Đại biểu Hoàng Đức Thắng tham gia ý kiến đối với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội

8:10, Thứ Tư, 27-5-2020

(Web Quảng Trị) Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, sáng 26/5/2020, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội; Luật Bảo vệ Môi trường (sửa đổi).

Tại phiên họp lần này, đại biểu Hoàng Đức Thắng, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Quảng Trị đã tham gia ý kiến đối với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội:

Tại kỳ họp thứ 8, tôi đã có ý kiến phát biểu và cơ bản đã được Ban soạn thảo, UBTVQH tiếp thu, tôi rất hoan nghênh về tinh thần cầu thị đó. Mong muốn chung của ĐBQH chúng ta là Luật Tổ chức Quốc hội cần sửa đổi, bổ sung những vấn đề có tính căn bản, toàn diện nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả, hoạt động chuyên nghiệp của Quốc hội, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của đời sống xã hội đất nước. Đáng tiếc, do những vấn đề khách quan và chủ quan chưa hội đủ điều kiện, nên UBTVQH chỉ đạo tập trung phạm vi sửa đổi, bổ sung một số vấn đề, một số điều còn bất cập, vướng mắc, thiếu thống nhất trong thực hiện mà chưa “chạm” đến được những vấn đề cốt lõi nhất  mà ĐBQH mong muốn. Vì thế, thôi đành tạm bằng lòng với cái mình đang có và hy vọng trong một tương lai gần luật Tổ chức Quốc hội sẽ được sửa đổi căn bản và toàn diện đáp ứng mong muốn của ĐBQH và của Quốc dân.

Vì thế, tại diễn đàn này, tôi xin phát biểu mấy nội dung sau:

1.Về tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội ( khoản 1a vào sau khoản 1, Điều 22):

Tại kỳ họp thứ 8, tôi đã phát biểu, tham gia phân tích về sự cần thiết phải bổ sung từ “chỉ’ vào nội dung này và đã được tổng hợp, song rất tiếc là chưa được tiếp thu, nhưng cũng không được giải trình vì sao? Nay tôi xin nói rõ thêm:

Bổ sung quy định “ĐBQH có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam” như dự thảo là đúng, nhưng chưa đủ, chưa chặt chẽ bởi vì: Trong trường hợp ngoài quốc tịch Việt Nam ra, ĐBQH còn có thể có thêm quốc tịch khác nữa thì cũng không sai và dẫn  sẽ đến sự tranh cãi về pháp lý không cần thiết! (Ví như: Rằng tôi có một cái này thì không nhất định tôi không thể không có cái khác tương tự).

Việc sử dụng ngôn từ trong văn bản pháp luật phải phổ quát, đại chúng, dễ hiểu, chặt chẽ, thống nhất để không tạo ra kẻ hở mà suy diễn, hiểu nhiều nghĩa khác nhau làm sai lệch bản chất nội dung quy phạm. Vì vậy, để đảm bảo chặt chẽ của câu từ, thống nhất về nhận thức thì bổ sung thêm từ “chỉ” là cần thiết, tuyệt nhiên không có “thừa”!. Như vậy, sẽ luôn được hiểu đúng là ĐBQH chỉ có duy nhất một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam mà thôi, không thể còn có bất cứ quốc tịch nào khác; và diễn đạt lại là: “ĐBQH chỉ có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam”.  Còn nếu có lập luận cho rằng: ở Luật Chính quyền địa phương khi quy định về Quốc tịch của ĐB HĐND không dùng từ “ Chỉ” này, theo tôi đó là sự “sơ hở” dễ lợi dụng, nên vì thế Luật Tổ chức Quốc hội sửa đổi, bổ sung đã phát hiện thì cần phải tránh, càng phải được chuẩn chỉnh hơn.

