Sở Y Tế: Phòng bệnh tiêu chảy trong mùa hè

14:55, Thứ Năm, 23-7-2020

Thời tiết mùa hè nóng ẩm là điều kiện rất thuận lợi cho các loại vi khuẩn, virut gây bệnh tiêu chảy bùng phát và xâm nhập qua đường ăn uống. Bệnh thường gặp ở những nơi có điều kiện vệ sinh kém, nguồn nước, thức ăn bị ô nhiễm...Nếu không biết cách phòng tránh và xử lý kịp thời, bệnh có thể gây nguy hiểm, đặc biệt đối với trẻ em.

Ăn uống kém vệ sinh làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiêu chảy.

Ghi nhận tại các trung tâm Y tế và bệnh viện trên địa bàn toàn tỉnh, lượng bệnh nhân nhập viện do tiêu chảy trong mùa hè thường tăng từ 20% đến 30 % so với các mùa khác trong năm. Bệnh xảy ra ở trẻ em cao hơn người lớn gấp 2-3 lần.

Bệnh nhân Lê Gia H. (2 tuổi) ở xã Triệu Giang, huyện Triệu Phong nhập viện trong tình trạng tiêu chảy liên tục, nhiều lần, nôn, người mệt lả, có biểu hiện của tình trạng mất nước: khát nước, da khô, mắt trũng. Qua thăm khám, các bác sĩ xác định bệnh nhân bị tiêu chảy cấp. Sau một tuần tuân thủ phác đồ điều trị, bệnh nhân đã bình phục và xuất viện.

Theo các bác sĩ chuyên khoa thì tiêu chảy là bệnh lý về đường tiêu hóa thường gặp, là tình trạng số lần đi đại tiện tăng lên bất thường, phân loãng hoặc như nước, đôi khi có kèm theo niêm dịch, máu, có thể kèm theo sốt cao, bị đầy bụng, ăn kém hoặc bỏ ăn, nôn, kèm theo triệu chứng đổ mồ hôi lạnh, lừ đừ, mệt mỏi.

Người bệnh khi bị tiêu chảy nặng thường dẫn đến mất nước với các biểu hiện như môi khô, mắt trũng, khát nước, nếu không được bổ sung kịp thời sẽ kéo theo các hệ lụy như dung lượng máu giảm thấp, khiến cơ thể choáng váng, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.

Bệnh tiêu chảy có thể lây lan nhanh và gây thành dịch lớn, nhất là ở những khu vực dân cư đông người, sử dụng chung nguồn nước ăn uống, sinh hoạt. Bệnh hay bùng phát vào mùa hè, khi thời tiết nóng ẩm là điều kiện thuận lợi cho các mầm bệnh phát triển.

Có nhiều nguyên nhân gây ra bệnh tiêu chảy, trong đó có nguyên nhân do vi rút, vi khuẩn, nguy hiểm nhất là tiêu chảy do phẩy khuẩn Tả (còn gọi là bệnh Tả). Bệnh lây theo đường tiêu hóa qua thức ăn, nước uống bị nhiễm khuẩn, bệnh có liên quan chặt chẽ với điều kiện môi trường, nước, an toàn thực phẩm và thói quen vệ sinh của người dân.

Những người có nguy cơ cao dễ mắc bệnh tiêu chảy gồm những người ăn uống và sống gần với người bị tiêu chảy dễ mắc bệnh nếu không áp dụng các biện pháp phòng bệnh; Dân cư tại những khu vực sử dụng nhà tiêu không hợp vệ sinh, đổ thẳng phân ra cống, mương, ao, hồ, sông, suối...; Sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm; Có tập quán ăn uống không hợp vệ sinh, hay ăn rau sống, thủy hải sản chưa nấu chín kỹ; Sử dụng phân tươi hoặc phân chưa được xử lý đảm bảo vệ sinh trong trồng trọt,...

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) mỗi năm Việt Nam có khoảng 2 triệu lượt người bị tiêu chảy do ngộ độc thức ăn. Chi phí điều trị cho số lượng bệnh nhân này lên đến 2.000 tỷ đồng/năm.

