Ngày làm việc thứ 2, Kỳ họp thứ 18: Đại biểu tập trung nghe báo cáo kết quả giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri

16:36, Thứ Ba, 18-7-2023

(Cổng TTĐT) Sáng ngày 18/7/2023, tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 18, HĐND tỉnh khóa VIII, nhiệm kỳ 2021-2026, các đại biểu HĐND tỉnh đã tham gia phiên làm việc chung tại hội trường để nghe UBND tỉnh báo cáo kết quả giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 14; Ban Thường trực UBMTTQVN tỉnh thông báo về công tác tham gia xây dựng chính quyền; Thường trực HĐND tỉnh trình bày báo cáo kết quả giám sát giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 14; báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 18; các Ban HĐND tỉnh báo cáo thẩm tra.

Kỳ họp do đồng chí Nguyễn Đăng Quang, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh và các Phó Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì.

Tham dự phiên họp còn có các đồng chí: Võ Văn Hưng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Đào Mạnh Hùng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; các Phó Chủ tịch UBND tỉnh; các đại biểu HĐND tỉnh cùng đại diện lãnh đạo các sở ban ngành, đơn vị, địa phương liên quan.

 

Mở đầu phiên làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng trình bày báo cáo kết quả giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 14, Hội đồng nhân dân tỉnh, nhiệm kỳ 2021-2026. Theo đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương liên quan khẩn trương kiểm tra, xem xét giải quyết, trả lời các ý kiến, kiến nghị mà cử tri quan tâm đối với các lĩnh vực: Nông nghiệp và phát triển nông thôn; quy hoạch, đầu tư, xây dựng, giao thông, tài nguyên môi trường, thương mại dịch vụ, phí và lệ phí; văn hóa xã hội; nội chính, pháp chế và giải quyết dứt điểm những ý kiến, kiến nghị nhiều lần. Cụ thể, đối với lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, cử tri xã Cam Hiếu (Cam Lộ) kiến nghị: Công trình đập ngăn mặn sông Hiếu được thi công hoàn thành đưa vào sử dụng đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân có được nguồn nước tưới cho cây trồng trong mùa hè không bị nhiễm mặn, tuy nhiên khi triển khai ngăn dòng (đóng mức 1,2 m) đã gây ngập 1,5 ha đất sản xuất hoa màu của bà con nhân dân thôn Bích Giang. Năm 2023, nếu triển khai ngăn dòng (đóng ở mức 1,7m) thì diện tích của các hộ dân sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn, vì vậy đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng khảo sát đánh giá khả năng ngập khi ngăn dòng để khuyến cáo người dân không sản xuất, nhằm giảm thiểu thiệt hại cho bà con, đồng thời có kế hoạch hỗ trợ cho các hộ không sản xuất do bị ảnh hưởng.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng trình bày báo cáo kết quả giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 14, Hội đồng nhân dân tỉnh, nhiệm kỳ 2021-2026

Trả lời nội dung trên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng cho biết, Dự án Đập ngăn mặn Sông Hiếu do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư, xây dựng hoàn thiện bàn giao đưa vào sử dung từ tháng 4/2022. Công trình có nhiệm vụ ngăn mặn, giữ ngọt, tạo nguồn cấp nước sản xuất cho 1.300 ha nông nghiệp và 200 ha nuôi trồng thuỷ sản. Tạo nguồn cấp nước sinh hoạt cho 25.000 người. Kết nối giao thông bộ hai bờ sông Hiếu và tạo cảnh quan môi trường đô thị và phát triển du lịch. Cao trình ngăn mặn của công trình theo thiết kế là +1,5m (không phải +1,7m như kiến nghị của cử tri). Trong quá trình vận hành năm 2022 ở cao trình + 1,5m đã gây ngập khoảng 5,0 ha đất thấp, trũng dọc bờ sông các vùng Hiếu Nam và Vĩnh Đại, xã Cam Hiếu.

Trên cơ sở đề nghị của UBND huyện Cam Lộ và tham mưu đề xuất của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh đã có Văn bản số 2577/UBND-KT ngày 31/5/2023 thống nhất quy trình vận hành theo các cao trình phù hợp nhằm đáp ứng yêu cầu điều tiết, trữ nguồn nước cho các trạm bơm hoạt động phục vụ sản xuất đảm bảo mục tiêu của dự án. Đồng thời, giao UBND huyện Cam Lộ chủ trì, phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu, xây dựng giải pháp chuyển đổi phương án sản xuất phù hợp để hỗ trợ cho các hộ dân bị ảnh hưởng nhằm bảo đảm vận hành công trình ổn định, lâu dài và hiệu quả. Hiện nay, UBND tỉnh đang yêu cầu UBND huyện Cam Lộ khẩn trương triển khai thực hiện nhằm đáp ứng yêu cầu chính đáng của người dân.

