Các thách thức về môi trường

9:55, Thứ Ba, 1-12-2020

11.1.1. Tồn tại trong hệ thống chính sách pháp luật về môi trường

Hệ thống chính sách pháp luật nói chung và môi trường nói riêng đang ngày một hoàn thiện giúp cho các cơ quan quản lý dễ dàng, các đối tượng áp dụng thuận lợi hơn, giảm thiểu các thủ tục hành chính, hạn chế các sai phạm trong đời sống chính trị, văn hóa, kinh tế, xã hội. Bên cạnh đó, vẫn còn một số tồn tại trong hệ thống các chính sách pháp luật:

Một số văn bản quy phạm pháp luật ở Trung ương thiếu đồng bộ, nhiều nội dung vướng mắc, khó khăn trong quá trình áp dụng thực tiễn tại địa phương như:

- Luật Bảo vệ Môi trường lần đầu tiên được Quốc hội thông qua năm 1993 và dần được hoàn thiện trong Luật BVMT năm 2005 và đến nay, Quốc hội đã thông qua Luật BVMT năm 2014 thay cho Luật BVMT năm 2005 với nhiều quy định tiến bộ như: Ghi nhận quyền được sống trong môi trường trong lành là nguyên tắc của Luật, quy định quy hoạch môi trường; quy định về ứng phó với BĐKH. Tuy nhiên, sau gần 5 năm triển khai thực hiện, bên cạnh những ưu điểm như kiềm chế việc gia tăng ô nhiễm môi trường, là công cụ pháp lý hữu hiệu góp phần BVMT hiệu quả hơn, Luật BVMT năm 2014 đã bộc lộ một số bất cập, hạn chế như:

+ Đối với đánh giá tác động môi trường (ĐTM): Chưa có cơ chế giám sát và áp dụng trách nhiệm pháp lý hữu hiệu đối với quá trình lập, thẩm định, phê duyệt, tổ chức thực hiện báo cáo ĐTM, nên nhiều báo cáo ĐTM của các chủ đầu tư dự án vẫn mang tính hình thức, chưa có quy định cụ thể về trách nhiệm pháp lý, nên trách nhiệm của các thành viên Hội đồng thẩm định với kết luận thẩm định chưa cao.

+ Trong bối cảnh tài nguyên thiên nhiên ngày càng cạn kiệt, thì pháp luật và thực tiễn Việt Nam vẫn chưa coi chất thải thông thường là một loại tài nguyên để có cơ chế sử dụng hiệu quả nhằm phát triển kinh tế đất nước. Chu trình quản lý chất thải từ phân loại, thu gom, lưu giữ, vận chuyển, xử lý, tái chế, tái sử dụng chất thải còn bất cập trong thực hiện; quy định về thu hồi, thải bỏ sản phẩm đã qua sử dụng đã có nhưng chưa triển khai hiệu quả trong thực tiễn; quy định về kiểm soát chất thải nhựa còn bất cập; trách nhiệm pháp lý với chủ thể vi phạm chưa nghiêm.

+ Luật hiện hành quy định khá cụ thể về nghĩa vụ của các chủ nguồn thải trong BVMT. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, vì yếu tố lợi ích tư, nhiều chủ nguồn thải vẫn sẵn sàng xả thải ra môi trường việc xử lý trách nhiệm của các chủ nguồn thải này vẫn chưa được triệt để [36].

- Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ngày 13/5/2019 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật BVMT cũng đã xử lý được rất nhiều vấn đề, chấn chỉnh các khâu liên quan tới bảo vệ môi trường từ cấp phép, nhập khẩu tới sản xuất và giảm thiểu các thủ tục hành chính. Tuy nhiên, việc thực hiện Nghị định cũng có những khó khăn, vướng mắc:

+ Đối với doanh nghiệp khó khăn về thời hạn lắp đặt hệ thống quan trắc tự động (31/12/2020). Trong đó, là khó khăn về tìm hiểu công nghệ, lựa chọn nhà thầu phù hợp, kinh phí đầu tư cho lắp đặt hệ thống quan trắc tự động.

