Tình hình phát triển kinh tế - xã hội

16:11, Thứ Hai, 30-11-2020

1.2.1. Tình hình phát triển kinh tế

Trong những năm qua, nền kinh tế tỉnh Quảng Trị có xu hướng phát triển và tăng trưởng rõ rệt. Tổng sản phẩm (GRDP) theo giá thực tế trên địa bàn tỉnh liên tục tăng theo các năm, năm 2019 đạt 31.657.320 triệu đồng tăng 46,6% so với năm 2015 (21.588.970 triệu đồng).

Tỉ lệ tăng trưởng GRDP trung bình năm trong giai đoạn 2015 - 2019 đạt trên 7,12%, riêng năm 2016 tỉ lệ tăng trưởng giảm (đạt 6,39%). Năm 2019 là năm tăng trưởng khởi sắc nhất trong giai đoạn này, tổng sản phẩm trong tỉnh năm 2019 theo giá so sánh năm 2010 đạt 19.166.806 triệu đồng, tăng 7,91%, cao nhất trong giai đoạn 2015 - 2019 và cao hơn nhiều so với bình quân chung cả nước, trong mức tăng trưởng chung, khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 5,10%, khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 13,89%, khu vực dịch vụ tăng 6,35% (so với năm 2018).

Biểu đồ 1.2.1.1. Giá trị sản xuất phân theo khu vực kinh tế giai đoạn 2015 - 2019

Cơ cấu kinh tế của tỉnh có sự chuyển dịch đúng hướng, phù hợp với xu thế chung của cả nước, tăng dần tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và dịch vụ, giảm dần tỷ trọng nông - lâm - thủy sản. Trong đó, ngành dịch vụ có vai trò ngày càng quan trọng và tăng nhanh về tỷ trọng trong cơ cấu kinh tế. Tỷ trọng ngành dịch vụ tăng từ 38,8% năm 2014 lên 50,56% năm 2017 và giảm nhẹ vào năm 2019 (49,6%). Ngành công nghiệp - xây dựng tăng từ 21,01% năm 2015 lên 24,7% năm 2019. Ngược lại, khu vực nông - lâm - thủy sản tăng từ 23,5% năm 2014 lên 25,53% năm 2015 sau đó giảm liên tục xuống 21,11%  năm 2019.

Tỷ lệ tăng trưởng GRDP bình quân đầu người tăng 1,3 lần, từ năm 2015 (10,6%) đến năm 2019 (13,5%), GRDP bình quân đầu người năm 2019 đạt 50 triệu đồng, cao gấp 1,7 so với năm 2014 (29,4 triệu đồng). Sự tăng trưởng GRDP và tăng trưởng kinh tế là bằng chứng về sự phát triển KT-XH của tỉnh trong nhiều năm qua. Điều này đã giúp ổn định kinh tế của địa phương, góp phần cải thiện và nâng cao đời sống của nhân dân.

a. Phát triển công nghiệp

Trong giai đoạn 2015 - 2019, chỉ số sản xuất công nghiệp trung bình tăng 11,9%/năm. Tổng sản phẩm GRDP trên địa bàn theo giá hiện hành phân theo khu vực công nghiệp vào năm 2019 đạt 4.259.126 triệu đồng, chiếm 13,45% tổng sản phẩm trên địa bàn theo giá hiện hành phân theo khu vực kinh tế của tỉnh (tăng 1.975.291 triệu đồng). So sánh với giai đoạn 2010 - 2014, tổng sản phẩm GRDP trên địa bàn theo giá hiện hành phân theo khu vực công nghiệp trong giai đoạn 2015 - 2019 tăng 414.596 triệu đồng.

b. Phát triển xây dựng

Trong giai đoạn 2015 - 2019, chỉ số phát triển xây dựng trung bình tăng 12%/năm. Vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn cũng như giá trị sản xuất xây dựng năm 2019 tăng cao so với các năm trước, giá trị sản xuất ngành xây dựng đạt 3.556.112 triệu đồng (tăng 1.304.337 triệu đồng), chiếm 11,24% tổng giá trị sản xuất của tỉnh [5]. So sánh với giai đoạn 2010 - 2014, tổng sản phẩm GRDP trên địa bàn theo giá hiện hành phân theo khu vực xây dựng trong giai đoạn 2015 - 2019 giảm 511.426 triệu đồng.

