Quảng Trị: Lựa chọn Khu kinh tế đặc biệt Lao Bảo để đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách

15:13, Thứ Sáu, 26-2-2021

(Xây dựng) - Thủ tướng Chính phủ vừa có Văn bản về việc lựa chọn một số Khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm để tập trung đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2021 đến 2025. Theo đó, trên toàn quốc có 8 Khu kinh tế cửa khẩu, trong đó có Khu kinh tế - thương mại đặc biệt Lao Bảo.

Khu kinh tế - thương mại đặc biệt Lao Bảo.

Xuất phát từ lợi thế của khu vực, mối quan hệ hữu nghị đặc biệt giữa hai nước, chủ trương của hai Bộ Chính trị cũng như sự quyết tâm của hai Chính phủ Việt Nam và Lào trong việc lựa chọn và thiết lập một khu vực chung, cho phép áp dụng thí điểm những chính sách đặc thù. Ngày 12/11/1998, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 219/1998/QĐ-TTg ban hành quy chế khu vực khuyến khích phát triển kinh tế và thương mại Lao Bảo, tỉnh Quảng Trị (Khu thương mại Lao Bảo). Để phù hợp với tình hình mới, ngày 12/01/2005, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ra Quyết định số 11/2005/QĐ-TTg ban hành quy chế Khu kinh tế - thương mại đặc biệt Lao Bảo.

Khu kinh tế - thương mại đặc biệt Lao Bảo có tổng diện tích 15.804ha, bao gồm 5 xã và 2 thị trấn dọc đường 9 thuộc huyện miền núi Hướng Hóa. Đây là mô hình kinh tế tổng hợp, vừa mang tính chất như Khu công nghiệp, Khu chế xuất, Khu kinh tế cửa khẩu và là “khu phi thuế quan đặc biệt”, được áp dụng cơ chế, chính sách thí điểm với mức ưu đãi cao nhất theo quy định hiện hành của luật pháp Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia.

Trải qua gần 23 năm xây dựng, Khu kinh tế - thương mại đặc biệt Lao Bảo thu hút trên 880 tỷ đồng đầu tư vào hệ thống kết cấu hạ tầng bằng nguồn ngân sách Nhà nước, với gần 50 công trình. Thu hút gần 3.700 tỷ đồng của các nhà đầu tư, doanh nghiệp đầu tư vào các dự án sản xuất, kinh doanh với gần 60 dự án. Nhờ vậy, mà giờ đây Khu kinh tế - thương mại đặc biệt Lao Bảo tạo lập được hệ thống cơ sở hạ tầng khá đồng bộ tại khu vực gồm: Hệ thống đường giao thông, cấp điện, cấp nước, thoát nước mặt. Hệ thống cơ sở hạ tầng xã hội gồm: Trường học, bệnh viện, sân vận động, nhà thi đấu, nhà văn hóa cộng đồng, đài phát thanh truyền hình, công viên, khu tái định cư. Hệ thống cơ sở hạ tầng dịch vụ công cộng gồm: Bưu điện, khách sạn, nhà hàng, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ... đã lần lượt được đầu tư xây dựng, đưa vào khai thác sử dụng, đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nhà đầu tư và đời sống dân sinh tại khu vực.

Trên cơ sở Văn bản lựa chọn tập trung đầu tư Khu kinh tế cửa khẩu của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Quảng Trị đã triển khai các bước công việc theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban quản lý kinh tế tỉnh Quảng Trị đã tổ chức buổi làm việc với các đơn vị liên quan, bao gồm: Sở Giao thông, Sở Xây dựng, UBND huyện Hướng Hóa, Cục Hải Quan và Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị để thống nhất danh mục các dự án đầu tư trung hạn 2021 - 2025 tại Khu kinh tế - thương mại đặc biệt Lao Bảo, đảm bảo phát huy được tiềm năng thế mạnh của khu kinh tế trên cơ sở xây dựng định hướng phát triển trong tương lai.

Theo đó, Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Quảng Trị có báo cáo đề xuất danh mục các dự án đầu tư trung hạn 2021 - 2025 tại Khu kinh tế - thương mại đặc biệt Lao Bảo như: Dự án san nền và hạ tầng kỹ thuật bãi chờ xuất và khu dịch vụ cửa khẩu Lao Bảo, tổng mức dự kiến khoảng 100 tỷ đồng; đề xuất xây dựng Khu phi thuế quan Lao Bảo, dự kiến 365ha cho giai đoạn 1, gồm: Nâng cấp mở rộng 2 tuyến đường kết nối Quốc lộ 9 vào khu phi thuế quan, trên cơ sở tuyến đường Hoàng Diệu, Lê Hồng Phong, thị trấn Lao Bảo… và tuyến T1 Khu tái định cư Lao Bảo – Tân Thành, có tổng mức dự kiến 40 tỷ đồng; Dự án xây dựng hàng rào cứng khu phi thuế quan Lao Bảo, tổng mức dự kiến 150 tỷ đồng; Dự án hệ thống đường giao thông nội bộ khu phi thuế quan Lao Bảo, có tổng mức dự kiến 900 tỷ đồng và Dự án san nền và hệ thống hạ tầng kỹ thuật khu phi thuế quan Lao Bảo, với tổng mức dự kiến 800 tỷ đồng.

Khu kinh tế - thương mại đặc biệt Lao Bảo nằm trên trục hành lang kinh tế Đông -Tây EWEC với trục đường ngắn nhất, thuận lợi nhất đảm bảo giao thông liên tục từ nội địa Việt Nam đến Savannakhet, Mục Đa Hán với khoảng 240km để mở rộng giao lưu hàng hóa, xuất nhập khẩu, hoạt động du lịch, dịch vụ với các nước khác trong khu vực. Cùng với việc được lựa chọn khu vực trọng điểm đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025, Khu kinh tế - thương mại đặc biệt Lao Bảo tiếp tục đón nhận thêm những cơ hội “vàng”. Để biến những lợi thế, cơ hội đó thành đòn bẩy phát triển kinh tế của địa phương hay không thì phải còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, đặc biệt do điều hành của chính quyền địa phương, cơ quan quản lý trực tiếp...

Hữu Tiến

 

Các tin khác