+ Việc áp dụng Nghị định tại địa phương gặp nhiều khó khăn như: Kinh phí phục vụ hoạt động thẩm định báo cáo ĐTM đối với hình thức thẩm định thông qua lấy ý kiến của cơ quan, tổ chức có liên quan; việc ủy quyền thẩm định, phê duyệt báo cáo ĐTM, xác nhận KBM cho Ban quản lý các KCN/KKT; quy định việc lập báo cáo ĐTM đối với cơ sở không có thủ tục môi trường; về lấy mẫu trong quá trình vận hành thử nghiệm đối với các hệ thống xử lý nước thải/khí thải khép kín; về lập lại phương án cải tạo, phục hồi môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản.

- Một số chương trình, kế hoạch của Trung ương và địa phương về xử lý ô nhiêm và bảo vệ môi trường đã ấn định thời gian và tiến độ cụ thể, nhưng khi triển khai gặp rất nhiều khó khăn như:

+ Đối với chương trình, kế hoạch của Trung ương:

Kế hoạch xử lý triệt để cơ sở ÔNMT nghiêm trọng theo Quyết định số 1946/QĐ-TTg ngày 21/10/2010 của Thủ tướng chính phủ về phê duyệt kế hoạch xử lý, phòng ngừa ô nhiễm môi trường do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu trên phạm vi cả nước; Quyết định số 1788/QĐ-TTg ngày 01/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đến năm 2020 nhưng đến thời điểm tháng 9/2020 vẫn chưa được hoàn thành 100% theo Kế hoạch được phê duyệt và nguyên nhân chủ yếu là do thiếu nguồn kinh phí.

+ Đối với tỉnh Quảng Trị:

Về chi ngân sách SNMT địa phương: Chưa có văn bản hướng dẫn phân định cụ thể các nhiệm vụ chi cho công tác BVMT, dẫn đến các huyện, thị xã, thành phố khi được phân bổ kinh phí SNMT hàng năm từ cấp tỉnh thì lại lúng túng, phân bổ không đồng đều hay tập trung cho một số nhiệm vụ trước mắt nhưng không nằm trong mục chi cho hoạt động BVMT.

Về ban hành các chương trình, kế hoạch, đề án bảo vệ môi trường:

Quyết định số 319/QĐ-UBND ngày 26/2/2014 về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia khắc phục ô nhiễm, cải thiện môi trường và xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đến năm 2020 nhưng đến nay vẫn chưa đạt 100% mục tiêu đề ra.

Nghị quyết số 30/NQ-HĐND ngày 08/12/2018 của Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Trị về việc thông qua Đề án xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh Quảng Trị vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra.

11.1.2. Tồn tại trong hệ thống quản lý môi trường

Hệ thống quản lý môi trường từ cấp Tỉnh đến cấp cơ sở từng bước được tăng cường, củng cố và kiện toàn. Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại cần khắc phục trong thời gian tới.

- Về tổ chức bộ máy: Ngày càng được cũng cố, kiện toàn phân công trách nhiệm rõ ràng từ cấp tỉnh đến cấp xã. Tuy vậy, số lượng cán bộ cấp tỉnh (Chi cục BVMT) có sự biến động giảm 03 nhân sự trong giai đoạn 2015 - 2019 cần thiết được bổ sung; phần lớn phòng Tài nguyên Môi trường các huyện chỉ được bố trí 01 cán bộ phụ trách môi trường, rất khó để đáp ứng công việc trong giai đoạn tiếp theo.

- Kinh phí chi cho hoạt động BVMT: Nguồn chi sự nghiệp BVMT luôn được UBND tỉnh quan tâm, phân bổ tăng lên đáng kể so với giai đoạn 2015 - 2019 và đảm bảo 1% tổng chi ngân sách của địa phương theo Quyết định số 34/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, với tổng thu, chi ngân sách của tỉnh còn thấp nên tổng nguồn kinh phí phân bổ cho sự nghiệp BVMT vẫn còn hạn chế. Ngoài ra, nguồn kinh phí sự nghiệp chi BVMT chủ yếu phân bổ cho việc thu gom và xử lý chất thải rắn, nguồn chi cho các dự án, đề tài, nghiên cứu ứng dụng KHCN và nhiệm vụ BVMT khác vẫn còn hạn chế.