c. Phát triển năng lượng

Trong giai đoạn 2015 - 2019, tổng số dự án thủy điện, điện gió, điện mặt trời trên địa bàn tỉnh đã đi vào hoạt động, được quy hoạch và bổ sung quy hoạch là 119 Dự án. Trong đó: Số lượng dự án đã đi vào hoạt động là 13 (10 dự án thủy điện tổng công suất 114,5 MW; 02 dự án điện gió tổng công suất 60 MW; 01 dự án điện mặt trời tổng công suất 49,5 MWp). Số lượng dự án đã được quy hoạch là 38 (07 dự án thủy điện tổng công suất 82 MW; 29 dự án điện gió tổng công suất 1.117 MW; 02 dự án điện mặt trời tổng công suất 100 MWp). Số lượng dự án đã trình Bộ Công Thương phê duyệt bổ sung quy hoạch là 68 (54 dự án điện gió tổng công suất 1.117 MW; 14 dự án điện mặt trời tổng công suất 100 MWp) .

d. Phát triển giao thông vận tải

Giai đoạn năm 2015 - 2019, hoạt động kinh doanh vận tải trên địa bàn tỉnh duy trì được tốc độ tăng trưởng khá. Doanh thu vận tải năm 2019 đạt 1.696 tỷ đồng, tăng 59,3%, số lượt hành khách luân chuyển đạt 700,7 triệu người.km, tăng 29,3%; Khối lượng hàng hóa luân chuyển đạt 736 triệu tấn.km, tăng 28,3% [5]. So sánh với giai đoạn 2010 - 2014, doanh thu vận tải và khối lượng hàng hóa luân chuyển giai đoạn 2015 - 2019 tăng cao hơn lần lượt là 171.209 triệu đồng và 15.677 triệu đồng. Số lượt hành khách luân chuyển trong giai đoạn 2010 -2014 giảm 116.448 triệu đồng.

e. Phát triển nông - lâm nghiệp và thủy sản

Năm 2019, tổng sản phẩm GRDP trên địa bàn tỉnh theo giá hiện hành phân theo khu vực nông - lâm nghiệp - thủy sản đạt 6.681.276 triệu đồng (tăng 21,2% so với năm 2015). So sánh với giai đoạn 2010 - 2014, tổng sản phẩm GRDP trên địa bàn tỉnh theo giá hiện hành phân theo khu vực nông - lâm nghiệp - thủy sản trong giai đoạn 2015 - 2019 giảm 269.584 triệu đồng. Tỷ trọng khu vực nông - lâm nghiệp - thủy sản trong cơ cấu kinh tế của tỉnh tăng từ 23,5% năm 2014 lên 25,53% năm 2015 sau đó giảm liên tục xuống 21,11%  năm 2019 [5].

f. Hoạt động y tế

Hiện nay, tỉnh Quảng Trị có 5 bệnh viện, 10 trung tâm y tế và 141 trạm xá. Trong giai đoạn 2015 - 2019, số lượng trung tâm y tế và trạm xá ổn định qua từng năm, tương ứng theo số lượng xã, phường huyện, thị, thành phố trên địa bàn tỉnh [22].

Biểu đồ 1.2.1.2. Số lượng bệnh viện, trung tâm y tế, trạm xá giai đoạn 2015 - 2019

Giai đoạn 2015 - 2019, số giường bệnh tăng 375 giường từ 1650 giường (năm 2015) đến 2025 giường (năm 2019), tỷ lệ giường bệnh/1 vạn dân có sự gia tăng từ 26,6 giường bệnh/1 vạn dân (năm 2015) đến 32 giường bệnh/1 vạn dân (năm 2019), số bác sĩ bình quân/1 vạn dân tăng từ 8,0 bác sỹ/1 vạn dân (năm 2015) lên 9,8 bác sỹ/1 vạn dân (năm 2019). So sánh với giai đoạn 2010 - 2014, tổng số lượng giường bệnh  giảm 2980 giường, tỷ lệ giường bệnh/1 vạn dân tăng 1,8 giường và tỷ lệ bác sĩ bình quân/1 vạn dân giảm 0,3 bác sỹ vào giai đoạn 2015 - 2019.

