Giới thiệu chung về Quảng Trị

10:23, Thứ Ba, 9-8-2022

Quảng Trị có vị trí địa kinh tế - chính trị quan trọng, là giao điểm của trục kinh tế Bắc - Nam và Đông - Tây, có điều kiện giao thông thuận lợi cả về đường bộ, đường sắt và đường thuỷ, trong đó có các tuyến giao thông huyết mạch của quốc gia; đặc biệt có tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây (EWEC), tuyến đường xuyên Á ngắn nhất nối các nước trong khu vực từ Myanmar - Thái Lan - Lào qua cửa khẩu quốc tế Lao Bảo đến miền Trung Việt Nam và mở rộng ra khu vực ASEAN. EWEC được Chính phủ Nhật Bản, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) quan tâm đầu tư và đánh giá là một lợi thế nổi trội để tỉnh Quảng Trị mở rộng hợp tác, tăng cường liên kết kinh tế, phát triển giao thương, trao đổi hàng hóa với cả nước và với các nước trong khu vực.

Quảng Trị với nhiều tiềm năng và lợi thế nổi bật hướng đến mục tiêu trở thành trung tâm năng lượng mới của khu vực miền Trung với thế mạnh về năng lượng sạch (điện gió, điện mặt trời) và nhiệt điện; trữ lượng cát thạch anh rất dồi dào, chất lượng tốt. Bên cạnh đó, Quảng Trị tập trung phát triển công nghiệp chế biến dựa trên lợi thế về diện tích, sản lượng gỗ rừng trồng đứng đầu của Việt Nam; phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái, du lịch biển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

Hệ thống cơ sở hạ tầng tương đối hoàn chỉnh; trong đó, có 02 Khu Kinh tế, 03 Khu Công nghiệp và 14 Cụm Công nghiệp. Đặc biệt, Khu Kinh tế Đông Nam với diện tích 23.792 ha được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cùng với Đề án thành lập Khu Kinh tế Cửa Khẩu La Lay, đã tạo cho Quảng Trị những tiềm năng lợi thế nỗi trội để thu hút đầu tư. Tỉnh Quảng Trị hy vọng “Khu Kinh tế Đông Nam Quảng Trị - sẽ là điểm đến của các nhà đầu tư quốc tế trên Hành lang kinh tế Đông Tây”.

Hội tụ các lợi thế sẵn có về vị trí địa kinh tế, tài nguyên thiên nhiên, khoáng sản, thuỷ sản khá phong phú và đa dạng; Các di tích lịch sử, văn hoá lâu đời, nổi tiếng trong và ngoài nước; Kết hợp với các “thế mạnh mới” đang được đầu tư, hình thành về cơ sở hạ tầng, giao thông, nguồn nhân lực, chất lượng cải cách thủ tục hành chính, Quảng Trị sẽ đang tạo cho mình những lợi thế cạnh tranh rõ nét, nổi bật để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Tỉnh Quảng Trị cam kết sẽ tiếp tục tập trung cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, sẵn sàng hợp tác, giúp đỡ và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất về thủ tục đầu tư cũng như áp dụng các ưu đãi đầu tư ở mức cao nhất, kịp thời nắm bắt, xử lý những khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp; thực hiện tốt công tác an ninh, trật tự, đảm bảo an toàn cho các nhà đầu tư khi đến tìm hiểu và thực hiện các dự án đầu tư tại tỉnh, đảm bảo phương châm kịp thời, nhất quán của hệ thống chính trị, phong cách làm việc rõ ràng, thuận lợi cho các nhà đầu tư.

VỊ TRÍ ĐỊA LÝ

Tỉnh Quảng Trị thuộc vùng Bắc Trung Bộ với 01 thành phố, 01 thị xã và 08 huyện; phía Bắc giáp tỉnh Quảng Bình, phía Nam giáp tỉnh Thừa Thiên Huế, phía Tây giáp nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào và phía Đông giáp biển Đông, với diện tích tự nhiên 4.737 km2 (chiếm 1,43% diện tích cả nước) và dân số 630.845 người (chiếm 0,67% dân số cả nước). Quảng Trị là đầu mối giao thông quan trọng, nằm ngay giao điểm của các tuyến giao thông huyết mạch quốc gia: Quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh (gồm 02 nhánh Đông và Tây), Quốc lộ 9 gắn với đường xuyên Á, Quốc lộ 15D, cùng với tuyến đường sắt Bắc - Nam, kết nối với cảng Cửa Việt (khả năng đón tàu trọng tải đến 5.000 DWT), cảng biển nước sâu Mỹ Thủy (đang được đầu tư để đón tàu tải trọng 100.000 DWT); cách không xa trung tâm thành phố Đông Hà về phía Bắc là sân bay Đồng Hới-Quảng Bình (khoảng 90km); về phía Nam là sân bay Phú Bài - thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế (khoảng 80 km) và sân bay quốc tế Đà Nẵng (khoảng 150 km).