Tiêu chảy cấp là một trong những bệnh thường gặp nhất và là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em, nhất là trẻ nhỏ dưới 5 tuổi. Nguyên nhân chính gây tử vong khi trẻ bị tiêu chảy là mất nước, điện giải và suy dinh dưỡng. Tiêu chảy và suy dinh dưỡng tạo thành vòng xoắn bệnh lý gây ảnh hưởng tới sức khoẻ của trẻ. Ở Việt Nam, tỷ lệ trẻ mắc bệnh tiêu chảy khá cao, trung bình mỗi năm một trẻ có thể mắc 2,2 đợt tiêu chảy.

Theo số liệu thống kê từ trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Trị thì lượng bệnh nhân mắc tiêu chảy trên địa bàn toàn tỉnh trong 05 tháng đầu năm 2020 giảm 32,4%  so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên với kiểu thời tiết nắng nóng như hiện nay sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho ruồi, muỗi, chuột, gián, kiến... sinh sôi nên mầm bệnh tiêu chảy dễ lây lan, đặc biệt là ở những khu vực dân cư đông người, sử dụng chung nguồn nước ăn uống, sinh hoạt không đảm bảo vệ sinh. Bện cạnh đó, vào mùa hè, mọi người thường có thói quen sử dụng kem, nước đá, các loại thức uống giải khát ở vỉa hè, dọc đường không đảm bảo vệ sinh rất dễ nhiễm độc, gây tiêu chảy. Mặt khác, mùa nắng nóng thực phẩm rất dễ hỏng (cả thực phẩm tươi sống và thực phẩm chín) nếu không được bảo quản tốt, ăn phải các loại thực phẩm này rất dễ bị ngộ độc thực phẩm gây tiêu chảy cấp.

Để góp phần phòng tránh nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm nói chung và bệnh tiêu chảy nói riêng cho cộng đồng một cách hiệu quả, hằng năm trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Trị thường phối hợp với trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố tổ chức các buổi truyền thông trực tiếp tại các địa bàn xã, phường trọng điểm, tổ chức tập huấn nâng cao kiến thức và kỹ năng truyền thông phòng chống dịch bệnh cho cán bộ y tế thôn bản; tăng cường truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng. Ngoài ra, Trung tâm còn phối hợp với Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh tổ chức các buổi truyền thông và tập huấn phổ biến kiến thức cho người dân, người chế biến và kinh doanh thực phẩm về việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng tránh nguy cơ ngộ độc thực phẩm gây nên bệnh tiêu chảy.

Vì tác nhân gây tiêu chảy vào cơ thể theo đường ăn uống nên biện pháp phòng bệnh cơ bản nhất là thực hiện vệ sinh cá nhân, môi trường thật tốt, lựa chọn thực phẩm an toàn, ăn chín, uống sôi, vệ sinh tay trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.

Trong trường hợp mắc bệnh tiêu chảy, ngành Y tế khuyến cáo người bệnh cần đến cơ sở y tế khám để được hướng dẫn điều trị kịp thời, đề phòng biến chứng nguy hiểm. Người mắc bệnh tiêu chảy cần có chế độ ăn uống hợp lý để cung cấp đầy đủ năng lượng cho cơ thể mà không gây tổn thương lên hệ tiêu hóa. Ưu tiên hàng đầu là bù nước và chất điện giải, cân bằng nước và hệ vi sinh đường ruột. Người bệnh nên ăn các món ăn dưới dạng lỏng, mềm, dễ tiêu như súp, cháo; Uống nhiều nước. Cần tránh các loại nước giải khát có gas, nước ép trái cây quá ngọt gây đầy bụng; Uống dung dịch Oresol để bù lại số lượng nước và các chất điện giải bị mất qua phân, pha và dùng theo đúng hướng dẫn ghi trên gói thuốc.

Người bệnh cũng cần lưu ý rằng: tuyệt đối không uống thuốc cầm tiêu chảy, hoặc ăn lá ổi, hồng xiêm xanh... khiến các chất thải dễ ứ đọng lại đường tiêu hóa dẫn đến bệnh kéo dài và nặng thêm. Không sử dụng thuốc kháng sinh khi chưa có chỉ định của bác sĩ.

Nguồn: http://dohquangtri.gov.vn/

Các tin khác
Chi tiết bài viết tạm thời không có.