Số lượng khách du lịch trong nước và quốc tế tăng 29% (hay 1,3 lần) từ năm 2015 (1.615.000 lượt khách) đến năm 2019 (2.085.000 lượt khách), trong đó lượt khách du lịch trong nước tăng 34% [22]. So sánh với giai đoạn 2010 - 2014, số lượt khách du lịch trong nước và quốc tế tăng lần lượt gấp 4,6 lần và 6,0 lần vào giai đoạn 2015  - 2019.

1.2.2. Tình hình xã hội

a. Bối cảnh xã hội trong nước và tỉnh Quảng Trị

- Bối cảnh trong nước:

Trong giai đoạn 2015 - 2019, kế hoạch phát triển KT-XH nước ta diễn ra trong bối cảnh tình hình kinh tế, chính trị thế giới đang diễn biến phức tạp và đối mặt với không ít khó khăn: Thời tiết diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng cây trồng; Ngành chăn nuôi gặp khó khăn với dịch tả lợn châu Phi, lở mồm long móng; Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực giảm; Giải ngân vốn đầu tư công không đạt kế hoạch,... .

Trước tình hình đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt các Bộ, ngành và địa phương tập trung thực hiện đồng bộ, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp tại các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ. Nhờ đó, tình hình KT-XH tiếp tục chuyển biến tích cực, đạt nhiều kết quả nổi bật: Tăng trưởng kinh tế năm 2019 đạt kết quả ấn tượng với tốc độ tăng 7,02%. Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,90%, đóng góp 50,4%; Khu vực dịch vụ tăng 7,3%, đóng góp 45%; Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,01%, đóng góp 4,6% vào mức tăng chung. Trên góc độ sử dụng GDP năm 2019, tiêu dùng cuối cùng tăng 7,23% so với năm 2018; Tích lũy tài sản tăng 7,91%; Xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 6,71%; Nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 8,35%. Năng suất lao động của toàn nền kinh tế theo giá hiện hành năm 2019 ước tính đạt 110,4 triệu đồng/lao động (tương đương 4.791 USD/lao động, tăng 272 USD so với năm 2018); Theo giá so sánh, năng suất lao động tăng 6,2% do lực lượng lao động được bổ sung và số lao động có việc làm năm 2019 tăng cao [2].

- Tỉnh Quảng Trị:

Với bối cảnh tình hình KT-XH trên thế giới cũng như trong nước, tỉnh Quảng Trị cũng phải đối mặt với những khó khăn: Giá một số nông sản chủ lực bị xuống thấp, dịch bệnh, hạn hán đã ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng các loại cây trồng, vật nuôi; Diễn biến khó lường của BĐKH gây ra nhiều tác động tiêu cực; ... Tuy gặp phải nhiều khó khăn, thách thức nhưng Quảng Trị đã tạo ra những động lực mới cho quá trình phát triển và đạt được nhiều thành tựu KT-XH quan trọng.

Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) năm 2019 ước tính tăng 7,91% cao nhất trong giai đoạn (2015 - 2019) và cao hơn nhiều so với bình quân chung cả nước. Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của toàn tỉnh là 350.599 người, chiếm 55,35% dân số. Tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh năm 2019 là 8,08%, giảm 7,35% (so với năm 2015). Xét tỉ lệ thất nghiệp giai đoạn trong 2010 - 2014 cho thấy, ở thành thị có xu hướng giảm từ 5,09% (năm 2010) xuống 3,91% (năm 2014). Tuy nhiên từ 2015 đến 2019 thì có xu hướng tăng nhẹ từ 5,89% (năm 2015) lên 5,96% (năm 2019) [5].