Đối với lĩnh vực đầu tư, xây dựng, Cử tri thị xã Quảng Trị kiến nghị: Thủ tục hành chính về đấu giá tài sản công, trụ sở công rất khó khăn, kéo dài trên 3 năm chưa thực hiện được. Kính đề nghị tỉnh quan tâm tháo gỡ.

Trả lời về nội dung này, đại diện UBND tỉnh cho biết: Căn cứ Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017, Nghị định số 67/2021/NĐ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 253/KH-UBND ngày 17/01/2020 về việc triển khai sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.

Đến nay, UBND tỉnh đã phê duyệt phương án xử lý 1.867 cơ sở nhà, đất thuộc quản lý của các huyện, thị xã, thành phố trên khoảng 2.300 cơ sở nhà, đất toàn tỉnh (đạt 81,1%). Đối với thị xã Quảng Trị, đã được phê duyệt giữ lại tiếp tục sử dụng 62 cơ sở nhà, đất thuộc quản lý của địa phương.

Hiện nay, thị xã Quảng Trị đang đề nghị bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với 07 cơ sở nhà, đất trên địa bàn thị xã theo lộ trình từ năm 2023 đến năm 2026, trong đó, 5 trụ sở đã có chủ trương bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại Nghị quyết số 149/NQ-HĐND ngày 04/6/2019 của Thường trực HĐND tỉnh đến nay chưa thực hiện việc bán đấu giá và Nghị quyết trên đã hết hiệu lực thi hành (24 tháng kể từ ngày cơ quan có thẩm quyền ban hành Quyết định bán quy định tại Khoản 4 Điều 29 Nghị định 167/2017/NĐ-CP). Do vậy, việc bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải thực hiện lại quy trình sắp xếp lại, xử lý cơ sở nhà, đất trên địa bàn thị xã Quảng Trị theo Nghị định số 167/2017/NĐ-CP; Nghị định số 67/2021/NĐ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ và các quy định hiện hành. Ngày 06/6/2023, UBND tỉnh đã có Công văn số 2422/UBND-TCTM chỉ đạo Sở Tài chính rà soát lại các cơ sở nhà đất của các huyện, thị xã, thành phố quản lý, tổng hợp trình UBND tỉnh xem xét xử lý việc bán đấu giá theo quy định.

Đồng chí Đào Mạnh Hùng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh thông báo về công tác tham gia xây dựng chính quyền.

Đối với lĩnh vực đất đai, tài nguyên môi trường: Cử tri thuộc huyện Hướng Hóa kiến nghị: Việc  thực  hiện Chương  trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo Quyết định 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ gặp một số khó khăn, một số dự án chưa có hướng dẫn và định mức hỗ trợ cụ thể, dẫn đến vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện, cụ thể như: Dự án 1 chưa có văn bản quy định định mức hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất (như: định mức vốn hỗ trợ cho mỗi hộ; hạn mức giao đất ở, đất sản xuất tối đa được hỗ trợ cho mỗi hộ; định mức hỗ  trợ  tối  đa  cho  công  trình  nước  sinh  hoạt  tập trung). Vì vậy, đề nghị HĐND tỉnh, UBND tỉnh, các sở, ban ngành cấp tỉnh kịp thời ban hành các quy định về định mức, các văn bản hướng dẫn để các địa phương triển khai thực hiện.

Về nội dung này, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng cho biết, Ngày 23/02/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 04/2023/QĐ-TTg về mức hỗ trợ và cơ chế hỗ trợ sử dụng vốn đầu tư công để thực hiện một số nội dung thuộc Dự án 1 và Tiểu dự án 1, Dự án 4 của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2023, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025, trong đó đã quy định các định mức hỗ trợ. Ngày 20/6/2023, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 13/2023/QĐ-UBND quy định định mức đất sản xuất đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo sinh sống trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi; hộ nghèo dân tộc Kinh sinh sống ở các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi sinh sống bằng nghề nông, lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Trị; đề nghị các địa phương tổ chức rà soát, tổng hợp các hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo sinh sống trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi; hộ nghèo dân tộc Kinh sinh sống ở xã đặc biệt khó khăn, thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi sinh sống bằng nghề nông nghiệp, lâm nghiệp chưa có hoặc thiếu đất sản xuất có nhu cầu hỗ trợ đất sản xuất trên địa bàn để thực hiện việc hỗ trợ đất sản xuất và các khoản hỗ trợ khác theo quy định của pháp luật hiện hành.

