Diễn biến chất lượng môi trường không khí

9:12, Thứ Ba, 1-12-2020

4.1.1. Khái quát diễn biến chất lượng môi trường không khí

Để khái quát diễn biến chất lượng môi trường không khí trên địa bàn tỉnh, báo cáo đã sử dụng kết quả quan trắc môi trường không khí từ năm 2015 đến năm 2019 trong Chương trình QTML tỉnh Quảng Trị được thực hiện tại 25 vị trí. Trong đó có 02 vị trí nền, 05 vị trí tại KKT/KCN/CCN và 23 vị trí tại các khu vực đông dân cư, phát triển giao thông đô thị. Kết quả quan trắc cho thấy: Phần lớn các thông số quan trắc nằm trong giới hạn cho phép theo QCVN 05:2013/BNMT (độ bụi và khí độc) và QCVN 26:2010/BTNMT (tiếng ồn). Tuy nhiên, độ bụi và tiếng ồn tại một số vị trí thuộc các tuyến giao thông chính như QL1A, QL9 tương đương và vượt giới hạn cho phép tại một số thời điểm quan trắc. Tất cả các thông số quan trắc chất lượng môi trường không khí tại khu vực KCN/CCN đều thấp hơn nhiều so với các vị trí quan trắc môi trường tại khu vực đô thị, giao thông và đều nằm trong giới hạn cho phép. So với giai đoạn 2010 - 2014, kết quả quan trắc giai đoạn 2015 - 2019 ghi nhận nồng độ khí độc, độ bụi và tiếng ồn khá ổn định, hầu hết các vị trí không có sự đột biến [22].

Hình 4.1. Sơ đồ vị trí quan trắc môi trường không khí  

Hiện trạng và diễn biến của các thông số quan trắc môi trường không khí, cụ thể như sau:

Thông số bụi TSP

Hàm lượng bụi TSP trung bình 01 giờ trong KKXQ giai đoạn 2015 - 2019 tại khu vực đô thị, giao thông dao động trong khoảng 187 - 264 µg/m3 và tại khu vực KCN/CCN dao động trong khoảng 161 - 218 µg/m3, nằm trong giới hạn cho phép theo QCVN 05:2013/BTNMT. Hàm lượng bụi TSP trong KKXQ tại hai điểm nền thấp hơn so với các điểm tác động và có xu hướng tăng từ năm 2015 đến 2019. Năm 2019, hàm lượng bụi TSP ở một số điểm tương đương với QCVN 05:2013/BTNMT.

Khung 4.1.1. Diễn biến hàm lượng TSP trung bình trong không khí

so sánh với giai đoạn 2010 - 2014

So với giai đoạn 2010 - 2014, hàm lượng bụi TSP trung bình trong không khí trong giai đoạn 2015 - 2019 gia tăng từ 19 - 33%, (hàm lượng bụi TSP trung bình trong không khí giai đoạn 2010 - 2014 dao động trong khoảng 100 - 224 µg/m3 [17]).

Hàm lượng bụi TSP giai đoạn 2015 - 2019 có chiều hướng tăng dần tại phần lớn các vị trí quan trắc, chủ yếu là tuyến QL1A đi qua các khu vực thị trấn Ái Tử, thị xã Quảng Trị, thị trấn Hồ Xá, thị trấn Gio Linh, thị trấn Cam Lộ. Nguyên nhân chính là do mật độ giao thông lớn tại các tuyến QL1A, QL9 và các hoạt động xây dựng hạ tầng đô thị, KCN/CCN kết hợp thời tiết khô nóng, độ ẩm trong không khí thấp từ tháng 3 đến tháng 9 nên các hạt bụi có tính kết dính yếu, dễ bị cuốn vào không khí là nguyên nhân chính làm tăng hàm lượng bụi TSP trong không khí xung quanh (KKXQ), đặc biệt là vào các tháng mùa khô.

Biểu đồ 4.1.1. Hàm lượng bụi TSP trung bình trong không khí giai đoạn 2015 - 2019

Thông số SO2

Hàm lượng SO2 trung bình 1 giờ trong KKXQ giai đoạn 2015 - 2019 tại khu vực đô thị, giao thông dao động trong khoảng 22 - 28 µg/m3 và tại khu vực KCN/CCN dao động trong khoảng 20 - 26 µg/m3, nằm trong giới hạn cho phép theo QCVN 05:2013/BTNMT.  Hàm lượng SO2 trong KKXQ tại hai điểm nền thấp hơn so với các điểm tác động. Hàm lượng SO2 tại một số vị trí thuộc các nút giao thông chính như QL9, QL1A và khu vực đô thị cao hơn so với các vị trí khác.

Khung 4.1.2. Diễn biến hàm lượng SO2 trung bình trong không khí

so sánh với giai đoạn 2010 - 2014

So với giai đoạn 2010 - 2014, hàm lượng SO2 trung bình trong không khí giai đoạn 2015 - 2019 có sự biến động không lớn và có xu hướng giảm tại khu vực KCN/CCN, (hàm lượng SO2 trung bình trong không khí giai đoạn 2010 - 2014 dao động trong khoảng 19 - 57 µg/m3 [17]).

