Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 sơ kết công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19

16:7, Chủ Nhật, 17-10-2021

(Web Quảng Trị) Sáng 17/10/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 đã chủ trì cuộc họp nhằm sơ kết công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19.  Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam đã chủ trì cuộc họp tại điểm cầu Quảng Trị.

Báo cáo do Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 cho biết, đợt dịch thứ 4 với biến chủng Delta lây lan nhanh, mạnh, diễn biến hết sức phức tạp, kéo dài trên nhiều địa phương. Dịch bệnh đã tác động hết sức nghiêm trọng đến sinh mạng, sức khỏe, đời sống của nhân dân và ảnh hưởng sâu sắc mọi mặt kinh tế - xã hội của đất nước. Đặc biệt làm đình trệ hoạt động sản xuất, tác động tiêu cực đến việc làm, sinh kế, tâm lý của nhân dân, nhất là người lao động, cộng đồng doanh nghiệp.

Đợt dịch thứ 4 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế trên một số lĩnh vực. GDP 9 tháng năm 2021 chỉ tăng 1,42%, quý III/2021 giảm 6,17% so với cùng kỳ, ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi lĩnh vực của nền kinh tế, nhất là các địa phương trọng điểm kinh tế. Dự kiến 4/12 chỉ tiêu chủ yếu chưa đạt mục tiêu đề ra. Tình hình tài chính - ngân sách gặp khó khăn, phải huy động các quỹ dự trữ để chi phòng, chống dịch và hỗ trợ an sinh xã hội.

Công tác an sinh xã hội, đảm bảo lương thực thực phẩm đã được quan tâm chỉ đạo và tổ chức thực hiện kịp thời. Trong thời gian ngắn nước ta đã huy động, điều động một lực lượng lớn nhân lực của y tế, quân đội, công an với gần 300.000 lượt cán bộ của trung ương và 34 địa phương hỗ trợ cho Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và các địa phương khác đang có dịch.

Chính phủ cũng đã ban hành nhiều Nghị quyết với các giải pháp đồng bộ hỗ trợ sản xuất kinh doanh và lưu thông hàng hoá. Kịp thời sửa đổi, ban hành nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19.

Với sự nỗ lực, đoàn kết và quyết tâm cao của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, chúng ta đã hết sức cố gắng triển khai nhiều chủ trương, biện pháp với tinh thần trách nhiệm rất cao, rất quyết liệt, chỉ đạo kịp thời cùng với sự hưởng ứng cao của người dân, sự vào cuộc của các cấp, các ngành nên đã từng bước khống chế được dịch bệnh ở tâm dịch là Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An, không để dịch bệnh lan rộng ra toàn quốc.

Tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng năm 2021 vẫn có những kết quả đáng ghi nhận. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát (bình quân 9 tháng tăng 1,82%, dưới mức Quốc hội giao), các cân đối lớn của nền kinh tế tiếp tục được bảo đảm. An sinh xã hội, đời sống của người dân được đặc biệt quan tâm; bảo đảm an dân, an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong điều kiện khó khăn, nhất là tại các địa bàn thực hiện giãn cách xã hội và tăng cường giãn cách xã hội. Quốc phòng, an ninh được giữ vững. Hoạt động đối ngoại được triển khai chủ động, tích cực, hiệu quả. 

So với các quốc gia trong khu vực, Việt Nam là nước dân số đông, mật độ dân cư cao, thiếu vaccine, nên phòng, chống dịch hết sức khó khăn. Những kết quả quan trọng này rất đáng trân trọng, góp phần tạo động lực, niềm tin, tăng cường sự đoàn kết, thống nhất của mọi tầng lớp trong xã hội, tạo điều kiện cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới…

Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, sau hơn 5 tháng kể từ khi đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát, lây lan, đến nay dịch đã cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 128 về Quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”. Hiện nay, nhiều tỉnh, thành phố đã nới lỏng giãn cách xã hội, chuyển từng bước sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19.

Tại Hội nghị, Thủ tướng lưu ý, điều trị vẫn là nhiệm vụ rất quan trọng khi mở cửa trở lại nền kinh tế, do người đã tiêm vaccine vẫn có thể bị nhiễm bệnh dù giảm nguy cơ tăng nặng và tử vong. Do đó, để kiểm soát rủi ro, kiểm soát tử vong, Bộ Y tế, các bộ, ngành và địa phương phải chuẩn bị cơ sở, năng lực điều trị theo hướng vừa tập trung để điều trị các ca bệnh nặng, vừa phân cấp, phân tán để người bệnh tiếp cận y tế nhanh nhất, sớm nhất, ngay từ cơ sở.

Trong triển khai thực hiện Nghị quyết 128, phải nhất quán, thông suốt từ Trung ương xuống địa phương; cấp dưới phải phục tùng cấp trên; địa phương tuyệt đối không được ban hành các quy định trái với chỉ đạo của cấp trên; nếu thực hiện cao hơn, sớm hơn, phải báo cáo cấp trên - Thủ tướng nêu nguyên tắc.

Thủ tướng lưu ý tiếp tục lắng nghe, tiếp thu các ý kiến của các chuyên gia, các nhà hoạt động thực tiễn, các cơ quan, địa phương để sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện quy định tạm thời của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Y tế về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Tinh thần là thận trọng, không nóng vội nhưng cũng không cầu toàn; lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất, xuyên suốt từ Trung ương tới các địa phương trên toàn quốc, Trung ương ban hành tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình nhất quán, các bộ, các ngành, các địa phương tổ chức thực hiện linh hoạt, sáng tạo, phù hợp tình hình; những gì chưa phù hợp phải bổ sung, điều chỉnh ngay.

Thủ tướng nêu rõ, tình hình thay đổi thì việc tổ chức thực hiện cũng phải thay đổi; sắp tới, các cơ quan sẽ nghiên cứu, báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền để tiếp tục kiện toàn Ban Chỉ đạo Quốc gia theo hướng vừa chỉ đạo nhiệm vụ phòng chống dịch, vừa chỉ đạo nhiệm vụ phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.

Phạm Mỹ Hạnh

Các tin khác