- Công tác phối hợp giữa các sở, ngành và địa phương liên quan trong công tác BVMT còn thiếu chặt chẽ, nhất là trong xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch BVMT hàng năm. Một số công trình đầu tư, thiếu sự theo dõi, đánh giá hiệu quả các công trình đầu tư dẫn đến tình trạng đầu tư không đồng bộ, chưa giải quyết dứt điểm một số điểm nóng về môi trường.

- Một số địa phương, ngành khi tham mưu cho Tỉnh vẫn ưu tiên phát triển kinh tế mà chưa nghiên cứu lựa chọn kỹ về công nghệ, những khía cạnh môi trường đôi lúc chưa được coi trọng. Bên cạnh đó, những bất cập trong quy hoạch các KCN/CCN, đô thị, làng nghề trước đây đã dẫn đến tình trạng ô nhiễm MT cục bộ ở một số nơi, chậm được khắc phục. Hầu hết các địa phương có quy hoạch quỹ đất xây dựng bãi xử lý rác, nhưng kinh phí đầu tư còn hạn hẹp nên chưa được đầu tư đồng bộ.

Khung 11.1.2. Bất cập trong phân bổ kinh phí sự nghiệp môi trường

Hằng năm Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan xây dựng Kế hoạch và dự toán ngân sách sự nghiệp môi trường và trình UBND tỉnh ban hành. Tuy nhiên, việc phân bổ kinh phí sự nghiệp môi trường không phân theo kế hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt dẫn đến kinh phí phân bổ dàn trải, thiếu tập trung, sử dụng kinh phí chưa thực sự hiệu quả.

Tại các địa phương, kinh phí phần lớn chi cho hoạt động thu gom, xử lý CTR, trong khi đó, việc phân bổ kinh phí để triển khai các nhiệm vụ thường xuyên như tuyên truyền, thanh kiểm tra, xử lý triệt để ô nhiễm môi trường còn rất hạn chế.

Tỷ suất kinh phí sự nghiệp môi trường/người dân chênh lệch nhau  lớn giữ các địa phương (Năm 2019, ở thành phố Đông Hà là 281.000 đồng/người dân; Thị xã Quảng Trị 309.000 đồng/người dân; Huyện Vĩnh Linh 229.000 đồng/người dân; Huyện đảo Cồn Cỏ 867.000/người dân; Trong khi đó ở các địa phương khác chỉ khoảng 11.000 - 76.000 đồng/người dân).

11.1.3. Tồn tại trong hoạt động thanh kiểm tra, xác nhận cơ sở hoàn thành công trình xử lý chất thải theo báo cáo ĐTM

Công tác kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ thực hiện BVMT sau khi có Quyết định phê duyệt Báo cáo ĐTM, xác nhận kế hoạch BVMT, phê duyệt đề án BVMT và trước khi cơ sở đi vào hoạt động chưa được quan tâm đúng mức. Trong giai đoạn 2015 - 2019, mới xác nhận hoàn thành công trình xử lý đối với 26/125 dự án được phê duyệt báo cáo ĐTM, dẫn đến tình trạng một số cơ sở đã đi vào hoạt động nhưng không có HTXL hoặc có HTXL chất thải nhưng không vận hành đúng quy trình gây ÔNMT cục bộ.

Công tác thanh tra, kiểm tra về BVMT ở cấp huyện, xã còn nhiều hạn chế, một số huyện chưa xây dựng được kế hoạch kiểm tra, thanh tra BVMT trình cấp thẩm quyền phê duyệt thực hiện. Hoạt động thanh tra, kiểm tra chủ yếu là giải quyết các vụ việc đột xuất phát sinh trên địa bàn huyện. Việc áp dụng biện pháp xử phạt vi phạm hành chính về BVMT thuộc thẩm quyền các địa phương còn xem nhẹ, chưa quan tâm hoạt động phúc tra và biện pháp khắc phục hậu quả vi phạm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Một số nơi còn là điểm nóng ÔNMT nhưng chưa được tập trung giải quyết triệt để.