Là điểm đầu trên tuyến Hành lang Kinh tế Đông Tây (EWEC) nối Lào - Thái Lan - Myanmar qua Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo với tổng chiều dài 1.450km, chạy qua 13 tỉnh của 04 quốc gia, Quảng Trị có nhiều lợi thế phát triển trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. Với sự quan tâm của Chính phủ Việt Nam và Chính phủ các nước tiểu vùng sông Mê Kông, cùng với sự hỗ trợ tích cực của các tổ chức quốc tế như JICA, ADB, WB... vai trò của tuyến Hành lang Kinh tế Đông Tây ngày càng được khẳng định, trở thành một động lực phát triển của các tỉnh miền Trung. Với lợi thế đó, Quảng Trị có điều kiện phát triển kết cấu hạ tầng, giao thương hàng hóa, vận tải quốc tế, phát triển thương mại, du lịch và đầu tư.

ĐẤT ĐAI, RỪNG VÀ SẢN PHẨM LÂM NGHIỆP

Quảng Trị có tổng diện tích đất tự nhiên là 473.744ha; trong đó: Đất nông nghiệp: 388.042 ha; đất phi nông nghiệp: 40.886 ha và đất chưa sử dụng: 44.816ha; Đất rừng sản xuất: 119.541 ha; Sản lượng gỗ khai thác năm 2018 là 850.000 m3

THỦY SẢN:

Với bờ biển dài 75 km, 02 cửa biển (Cửa Việt, Cửa Tùng), ngư trường rộng 8.400 km2 với nhiều loại hải sản có giá trị kinh tế cao như: tôm hùm, mực nang, cá cam, cá bống, hải sâm... với trữ lượng hải sản: khoảng 60.000 tấn; trên 3.412,37 ha mặt nước có thể nuôi trồng thủy sản.

Thuỷ sản được chú trọng phát triển cả về nuôi trồng, đánh bắt, dịch vụ và hậu cần nghề cá, gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo quốc gia. Tổng sản lượng thủy sản năm 2018 là 32.210 tấn, trong đó, sản lượng thủy sản khai thác đạt 24.191 tấn.

KHOÁNG SẢN, KHÍ ĐỐT

Đá vôi ở Tân Lâm, Tà Rùng với trữ lượng lớn (trên 03 tỷ tấn), chất lượng tốt; titan ở Vĩnh Linh, Gio Linh. Đặc biệt, các mỏ cát thạch anh ở vùng Nam - Bắc Cửa Việt và Hải Lăng với tổng trữ lượng đã xác định lên đến 277 triệu tấn, đây là nguyên liệu để sản xuất thuỷ tinh cao cấp, gốm sứ, làm phụ gia xây dựng và vật liệu xây dựng, cáp quang và màn hình tinh thể lỏng, sợi thủy tinh từ bột silicat, công nghiệp gốm sứ...

Theo định hướng phát triển công nghiệp khí Việt Nam (Quyết định số 60/QĐ-TTg ngày 16/01/2017 của Thủ tướng Chính phủ), trong tương lai không xa, sẽ khai thác mỏ khí Báo Vàng thuộc địa phận Quảng Trị, xây dựng Hệ thống đường ống dẫn khí và nhà máy xử lý khí với quy mô 2-3 tỷ m3/năm.

DU LỊCH

Quảng Trị nổi tiếng với nhiều di tích lịch sử cách mạng như: Thành Cổ Quảng Trị, Cụm di tích Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, Đường 9-Khe Sanh; đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại, Địa đạo Vịnh Mốc, Sân bay Tà Cơn, Hàng rào điện tử Mc.Namara, Nhà đày Lao Bảo, đảo Cồn Cỏ anh hùng ...cùng với các Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn, Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Đường 9, đã tạo nên tính đặc thù, độc đáo và hấp dẫn của hệ thống di tích chiến tranh của Quảng Trị.

Bên cạnh đó, Quảng Trị còn có nhiều danh lam thắng cảnh như Trằm Trà Lộc, rừng nguyên sinh Rú Lịnh, động Brai, Mũi Trèo-Rú Bàu...,..., nhiều bãi biển Cửa Tùng, Cửa Việt, Vĩnh Thái mang vẻ đẹp rất riêng với cát trắng tinh khôi, bằng phẳng, mịn màng, làn nước trong xanh, ít nơi nào có được.

