Dịch vụ thu phí không dừng (ETC) đường bộ tự động ePass

9:19, Thứ Năm, 30-6-2022

Giao thông vận tải và logistics là một trong các lĩnh vực cần ưu tiên chuyển đổi số theo Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Là tập đoàn công nghệ đi đầu Việt Nam, Viettel không chỉ thực hiện các nhiệm vụ phục vụ cho vấn đề an ninh quốc phòng, mà hiện nay Viettel đã tham gia phát triển các sản phẩm giao thông số, trong đó có việc triển khai dịch vụ thu phí không dừng (ETC) đường bộ tự động ePass, bước đầu đã đem lại những hiệu quả đáng ghi nhận. Đây cũng là những bước đi cụ thể của Viettel khi cùng đồng hành với ngành Giao thông vận tải trong việc chuyển đổi số, hướng tới mục tiêu phát triển giao thông Việt Nam.

Dịch vụ thu phí tự động ePass qua trạm không dừng từ Bắc vào Nam - Ảnh: Internet

Khác với dịch vụ thu phí đường bộ một dừng là hình thức thu phí truyền thống, đã có mặt từ rất lâu và được sử dụng phổ biến từ trước đến nay ở Việt Nam, chủ phương tiện phải dừng lại một lần ở trạm thu phí để trực tiếp mua vé, trả tiền và nhận hóa đơn, dịch vụ thu phí đường bộ không dừng là hình thức mà chủ phương tiện không cần dừng lại ở trạm thu phí. Hệ thống sẽ tự động nhận diện xe và trừ tiền vào tài khoản giao thông hoặc tài khoản liên kết của chủ phương tiện. Hệ thống thu phí không dừng có thể hoạt động dựa trên nhiều công nghệ hiện đại khác nhau. Trong đó, phổ biến nhất là công nghệ RFID tầm xa (Radio Frequency Identification) theo tiêu chuẩn ISO 18000-6C. Đây là công nghệ nhận dạng xe tự động với độ chính xác cao. Một số quốc gia trong khu vực Đông Nam Á có hạ tầng giao thông và xã hội tương tự Việt Nam, như Malaysia, Indonesia, Philippine... đã dừng triển khai các công nghệ cũ (Smart card, OBU, DSRC) để chuyển đổi sang công nghệ RFID.

           Với mong muốn mang đến giải pháp thu phí tự động ứng dụng công nghệ hiện đại góp phần tăng tốc cho sự phát triển chung của lĩnh vực giao thông vận tải nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung, Công ty Cổ phần Giao thông số Việt Nam VDTC là thành viên của Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) được thành lập đã thực hiện triển khai và vận hành hệ thống thu phí tự động ETC.

          Đối với những người tham gia giao thông bằng ô tô, ePass hiện đang trở thành một thương hiệu phổ biến. Chỉ với một tấm thẻ ePass dán trên xe, tài xế có thể sử dụng dịch vụ thu phí tự động không dừng tại 100% các trạm thu phí có triển khai dịch vụ trên toàn quốc. Đồng thời, vấn đề thanh toán được giải quyết linh hoạt hơn theo nhiều hình thức như trả trước, trừ tiền trực tiếp khi qua trạm... Khách hàng của ePass có thể nạp tiền vào tài khoản giao thông từ 40 ngân hàng nội địa, đặc biệt là giải pháp thanh toán trực tuyến khi kết nối với ViettelPay: Khách hàng không cần phải nạp tiền vào tài khoản giao thông mà chỉ cần thực hiện liên kết tài khoản giao thông với tài khoản ViettelPay, khi đi qua trạm, hệ thống sẽ thực hiện quét và trừ tiền trực tiếp vào tài khoản ViettelPay. Việc sử dụng hệ thống thu phí không dừng ePass, thời gian đi qua trạm thu phí giảm tới khoảng 60 lần so với thu phí bằng cách soát vé thủ công, giúp giảm thời gian, tiết kiệm nhiên liệu và tăng tuổi thọ xe. Ngoài ra khách hàng còn được trải nghiệm dịch vụ trên nền tảng số từ đăng ký dịch vụ, phục vụ dán thẻ, thanh toán, chăm sóc khách hàng. ePass còn đem đến lợi ích không nhỏ trong việc tăng cường khả năng quản lý, tránh thất thoát của nhà đầu tư BOT và chính quyền, giúp giảm thiểu ùn tắc, tai nạn giao thông và ô nhiễm môi trường.

          Với việc triển khai hệ thống thu phí đường bộ tự động không dừng ePass, đây được coi là một trong những hệ thống CNTT đầu tiên giúp nâng cao trải nghiệm và hiệu quả của chủ phương tiện khi tham gia giao thông, trước thực trạng lĩnh vực giao thông ở Việt Nam chưa thực sự có chuyển đổi số tiên tiến, còn tồn tại nhiều bất cập, đặc biệt là bấp cập về tắc nghẽn, các thiết bị thông minh hỗ trợ cho người tham gia giao thông chưa được ứng dụng nhiều. Là một tập đoàn công nghiệp, công nghệ lớn nhất Việt Nam và mạng lưới cung cấp dịch vụ trải rộng trên cả nước, trong thời gian tới, với sự đồng hành của Viettel, hệ thống giao thông Việt Nam sẽ bắt kịp xu hướng chuyển dịch về công nghệ giao thông thông minh trên thế giới và khu vực, sớm đưa Việt Nam đứng trong top những quốc gia phát triển về giao thông số, giao thông thông minh.

Các tin khác