Hội nghị trực tuyến triển khai công tác Tư pháp năm 2021

8:7, Thứ Năm, 24-12-2020

(Web Quảng Trị) Ngày 23/12, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2021, định hướng nhiệm kỳ 2021 - 2025. Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự và chỉ đạo Hội nghị. Tại điểm cầu Quảng Trị có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam cùng đại diện các sở, ngành có liên quan.

Các đại biểu tham dự tại điểm cầu Quảng Trị

Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, năm 2020, Bộ, ngành Tư pháp đã tham mưu cho các cơ quan có thẩm quyền trình Quốc hội thông qua 17 luật, nâng số luật, pháp lệnh, nghị quyết do Chính phủ trình và được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua cả nhiệm kỳ 112 văn bản; các bộ, ngành trình Chính phủ, Thủ tướng chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 968 văn bản trong số hơn 5.300 văn bản của cả nhiệm kỳ; ở cấp tỉnh, cấp huyện có gần 4.200 văn bản đã được ban hành, tính cả nhiệm kỳ là gần 35.000 văn bản.

Công tác thẩm định văn bản quy phạm pháp luật tiếp tục được chú trọng nâng cao chất lượng, bảo đảm tiến độ. Năm 2020, Bộ Tư pháp đã thẩm định 258 dự thảo; tổ chức pháp chế các bộ, cơ quan ngang bộ thẩm định 405 dự thảo; các Sở Tư pháp thẩm định 4.162 dự thảo và 983 dự thảo do các phòng tư pháp thẩm định. Tính cả nhiệm kỳ, toàn ngành đã thẩm định trên 42.000 văn bản.

Trong năm, Bộ Tư pháp và tổ chức pháp chế các bộ, ngành đã kiểm tra theo thẩm quyền gần 5.400 văn bản, tính cả nhiệm kỳ là hơn 40.000 văn bản. Thông qua hoạt động kiểm tra, nhiều văn bản trái pháp luật được đề xuất xử lý kịp thời để ngăn ngừa, hạn chế những tác động tiêu cực đối với xã hội.

Bộ Tư pháp và hệ thống thi hành án dân sự đã chỉ đạo, điều hành quyết liệt việc phòng chống tham nhũng, vi phạm trong thi hành án. Các cơ quan thi hành án dân sự đã thi hành được trên 53.000 tỷ đồng (tăng gần 1.000 tỷ đồng so với năm 2019), trong đó có trên 14.000 tỷ đồng từ các vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng theo dõi. Kết quả thi hành án hành chính có nhiều chuyển biến tích cực, đã thi hành xong 363 việc (tăng 68 việc so với năm 2019).

Bên cạnh các kết quả nêu trên, công tác tư pháp, pháp chế trong năm 2020 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, như: Chất lượng một số hồ sơ dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật còn thấp; tình trạng nợ, chậm ban hành văn bản quy định chi tiết có xu hướng tăng trở lại...

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, với tinh thần trách nhiệm cao, nỗ lực phấn đấu, Bộ và ngành Tư pháp đã hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, tạo sự tin tưởng không chỉ đối với Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong công tác xây dựng và thực thi pháp luật mà còn là chỗ dựa vững chắc cho các Bộ, ngành, địa phương trong xử lý các vấn đề pháp lý phát sinh trong chỉ đạo, điều hành. Bộ Tư pháp đã thực hiện tốt vai trò là “nhạc trưởng”, cơ quan “gác cửa” trong công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật và thi hành pháp luật của Chính phủ trong những năm qua.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tư pháp vẫn còn những tồn tại. Thủ tướng nêu rõ, việc xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật hiệu lực, hiệu quả là điều kiện tiên quyết để thúc đẩy phát triển đất nước. Vai trò, trách nhiệm của Bộ, ngành Tư pháp trong giai đoạn tới ngày càng quan trọng, đòi hỏi Bộ, ngành Tư pháp cần tiếp tục phát huy vai trò “nhạc trưởng” trong việc tham mưu xây dựng và thi hành pháp luật.

Cần tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp nêu trong Chỉ thị 43 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và nâng cao chất lượng thi hành pháp luật, bảo đảm hệ thống pháp luật Việt Nam thống nhất, đồng bộ, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, có hiệu lực, hiệu quả cao, có sức cạnh tranh quốc tế, lấy quyền và lợi ích hợp pháp của người dân là trung tâm, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia. Bộ Tư pháp và các sở tư pháp cần rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, tập trung khắc phục cho được những mâu thuẫn, chồng chéo, không đồng bộ trong hệ thống pháp luật. Không để xảy ra tham nhũng chính sách, lợi ích nhóm trong xây dựng chính sách pháp luật. Đổi mới và cải cách mạnh mẽ hơn nữa, nâng cao chất lượng các dịch vụ công trong lĩnh vực hành chính tư pháp, trong đó tập trung vào các lĩnh vực như hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, lý lịch tư pháp, bồi thường nhà nước, nuôi con nuôi, hình thành được mạng lưới dịch vụ pháp lý rộng khắp, thuận tiện, tin cậy cho người dân, doanh nghiệp. Cùng với đó, tiếp tục nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện thể chế và tổ chức thi hành hiệu quả các quy định của pháp luật về thi hành án dân sự, thi hành án hành chính.Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy của Bộ Tư pháp, các tổ chức pháp chế và các cơ quan tư pháp theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; nâng cao chất lượng, mở rộng quy mô đào tạo để bổ sung nguồn nhân lực pháp luật, tư pháp có năng lực, trình độ cao, đáp ứng yêu cầu của xã hội. Thực hiện đề án số hóa hoạt động của Bộ, ngành Tư pháp, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách hành chính, đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ, nhất là trong lĩnh vực liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp...

Hồng Hà  

Các tin khác