĩnh vực văn hóa, để cùng với ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tham mưu cho tỉnh những định hướng chiến lược về bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa trên địa bàn, nhất là các di tích quốc gia, quốc gia đặc biệt và các di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của địa phương; góp phần phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy ngành dịch vụ - du lịch phát triển.

Bên cạnh đó, Hội cần tiếp tục nghiên cứu, phát huy vai trò trong công tác phản biện xã hội, đồng thời là cánh tay nối dài của ngành chức năng trong vận động bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, để công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trở thành hành động tự giác trong cộng đồng.

Tích cực vận động các cơ quan, đơn vị và cá nhân có liên quan nghiên cứu, hỗ trợ các làng, xã phục hồi các di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu; đồng thời quan tâm hơn nữa việc sưu tầm, lưu giữ và khai thác tốt các giá trị di sản văn hóa vật thể, nhất là hoạt động điều tra, kiểm kê, khoanh vùng bảo vệ, tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa.

Tập trung nghiên cứu, đề xuất lãnh đạo tỉnh, hỗ trợ các cơ quan chuyên môn thực hiện một số nhiệm vụ, công việc mà tỉnh đang quan tâm xây dựng thương hiệu. Xây dựng hồ sơ về các loại hình di sản văn hóa phi vật thể nói chung và lễ hội truyền thống nói riêng trên đất Quảng Trị vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia...

Phó Chủ tịch UBND tỉnh tin tưởng rằng, Hội Di sản văn hóa Quảng Trị sẽ tiếp tục đoàn kết, nỗ lực phấn đấu hoàn thành phương hướng nhiệm vụ mà Đại hội đã đề ra trong thời gian tới, góp phần cùng các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp bảo vệ và phát huy hiệu quả các giá trị di sản văn hoá trên địa bàn tỉnh.

Đại hội đã bầu Ban Chấp hành gồm 11 ủy viên; bà Hoàng Thị Thu Hương được bầu giữ chức Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa tỉnh nhiệm kỳ 2024 - 2029.

Hồng Hà

Các tin khác