11.1.4. Tồn tại, thách thức về các nguồn thải

- Về khí thải: Hiện nay, đối với phát triển giao thông và công nghiệp là những loại hình phát sinh khí thải lớn trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Tuy chất lượng môi trường không khí xung quanh trên địa bàn tỉnh chưa có những vấn đề lớn phát sinh nhưng cũng cần quan tâm theo dõi diễn biến chất lượng môi trường không khí xung quanh tại các tuyến đường giao thông  chính, (Quốc lộ 1A; Quốc lộ 9), khu vực đông dân cư; một số cơ sở phát sinh lượng thải lớn, phát sinh mùi hôi cục bộ (Nhà máy gỗ MDF VRG Quảng Trị - KCN Nam Đông Hà, các cơ sở chế biến bột cá: Cty TNHH MTV Hồng Đức Vượng, Cty TNHH MTV Ngọc Tuấn, các cơ sở chế biến cá nhỏ lẻ...). Trong giai đoạn tới, ngoài việc quản lý chặt các nguồn khí thải phát sinh từ giao thông, từ các nhà máy cần có theo dõi quản lý chất lượng khí thải của nhà máy nhiệt điện ở KKT Đông Nam.

- Về nước thải: Theo kết quả đánh giá từ nhiệm vụ Cập nhật bộ chỉ thị môi trường tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2016 - 2020, trong giai đoạn này, vấn đề lo lắng về nước thải chủ yếu là nước thải sinh hoạt, nước thải từ các cơ sở chế biến nông sản (sản xuất tinh bột sắn, cà phê, cao su), nước thải từ các cơ sở nuôi trồng, chế biến thủy hải sản, các làng nghề. Trong giai đọan tới, ngoài việc phải giải quyết dứt điểm những tồn tại nêu trên, vấn đề cần quan tâm là nước thải từ các KCN/CCN chưa có hệ thống xử lý tập trung, nước rỉ từ các bãi chôn lấp chất thải rắn (khi lượng rác ngày một nhiều, hệ thống xử lý xuống cấp); Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đang phát triển mô hình các trang trại chăn nuôi công nghiệp (nhất là chăn nuôi lợn) đang phát sinh một lượng lớn nước thải, trong giai đoạn tới, khi hệ thống xử lý (phần lớn là Biogas) xuống cấp thì vấn đề mùi hôi và nước thải cũng là một vấn đề rất cần được quan tâm giải quyết.

- Về chất thải rắn: Đây là một trong những vấn đề được quan tâm hàng đầu đối với các tỉnh thành nói chung và Quảng Trị nói riêng. Đến nay, phần lớn các bãi chôn lấp chất thải rắn của tỉnh chỉ mới được đầu tư theo từng giai đoạn, một số huyện chưa hoàn thành công tác đầu tư (huyện Hướng Hóa, Vĩnh Linh) nên công tác thu gom, xử lý CTR sinh hoạt chưa đáp ứng nhu cầu trên địa bàn tỉnh, chất thải từ hoạt động sản xuất nông nghiệp đã có nhiều mô hình, dự án hướng dẫn thu gom xử lý phế phẩm nông nghiệp, chai lọ thuốc BVTV... nhưng thực tế cho thấy hiệu quả vẫn chưa cao. Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh vẫn chưa có cơ sở nào có năng lực xử lý CTNH (ngoại trừ một số bệnh viện/trung tâm y tế đã được đầu tư lò đốt chất thải y tế hoặc lò hấp tiệt trùng) nên việc thu gom, xử lý CTNH trên địa bàn tỉnh cũng gặp rất nhiều khó khăn, nhất là đối với các cơ sở phát sinh với khối lượng không đủ lớn để hợp đồng với các đơn vị ngoài tỉnh xử lý. Đáng quan tâm trong thời gian tới là quá trình phát triển KKT Đông Nam, khi tỷ lệ các cơ sở lấp đầy tăng qua từng năm đồng nghĩa với sự gia tăng CTR phát sinh (bao gồm CTR thông thường và CTR nguy hại) thì khu vực tiếp nhận, xử lý nguồn thải cần được quy hoạch để đảm bảo nhu cầu phát triển.

Các tin khác
Chi tiết bài viết tạm thời không có.