Lễ rước Long vị vua Hàm Nghi và các tướng sỹ Cần Vương về Tân Sở (Cam Lộ)

18:45, Chủ Nhật, 12-7-2020

(Web Quảng Trị) Ngày 12/7/2020, UBND huyện Cam Lộ phối hợp với Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế và dòng họ Nguyễn Phước tộc tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức Lễ rước Long vị vua Hàm Nghi và bài vị Binh bộ Thượng thư Tôn Thất Thuyết cùng bài vị Kỳ vỹ quận công Nguyễn Văn Tường ra an vị tại Đền thờ ở Di tích Quốc gia thành Tân Sở, xã Cam Chính, huyện Cam Lộ. Đây là một trong những nội dung chính của chuỗi hoạt động kỷ niệm sự kiện 135 năm Vua Hàm Nghi ban Chiếu Cần Vương kêu gọi hào kiệt, sĩ phu và nhân dân yêu nước đứng lên giành lại độc lập, tự do cho dân tộc vào năm 1885. Tham dự lễ rước có Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng.

Tại Thế Tổ Miếu (Thế Miếu) - một công trình quan trọng bậc nhất trong Hoàng thành Huế - nơi thờ hầu hết các vị vua của triều Nguyễn- triều đại phong kiến cuối cùng trong lịch sử Việt Nam, lễ rước Long vị vua Hàm Nghi đã được tổ chức trọng thể, quy mô theo nghi thức truyền thống. Đội hình rước Long vị của vua Hàm Nghi được xây dựng dựa trên mô hình rước vua được thực hiện trong nghi thức cung đình của triều Nguyễn trước đây.

Long vị vua Hàm Nghi tại Thế tổ miếu

 

Vua Hàm Nghi (1871 - 1943) có tên húy là Nguyễn Phúc Ưng Lịch. Năm 1884, ông được các phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết đưa lên ngôi khi mới 13 tuổi, lấy niên hiệu là Hàm Nghi. Mặc dù tuổi còn niên thiếu nhưng vua Hàm Nghi đã thể hiện được sự khảng khái và khí chất yêu nước của mình. Phong trào Cần Vương do vua Hàm Nghi khởi xướng đã minh chứng cho ý chí không gì khuất phục nổi của nhân dân Việt Nam, con người Việt Nam trong suốt những năm cuối thế kỷ XIX và thời gian sau này.

Cùng ngày, lễ rước bài vị Binh bộ Thượng thư - Tôn Thất Thuyết tại phủ Tôn Thất Thuyết ở làng Vân Thế Trung, xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế và lễ rước bài vị Kỳ vỹ quận công Nguyễn Văn Tường tại đền thờ của ông ở thôn An Cư, xã Triệu Phước, huyện Triệu Phong cũng đã được tổ chức trang nghiêm.

Binh bộ thượng thư Tôn Thất Thuyết và Kỳ vỹ quận công Nguyễn Văn Tường là 2 đại thần mang tư tưởng chủ chiến, đã kiên quyết phế bỏ các phần tử chủ hòa thân Pháp để đưa lên ngai vàng một vị vua yêu nước, quyết chiến với thực dân Pháp, đó chính là vua Hàm Nghi.

Lễ rước Long vị vua Hàm Nghi tại Thế tổ Miếu (Đại nội Huế)

 

Lễ rước Long vị vua Hàm Nghi từ Thế Miếu, cố đô Huế; bài vị Binh bộ thượng thư -Tôn Thất Thuyết tại phủ Tôn Thất Thuyết, làng Vân Thế Trung, xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế; bài vị Kỳ vỹ quận công - Nguyễn Văn Tường tại đền thờ Kỳ vỹ quận công - Nguyễn Văn Tường, thôn An Cư, xã Triệu Phước huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị ra an vị tại Đền thờ ở di tích Quốc gia thành Tân Sở là tâm nguyện của nhân dân Cam Lộ nói riêng, nhân dân Quảng Trị nói chung, thể hiện tấm lòng tri ân đối với công lao của vua Hàm Nghi và các tướng sĩ Cần Vương, văn thân sĩ phu yêu nước.

 

Khu di tích quốc gia Tân Sở được khởi công xây dựng vào tháng 7/2019, là nơi thờ phụng vua Hàm Nghi và những chí sỹ phong trào Cần Vương ở xứ Cùa.

Đền tưởng niệm gồm năm gian, hai chái, mô phỏng phong cách kiến trúc nhà Nguyễn. Công trình có tổng mức đầu tư 6,5 tỉ đồng từ ngân sách Nhà nước và xã hội hóa.

Đưa long vị vua Hàm Nghi cùng hai đại thần về Tân Sở (Cam Lộ)

Long vị vua Hàm Nghi được đặt tại Khu di tích quốc gia Tân Sở (Cam Lộ)

 

Thành Tân Sở là di tích thành lũy quân sự cuối cùng của triều đại phong kiến nhà Nguyễn, là địa chỉ ghi dấu những sự kiện quan trọng của phong trào Cần Vương chống thực dân Pháp đầu thế kỷ 20 của dân tộc.

Tiến Nhất

Các tin khác