2. Về Đoàn đại biểu Quốc hội (Điều 43):

Tôi thấy, tiếp thu giải trình của UBTVQH vẫn chưa thõa đáng; Bởi vì: Vấn đề quan trọng, cốt lõi nhất là cần “định vị” địa vị pháp lý của Đoàn ĐBQH. Theo đó, nhất thiết cần bổ sung, quy định rõ vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn; cơ cấu tổ chức bên trong ví như: vị trí, chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm,quyền hạn của Trưởng Đoàn, Phó Đoàn, các ĐB thành viên trong hoạt động của Đoàn; mối quan hệ công tác của Đoàn ĐBQH với Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; các cơ quan thuộc UBTVQH; với hệ thống chính trị ở địa phương và với mỗi ĐBQH thuộc Đoàn như thế nào?. Đây là vấn đề rất quan trọng mà luật hiện hành chưa giải đáp cụ thể, dẫn đến hoạt động của Đoàn ĐBQH còn tùy nghi, chưa rõ nếu không muốn nói là còn lúng túng cả về nội dung và phương thức, tính pháp lý trong hoạt động, điều hành hoạt động của Đoàn rất cần được minh định rõ ràng. Luật không nên chỉ xác định đơn giản, chung chung rằng: Đoàn ĐBQH chỉ là hình thức tổ chức hoạt động của ĐBQH theo kiểu “tập hợp cơ học” như hiện nay; mà cần phải xác định Đoàn ĐBQH là tổ chức đại diện cho Quốc hội, là tổ chức của Quốc hội thực thi nhiệm vụ của Quốc hội giao tại địa phương. (Trong thực tế Đoàn ĐBQH đã làm các nhiệm vụ: Xây dựng pháp luật; tiếp dân; tiếp xúc cử tri; giám sát thực thi pháp luật; tiếp nhận, phản ánh và giám sát giải quyết đơn thư, kiến nghị của nhân dân; thảo luận về các quyết định quan trọng của Quốc hội; chỉ đạo tổ chức, hoạt động của Văn phòng Đoàn ĐBQH cùng một số nhiệm vụ khác …). Vậy, tại sao các vấn đề này không được cụ thể hóa vào luật? Hay nói cách khác, Đoàn ĐBQH là một chế định của Quốc hội, là một thành phần, cơ cấu bên trong của Quốc hội, là “cánh tay nối dài” của Quốc hội ở địa phương, là chủ thể có địa vị pháp lý đầy đủ trong hệ thống chính trị. Trên cơ sở đó mà thiết kế theo hướng trao cho Đoàn ĐBQH một số quyền, trách nhiệm và nhiệm vụ cụ thể, có như thế mới thấy rõ “Địa vị chính trị”, chính danh của Đoàn ĐBQH được !

3. Về sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 43; mục c) Sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 43):

Đề nghị bổ sung thêm đoạn “bảo đảm cơ sở vật chất, phương tiện làm việc của Đoàn đại biểu Quốc hội và bộ máy tham mưu, giúp việc, phục vụ hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tại địa phương.

Bởi vì, Khi Quốc hội giao cho chính quyền địa phương ngoài trách nhiệm bố trí trụ sở làm việc cho Đoàn ĐBQH thì còn phải được giao nhiệm vụ bảo đảm cả về cơ sở vật chất, phương tiện làm việc cho cả Đoàn ĐBQH và Bộ máy giúp việc Đoàn như vậy mới đầy đủ, rõ trách nhiệm. Nếu không, thì không  biết cơ quan nào thực hiện nhiệm vụ bảo đảm này! Mặt khác, điều này là hoàn toàn phù hợp với nội dung sửa đổi, bổ sung ở khoản 1 Điều 101 là: Kinh phí hoạt động của Quốc hội chỉ bảo đảm cho hoạt động của Đoàn ĐBQH, lương và các khoản phụ cấp, chế độ khác của ĐBQH gắn với hoạt động Quốc hội.

Vì vậy, nội dung này cần diễn đạt đầy đủ như sau: “4. Chính quyền địa phương ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm bố trí trụ sở làm việc, bảo đảm cơ sở vật chất, phương tiện làm việc cho Đoàn ĐBQH và bộ máy tham mưu, giúp việc phục vụ; tổ chức và bảo đảm kinh phí hoạt động cho bộ máy tham mưu, giúp việc phục vụ hoạt động của Đoàn ĐBQH tại địa phương”

4. Tôi đồng ý với ý kiến Đại biểu Nguyễn Văn Sơn - Đoàn Hà Tĩnh là việc chuyển Ban Dân nguyện, Ban Công tác Đại biểu thành cơ quan trực thuộc Quốc hội là cần thiết và chín muồi. Tại kỳ họp thứ 8 và các Đoàn Đại biểu, các ĐBQH đã có ý kiến, đề nghị Quốc hội cho lấy ý kiến ĐBQH để làm cơ sở quyết định.

Tiến Nhất

Các tin khác