Chi tiết tin - Quảng Trị
Sức ép hoạt động xây dựng
- Nhà ở: Diện tích sàn xây dựng nhà ở từ năm 2015 đến 2019 được 3.876.277 m2, diện tích sàn nhà ở bình quân tăng từ 19,2 m2/người lên 20,3 m2/người, tỷ lệ nhà kiên cố tăng từ 96% lên 99,47% [22]. Trong đó, năm 2015, hoạt động xây dựng các công trình nhà ở diễn ra mạnh nhất, được 821.778 m2. Năm 2016 - 2018, hoạt động xây dựng các công trình nhà ở phân theo loại nhà (nhà ở nhỏ lẻ, dưới 4 tầng) có xu hướng giảm. So với giai đoạn 2010 - 2014, tổng sàn xây dựng nhà ở tương đối ổn định qua các năm (3.891.847 m2), diện tích nhà ở xây dựng mới tập trung chủ yếu là ở khu vực đô thị, đặc biệt là ở thành phố Đông Hà, thị xã Quảng Trị, thị trấn Lao Bảo và thị trấn Khe Sanh - huyện Hướng Hóa.
- KKT/KCN/CCN: Đến năm 2019, trên địa bàn tỉnh đầu tư xây dựng và đi vào hoạt động 2 KKT với tổng diện tích 23.897 ha với diện tích đất CN đã cho thuê 206,05 ha, 03 KCN với tổng diện tích 756,24 ha với diện tích đất CN đã cho thuê 526,74 ha, 17 CCN với tổng diện tích 527,5 ha với diện tích đất CN đã cho thuê 112,02 ha.
- Cầu, đường: Trong giai đoạn 2015 - 2019, số km cầu được xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo là 3,762 km, đạt mức trung bình hơn 0,75 km/năm (cao nhất năm 2019 là 2,003 km và thấp nhất năm 2015 là 0,491 km). Số km đường được xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo là 225,9 km, tăng từ 35,271 km năm 2015 lên 72,595 km vào năm 2019 [22].
- Trong thời gian qua, đã đầu tư xây dựng các khu đô thị, khu dân cư mới như khu đô thị Nam Đông Hà, khu đô thị Bắc sông Hiếu, khu đô thị Võ Thị Sáu,… Các công trình về thoát nước, thu gom nước thải như hệ thống thu gom nước thải của hồ Đại An, hồ Nguyễn Huệ, hồ Nam Hào. Hệ thống thu gom, xử lý nước thải đô thị thành phố Đông Hà và thị xã Quảng Trị. Xây dựng các đoạn kè chống xói lở hai bên bờ sông Hiếu, sông Thạch Hãn, sông Vĩnh Phước, sông Ô Lâu, ...
Hoạt động xây dựng phát triển trong những năm vừa qua đã đóng góp tích cực vào sự phát triển KT-XH của địa phương cũng như đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của hoạt động giao thông vận tải trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, trong quá trình giải phóng mặt bằng, thi công xây dựng đã tạo ra các sức ép lên các thành phần môi trường tiếp nhận.
- Quá trình giải phóng mặt bằng làm thu hẹp diện tích đất, phá vỡ cảnh quan môi trường và làm suy giảm môi trường sống của các loài động thực vật.
- Hoạt động vận chuyển nguyên vật liệu (cát, đá, xi măng) và thi công xây dựng phát sinh tiếng bụi, khí thải từ các phương tiện giao thông và máy móc, thiết bị tại công trường gây ảnh hưởng đến người tham gia giao thông, các hộ dân sống dọc trên tuyến đường vận chuyển và các hộ dân sống lân cận khu vực công trình.
- Đáng quan tâm là tiếng ồn và độ rung phát sinh từ hoạt động của các thiết bị, máy phục vụ cho quá trình thi công xây dựng ảnh hưởng đến khu vực dân cư lân cận. Cường độ ồn cao sẽ tác động đến sức khỏe như mất ngủ, mệt mỏi, tâm lý khó của người dân. Độ rung mạnh có khả năng làm nứt nẻ, hư hỏng các công trình công cộng, nhà cửa, tường rào của người dân (đã xây dựng từ lâu và bị xuống cấp).
- Nước mưa chảy tràn qua khu vực thi công gây ảnh hưởng đến chất lượng môi trường nước mặt khu vực lân cận.
Tuy nhiên, các tác động này chỉ mang tính chất cục bộ, chỉ kéo dài trong khoảng thời gian thi công, nguồn phát sinh sẽ kết thúc khi công trình hoàn thiện. Bên cạnh đó hoạt động xây dựng, nâng cấp, cải tạo cơ sở hạ tầng trên địa bàn Tỉnh trong những năm qua thấp hơn mặt bằng chung của cả nước nên tác động ảnh hưởng chưa thực sự lớn.
- Sức ép hoạt động phát triển năng lượng (30/11/2020)
- Sức ép hoạt động giao thông vận tải (30/11/2020)
- Sức ép hoạt động nông - lâm nghiệp và thủy sản (30/11/2020)
- Sức ép hoạt động du lịch, dịch vụ, kinh doanh, thương mại và xuất nhập khẩu (30/11/2020)
- Tổng quan đặc điểm điều kiện tự nhiên (30/11/2020)
- Tình hình phát triển kinh tế - xã hội (30/11/2020)
- Mục tiêu thực hiện (30/11/2020)
- Phạm vi thực hiện (30/11/2020)