Đối với lĩnh vực giao thông vận tải, Cử tri xã Gio Quang (huyện Gio Linh) kiến nghị: UBND tỉnh, các sở, ban, ngành cấp tỉnh tiếp tục chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công đối với dự án mở rộng Quốc lộ 9 (đoạn từ Đông Hà về Cửa Việt); đối với những đoạn đã bàn giao mặt bằng, khẩn trương triển khai phương án đền bù, hỗ trợ các công trình nhà ở, lăng mộ bị ảnh hưởng, sớm công khai phương án áp giá đền bù đối với đất phi nông nghiệp bị ảnh hưởng từ dự án.

Trả lời vấn đề này, UBND tỉnh cho biết, Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 9 đoạn từ cảng Cửa Việt đến Quốc lộ 1 được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt tại Quyết định số 1939/QĐ-BGTVT ngày 11/11/2021 với chiều dài 13,8km; Tổng mức đầu tư 440,368 tỷ đồng, thời gian thực hiện dự án đến 31/12/2022. Đối với công tác giải phóng mặt bằng dự án, UBND tỉnh giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh làm chủ đầu tư dự án giải phóng mặt bằng tại Quyết định số 1254/QĐ-UBND ngày 16/5/2022. Đến tháng 10 năm 2022 tỉnh đã bàn giao được 4,55km/13,8km và 06 cầu trên tuyến để Cục Đường bộ Việt Nam tổ chức triển khai thi công; Ngày 12/01/2023, Ngân hàng Thế giới đã có Công thư thông báo từ chối việc gia hạn Hiệp định vay, nên hiện nay dự án đang tạm dừng thi công.

Đại biểu HĐND tỉnh tham dự tại phiên họp

Ngày 19/4/2023, UBND tỉnh đã có phiên làm việc với Đoàn Công tác của Bộ GTVT để nghiên cứu phương án tiếp tục triển khai dự án; trong các ngày 17/6/2023 và 28/6/2023 đã có phiên làm việc với Đoàn Công tác Ngân hàng Thế giới về chính sách GPMB sau khi dừng hiệp định. Ngoài ra, ngày 28/6/2023, Bộ GTVT có văn bản số 6793/BGTVT-KHĐT giao Cục Đường bộ Việt Nam làm việc với UBND tỉnh để thống nhất phạm vi, quy mô, thời hạn hoàn thành công tác GPMB; kinh phí GPMB từ ngân sách địa phương để trình Bộ GTVT phương án sử dụng ngân sách trong nước thay cho vốn WB để tiếp tục thực hiện dự án. Hiện nay, UBND tỉnh đang phối hợp với Bộ GTVT, Cục ĐBVN để thống nhất phương án tiếp tục triển khai dự án.

Trong sáng nay, đại biểu HĐND tỉnh nghe Ban Thường trực UBMTTQVN tỉnh thông báo về công tác tham gia xây dựng chính quyền; Thường trực HĐND tỉnh trình bày báo cáo kết quả giám sát giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 14; báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 18; báo cáo thẩm tra các báo cáo, đề án trình kỳ họp của Ban Văn hóa xã hội, Ban Dân tộc; Ban Kinh tế ngân sách và Ban Pháp chế HĐND tỉnh.

Cuối buổi sáng, phiên họp cũng đã tiến hành kiện toàn nhân sự HĐND tỉnh khóa VIII. Theo đó, HĐND tỉnh thống nhất bầu ông Nguyễn Minh Sơn, Trưởng phòng Thông tin công tác đại biểu Văn phòng HĐND tỉnh giữ chức Phó trưởng Ban KTNS và ông ông Nguyễn Vĩnh Quyền, Trưởng ban Dân Vận, Chủ tịch UBMTTQVN huyện Hải Lăng giữ chức Phó trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh khóa VIII, nhiệm kỳ 2021 -2026.

Chiều nay các đại biểu thảo luận về nội dung các đề án, tờ trình và các báo cáo và giải trình của UBND tỉnh và các cơ quan chuyên môn.

Phạm Mỹ Hạnh

Các tin khác