Quảng Trị còn có nhiều di tích văn hóa tâm linh đặc sắc, các lễ hội dân gian, lễ hội cách mạng tiêu biểu. Tổ đình Sắc Tứ - một trong những ngôi chùa cổ nhất miền Trung và Trung tâm Hành hương Đức mẹ La Vang, hàng năm thu hút hàng vạn tín đồ và du khách thập phương về hành lễ.

Với lợi thế đó, Quảng Trị trở thành cầu nối cho các tour du lịch nổi tiếng: “Con đường di sản miền Trung”; “Con đường huyền thoại”; “Hoài niệm về chiến trường xưa và đồng đội”. Đến với Quảng Trị, du khách sẽ cảm nhận được những nét đặc sắc rất riêng của mảnh đất và con người Quảng Trị, ý chí quật cường của nhân dân Việt Nam vì độc lập, tự do của Tổ Quốc.

NGUỒN NHÂN LỰC

Lực lượng lao động của tỉnh năm 2018 là 348.750 người, trong đó tỷ lệ lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc trong nền kinh tế đã qua đào tạo nghề đạt 39,36%, qua đào tạo có bằng cấp chứng chỉ đạt trên 29,1%.

Hiện nay, tỉnh đang triển khai tập trung thực hiện nhiều giải pháp để phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, bao gồm: thực hiện chính sách sử dụng, đãi ngộ và thu hút chuyên gia trình độ cao và lao động lành nghề; nâng cấp các trường dạy nghề của tỉnh, có chính sách hỗ trợ nhà đầu tư trong đào tạo công nhân, nhất là lực lượng lao động hiện có của tỉnh để giải quyết việc làm và giảm chi phí cho nhà đầu tư.

KẾT CẤU HẠ TẦNG HẠ TẦNG GIAO THÔNG VẬN TẢI:

Quảng Trị có hệ thống giao thông khá phát triển, thuận lợi cả về đường bộ, đường sắt và đường thủy. Các tuyến quốc lộ được đầu tư nâng cấp, các tuyến đường tỉnh, đường huyện nối các trung tâm phát triển được nhựa hóa. Đến nay, 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm xã thông suốt 04 mùa trong năm.

Cảng Cửa Việt đang được đầu tư nâng cấp để đón tàu có tổng trọng tải đến 5.000 DWT. Cảng biển nước sâu Mỹ Thủy gắn với Khu Kinh tế Đông Nam (cửa ngõ gần nhất ra biển Đông của tuyến Hành lang kinh tế

Đông Tây) đã được Chính phủ phê duyệt quy hoạch và đang chuẩn bị đầu tư để có thể đón tàu có tổng trọng tải 100.000 DWT.

HẠ TẦNG KỸ THUẬT XÃ HỘI:

Bưu chính viễn thông phát triển, hệ thống cấp điện, nước dùng cho sinh hoạt và sản xuất được đảm bảo. Các dịch vụ vận tải, ngân hàng, bảo hiểm, y tế, giáo dục...đang phát triển nhanh chóng. Các đô thị Đông Hà, Lao Bảo đang được đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng. Thành phố Đông Hà phấn đấu trở thành đô thị loại II, thị xã Quảng Trị cơ bản đạt tiêu chí đô thị loại III, Thị trấn Lao Bảo, Khe Sanh lên đô thị loại IV đến năm 2021.

Toàn tỉnh có 63 cơ sở y tế với 2.025 giường bệnh, nhân lực ngành y có 2.564 người, trong đó: Bác sĩ có 575 người, y sĩ có 267 người, y tá có 718 người, nữ hộ sinh có 400 người. Quảng Trị có 01 phân hiệu Đại học trực thuộc Đại học Huế, 02 trường Cao đẳng, 04 trường Trung cấp nghề và một số trung tâm hướng nghiệp - dạy nghề đáp ứng nhu cầu đào tạo nghề cho các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn. Đặc biệt, năm 2018, Trường Hội nhập Quốc tế ISchool Quảng Trị được xây dựng và đi vào hoạt động, sẽ là nơi tiếp nhận tinh hoa từ phương pháp giáo dục tiệm cận quốc tế của Hệ thống ISchool.

Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Trị đang kêu gọi đầu tư một Bệnh viện tiêu chuẩn Quốc tế bên cạnh Bệnh viện Đa khoa tỉnh.