Biểu đồ 1.2.2.1. Tỷ lệ lao động 15 tuổi trở lên đang làm việc trong nền kinh tế

đã qua đào tạo giai đoạn 2015 - 2019

Biểu đồ 1.2.2.2. Tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2015 - 2019

b. Dân số và vấn đề di cư

Dân số trung bình ở tỉnh năm 2019633.440 người, tăng 2,51% so với năm 2015. Tốc độ dân số tăng bình quân hàng năm trong giai đoạn 2015 - 2019 đạt 0,62%, có xu hướng tăng nhẹ so với giai đoạn 2010 - 2014 (0,61%). Năm 2019, mật độ dân số Quảng Trị là 134 người/km2 thấp hơn nhiều so với mật độ dân số trung bình của Việt Nam (theo kết quả Tổng điều tra dân số 2019, mật độ dân số của Việt Nam là 290 người/km2); Phân bố dân cư ở tỉnh Quảng Trị không đồng đều giữa các vùng (cao nhất tại thành phố Đông Hà với 1.316 người/km2, thấp nhất tại Đakrông với 35 người/km2) [5].

Bảng 1.2.2.1. Dân số trung bình ở tỉnh Quảng Trị trong giai đoạn 2015 - 2019

Năm

2015

2016

2017

2018

2019

Tổng số (Nghìn người)

617.948

621.598

625.372

629.734

633.440

Thành thị (Nghìn người)

183.925

186.905

189.964

193.247

196.372

Nông thôn (Nghìn người)

434.023

434.693

435.408

436.487

437.068

Trong 5 năm qua, dân số đô thị và nông thôn ở tỉnh Quảng Trị có xu hướng gia tăng (đô thị tăng 1,65 %/năm; nông thôn là 0,17 %/năm). Có thể nhận thấy mức độ tăng dân số đô thị của tỉnh Quảng Trị cao gấp 4 lần so với nông thôn. Điều này thể hiện mức độ đô thị hóa của tỉnh Quảng Trị ngày một tăng, xu thế người dân đang tập trung tìm kiếm công việc tại các đô thị lớn.

Biểu đồ 1.2.2.3. Cơ cấu dân số ở tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2015 - 2019

c. Phát triển đô thị

Đến nay, tỉnh Quảng Trị có tổng số 13 đô thị, bao gồm: 01 đô thị loại III, 01 đô thị loại IV và 11 đô thị loại V, tốc độ đô thị hoá trung bình đạt 12,2%, trong giai đoạn 2015 - 2019 tỷ lệ đô thị hoá tăng từ 20,8% lên 30,9%. Các khu đô thị, khu dân cư mới như khu đô thị Nam Đông Hà, khu đô thị Bắc sông Hiếu, khu đô thị Võ Thị Sáu và các công trình giao thông quan trọng được đầu tư xây dựng, hệ thống vận tải hành khách công cộng được đưa vào sử dụng và đạt hiệu quả cao.

Tỷ lệ dân số ở đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung tăng 9% trong giai đoạn 2015 - 2019 tăng, từ 86% năm 2015 lên 95% năm 2019. So với giai đoạn 2010 - 2014 (80 - 84%), tỷ lệ dân số ở đô thị được cung cấp nước sạch tăng 6 - 11% vào giai đoạn 2015 - 2019 [5].

Trong giai đoạn 2015 - 2019, tổng lượng xăng, dầu tiêu thụ lần lượt là 266.055,6 m3 và 560.832,4 m3. Cụ thể: Lượng tiêu thụ xăng tăng 42,63%, từ 44.854,7 m3 năm 2015 lên 63.977,6 m3 năm 2019; Lượng tiêu thụ dầu tăng 47,83%, từ 88.254,1 m3 năm 2015 lên 130.467,6 m3 năm 2019.

