Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện đề án “An ninh lương thực quốc gia đến năm 2020”

9:26, Thứ Hai, 20-4-2020

(Web Quảng Trị) Sáng 18/3/2020, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận 53/KL/TW của Bộ Chính trị về Đề án “An ninh lương thực quốc gia đến năm 2020”.

 

Tham dự hội nghị còn có Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng; Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình cùng đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành trung ương và các điểm cầu trên toàn quốc.

Tại điểm cầu tỉnh Quảng Trị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng đã chủ trì hội nghị. Tham dự còn có đại diện lãnh đạo các sở, ban ngành liên quan.

Báo cáo từ hội nghị cho biết, việc thực hiện đề án đã góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và người dân về tầm quan trọng của phát triển an ninh lương thực, thực phẩm nhằm đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Giai đoạn 2009 – 2019, sản lượng lúa tăng từ 39,17 triệu tấn lên 43,4 triệu tấn, bình quân lương thực đầu người tăng từ 497kg/năm lên trên 525kg/năm, đưa Việt Nam vào nhóm 6 nước hàng đầu chỉ số này và vai trò của Việt Nam trong hỗ trợ an ninh quốc gia cho các quốc gia khác ngày càng tăng. Dự kiến có 14 chỉ tiêu đạt và vượt, đó là 3 chỉ tiêu về lúa gạo, 2 chỉ tiêu về rau, 2 chỉ tiêu về cây ăn quả, 2 chỉ tiêu về chăn nuôi, 3 chỉ tiêu về thủy sản, 2 chỉ tiêu đảm bảo khả năng tiếp cận lương thực. Việt Nam không chỉ tự đảm bảo an ninh lương thực mà còn góp phần đảm bảo an ninh lương thực cho nhiều quốc gia khác, mỗi năm xuất khẩu 5-7 triệu tấn gạo.

Thời gian qua, nước ta cũng đã phát triển sản xuất lương thực thực phẩm hàng hóa theo hướng tập trung, quy mô lớn, nhờ đó, tình trạng thiếu dinh dưỡng được cải thiện đáng kể, giảm từ 18,2% trong giai đoạn 2004 – 2006 xuống còn 10,8% hiện nay…

Nhiệm vụ giải pháp đến năm 2030 được xác định: đảm bảo đủ lương thực lương thực, thực phẩm cho tiêu dùng trong nước, các hộ gia đình đều được tiếp cận lương thực an toàn và đầy đủ dinh dưỡng đáp ứng nhu cầu cần thiết cho sinh hoạt, sức khỏe và nâng cao tầm vóc cho người dân. Đến năm 2030, sử dụng linh hoạt quỹ đất lúa giữ ổn định khoảng 3,3 – 3,6 triệu ha, sản xuất khoảng 35 triệu tấn lúa làm nòng cốt đảm bảo an ninh lương thực quốc gia; sản lượng rau đậu các loại đạt 20 – 22 triệu tấn, sản lượng cây ăn quả các loại đạt 10 – 12 triệu tấn; sản lượng thịt hơi các loại 6,6 triệu tấn, sữa tươi 2,3 – 2,5 triệu tấn; trứng gia cầm 22 – 23 tỷ quả; sản lượng thủy sản 8-9 triệu tấn, trong đó sản lượng 2,5 – 2,7 triệu tấn, sản lượng nuôi trồng 5,5 – 6,3 triệu tấn. Đảm bảo thu nhập cho người dân nông thôn đến năm 2030 tăng 2 lần so với hiện nay. Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nhu cầu dinh dưỡng và khẩu phần ăn cân đối góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân, đặc biệt là trẻ em tuổi học đường; giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng và béo phì.

Để đảm bảo các mục tiêu trên, các đại biểu tham dự hội nghị thống nhất cần phải đẩy mạnh phát triển, cơ cấu lại ngành nông nghiệp, đảm bảo đáp ứng đầy đủ nhu cầu lương thực, thực phẩm cả về số lượng, chất lượng cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Tiếp tục nâng cấp và hiện đại hóa kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn phục vụ sản xuất lương thực, thực phẩm và đời sống nhân dân. Nâng cao trình độ nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ, gia tăng chế biến để nâng cao năng suất, chất lượng lương thực thực phẩm. Đào tạo nâng cao chất lượng nguồn lực; đổi mới, phát triển tổ chức sản xuất lương thực thực phẩm; đổi mới cơ chế chính sách đối với nông dân, địa phương và doanh nghiệp sản xuất kinh doanh gạo; phát triển hệ thống lưu thông, tăng khả năng tiếp cận lương thực cho người dân mọi lúc, mọi nơi…

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: trong bất cứ hoàn cảnh nào, nhiệm vụ trọng tâm số 1 hiện nay là phải quyết liệt trong công tác phòng chống dịch cúm Covid-19; phải chống dịch tốt mới giữ vững, hoàn thành nhiệm vụ đảm bảo an ninh lương thực của đất nước. Đảm bảo an ninh lương thực không phải trước mắt mà còn mang tính lâu dài cho mọi công dân Việt Nam. 

Bên cạnh những kết quả đạt được đáng khích lệ, tuyên dương, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng nêu một số tồn tại, hạn chế như thu nhập từ sản xuất nông nghiệp chưa cao, chưa bền vững nên quy hoạch sử dụng đất cho sản xuất nông nghiệp tại nhiều địa phương không ổn định, có tình trạng "được mùa - mất giá", giải cứu nông sản.

Trước yêu cầu đặt ra trong tình hình mới, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các nhà khoa học, các bộ ngành, địa phương gấp rút tìm kiếm các giải pháp mới mang tính chiến lược, đáp ứng thỏa mãn nhu cầu dinh dưỡng trong từng giai đoạn cho mỗi người dân; chống thấp bé còi cho người việt Nam. Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tăng cường xuất khẩu đến 2030 là khoảng 100 tỷ đô la. Rà soát tài nguyên đất đai để có độ che phủ trên 45% trở lên. Đảm bảo an ninh nguồn nước. Đối với đất lúa, cần giữ trên 3,5 triệu ha đất lúa để đảm bảo cân đối nguồn lúa gạo trong nước và xuất khẩu. 

Thủ tướng cũng lưu ý việc đảm bảo an ninh lương thực không đơn thuần chỉ là đảm bảo kinh tế, mà còn là đảm bảo an sinh xã hội, gồm đảm bảo nguồn cung, nhu cầu dinh dưỡng và khả năng tiếp cận của người dân về vấn đề lương thực…

Phạm Mỹ Hạnh

Các tin khác