1.2.3. Vấn đề hội nhập quốc tế

Ngày 05/11/2018, UBND tỉnh Quảng Trị đã ra Quyết định số 2564/QĐ-UBND ban hành Kế hoạch triển khai Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 04/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ về Đẩy mạnh Hội nhập kinh tế quốc tế theo hướng hiệu lực và hiệu quả hơn. Trong đó, tiếp tục triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ đề ra tại Quyết định số 3537/QĐ-UBND ngày 30/12/2016 Ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 31/NQ-CP ngày 13/5/2014 của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 10/4/2013 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế, Quyết định số 2967/QĐ-UBND ngày 31/10/2017 Ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 25/7/2017 của Tỉnh ủy Quảng Trị về tiếp tục đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế gắn với thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 05/11/2016 của BCH Trung ương Đảng khóa XII về thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

Trong những năm qua, song song việc hợp tác toàn diện với Lào, tỉnh Quảng Trị cũng đã đặc biệt coi trọng việc hợp tác với các nước, tổ chức trên toàn thế giới.

- Đối với các khoản viện trợ phi Chính phủ nước ngoài (NGO): Hiện nay có trên 50 khoản viện trợ phi Chính phủ nước ngoài (NGO) đang triển khai thực hiện, đều được Bộ Ngoại giao cấp giấy đăng ký hoạt động theo quy định. Riêng năm 2019, tỉnh Quảng Trị đã vận động được 29 khoản viện trợ NGO với tổng giá trị cam kết 5,45 triệu USD, vốn giải ngân các dự án NGO năm 2019 ước đạt 16,25 triệu USD.

- Đối với lĩnh vực ODA: Trong năm 2019, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có 21 dự án ODA được bố trí vốn thực hiện với tổng vốn: 527,645 tỷ đồng (vốn đối ứng: 139,274 tỷ đồng, vốn nước ngoài: 388,371 tỷ đồng); Có 01 dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương dầu tư với tổng vốn đầu tư: 151,155 tỷ đồng; 01 dự án được phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư với tổng vốn dầu tư: 2.446,067 tỷ đồng; 01 dự án được phê duyệt điều chỉnh dự án đầu tư với tổng vốn đầu tư: 491,112 triệu đồng; 01 được ký kết Hiệp định vay với các nhà tài trợ.

- Đối với lĩnh vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI): Hiện nay, toàn tỉnh có 15 dự án FDI còn hiệu lực hoạt động với tổng vốn đăng ký đầu tư là 66,65 triệu USD. Riêng năm 2019, vốn đầu tư thực hiện các dự án FDI ước đạt 2,20 triệu USD triệu USD; Doanh thu đạt 47,79 triệu USD, giá trị xuất khẩu đạt 29,30 triệu USD, giải quyết việc làm thường xuyên cho 1.909 lao động tại địa phương và nộp ngân sách 2,14 triệu USD. [2].

Bên cạnh đó, lãnh đạo tỉnh Quảng Trị đã chủ động, tích cực tham gia các Hội nghị, gặp gỡ bên lề để xúc tiến, kêu gọi đầu tư trong khuôn khổ Chương trình “Gặp gỡ Hoa Kỳ”, Chương trình “Gặp gỡ Nhật Bản”, Gặp gỡ Vùng Kansai với các tỉnh miền Trung Việt Nam, Hội nghị Phát triển du lịch miền Trung vả Tây Nguyên, Diễn đàn Phát triển kinh tế miền Trung, Diễn đàn Phát triển kinh tế vùng Bắc Trung Bộ; Hội nghị xúc tiến đầu tư, thương mại tại Hoa Kỳ. Tổ chức làm việc với các Tổ chức đầu mối, nhà đầu tư chiến lược nhằm xúc tiến đầu tư vào tỉnh Quảng Trị như: Liên doanh Sembcorp (Singapore), Amata (Thái Lan), và Sumitomo (Nhật Bản); Tập đoàn Gazprom (Nga); Tập đoàn Điện lực Đại Chúng/Thái Lan; Tập đoàn Daewon (Hàn Quôc); Tập đoàn Điện lực quốc tế Thái Lan (Egati); Tập đoàn FLC; Tập đoàn Pacific.