Biểu đồ 4.1.2. Hàm lượng SO2 trung bình trong không khí giai đoạn 2015 - 2019

Thông số NO2

Hàm lượng NO2 trung bình 1 giờ trong KKXQ giai đoạn 2015 - 2019 tại khu vực đô thị, giao thông dao động trong khoảng 24 - 31 µg/m3 và tại khu vực KCN/CCN dao động trong khoảng 25 - 30 µg/m3, nằm trong giới hạn cho phép theo QCVN 05:2013/BTNMT. Hàm lượng NO2 trong môi trường KKXQ ở các điểm tác động cao hơn từ 1,2 - 1,8 lần so với điểm nền. Tại các điểm có mật độ giao thông lưu thông lớn, liên tục (thị trấn Ái Tử, thị trấn Gio Linh, thị trấn Hồ Xá, thị trấn Cam Lộ; QL9, QL1A; Chợ Quảng Trị, chợ Đông Hà) có hàm lượng NO2 cao hơn các vị trí khác.

Khung 4.1.3. Diễn biến hàm lượng NO2 trung bình trong không khí

so sánh với giai đoạn 2010 - 2014

So với giai đoạn 2010 - 2014, hàm lượng NO2 trung bình trong không khí giai đoạn 2015 - 2019 trên địa bàn toàn tỉnh tương đối ổn định và có xu hướng giảm tại khu vực KCN/CCN, (hàm lượng NO2 trung bình trong không khí giai đoạn 2010 - 2014 dao động từ 13 - 54 µg/m3 [17]).

Biểu đồ 4.1.3. Hàm lượng NO2 trung bình trong không khí giai đoạn 2015 - 2019

Biểu đồ 4.1.4. Hàm lượng CO trung bình trong không khí giai đoạn 2015 - 2019

Nhận thấy: Trong khu vực khu, cụm công nghiệp, nồng độ khí độc có phần thấp hơn so với các vị trí của khu vực đô thị, giao thông. Mặc dù số lượng các phương tiện giao thông, tỷ lệ lấp đầy các KCN/CCN, dân số toàn tỉnh tăng lên qua từng năm trong giai đoạn từ 2010 - 2019. Tuy nhiên, những nỗ lực trong công tác kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí, đặc biệt là thu gom và xử lý khí thải công nghiệp và phát triển cơ sở hạ tầng khu vực đô thị và nông thôn trong 10 năm qua ở tỉnh Quảng Trị đã có hiệu quả rõ rệt và do đó, đã cải thiện được chất lượng KKXQ. Hàm lượng CO trong KKXQ tương đối ổn định, hàm lượng NO2 và SO2 có xu hướng giảm trong giai đoạn 2015 - 2019 so với giai đoạn 2010 - 2014.

Tiếng ồn tại các vị trí quan trắc trong giai đoạn 2015 - 2019 phần lớn đều nằm trong giới hạn cho phép theo QCVN 26:2010/BTNMT đối với khu vực thông thường từ 6h - 21h.

Riêng tại một số vị trí nằm trên các trục giao thông chính như nút giao nhau giữa QL1A và QL9D (K2), ngã ba về chợ Diên Sanh và QL1A (K14), điểm ngã ba chợ Đông Hà (K3), các vị trí thuộc thị trấn Hồ Xá (K30), thị trấn Gio Linh (K24), thị trấn Cam Lộ (K39), khu vực khai thác đá Tân Lâm (K42) tiếng ồn thường xuyên có kết quả tương đương và vượt giới hạn QCVN 26:2010/BTNMT. Tiếng ồn trong giai đoạn 2015 - 2019 tại khu vực đô thị, giao thông dao động trong khoảng 68,9 - 69,1 dB(A) và tại khu vực KCN/CCN dao động trong khoảng 66,6 - 68,1 µg/m3, [16].

Khung 4.1.5. Diễn biến tiếng ồn trung bình trong không khí

so sánh với giai đoạn 2010 - 2014

So với giai đoạn 2010 - 2014, tiếng ồn trung bình trong không khí tại phần lớn các vị trí đều có xu hướng gia tăng vào giai đoạn 2015 - 2019 do số lượng các phương tiện giao thông lưu thông ngày càng lớn và hoạt động phát triển cơ sở hạ tầng ngày càng nhiều.

Biểu đồ 4.1.5. Tiếng ồn trung bình trong không khí giai đoạn 2015 - 2019

Tại khu vực KCN/CCN tiếng ồn đo được tại các vị trí đều nằm trong giới hạn cho phép theo QCVN 26:2010/BTNMT, thấp hơn so với các vị trí thuộc khu vực đô thị, giao thông. Điều này cho thấy tiếng ồn hiện nay chịu tác động chủ yếu từ các hoạt động giao thông và các hoạt động dân sinh khác là lớn hơn so với hoạt động của các KCN/CCN.

Thông số Độ rung

            Kết quả quan trắc độ rung giai đoạn 2015 - 2019 tại tất cả các vị trí đều nằm trong giới hạn cho phép của QCVN 27:2010/BTNMT, độ rung dao động trong khoảng <60 - 70dB. Tại các vị trí tập trung lớn phương tiện giao thông như tại ngã 3 chợ Đông Hà (K3), điểm giao nhau giữa QL1A và đường Trần Hưng Đạo thuộc thị xã Quảng Trị (K11), thị trấn Hồ Xá (K30), khu vực khai thác đá Cam Lộ (K42) độ rung cao hơn so với các vị trí khác.

Tương tự như tiếng ồn, tại khu vực KCN/CCN độ rung đo được có kết quả thấp hơn so với các vị trí thuộc khu vực đô thị, các tuyến đường giao thông. Điều này cho thấy độ rung hiện nay chịu tác động chủ yếu từ các hoạt động giao thông và các hoạt động dân sinh khác là lớn hơn so với hoạt động của các KCN/CCN.

Khung 4.1.6. Diễn biến độ rung so sánh với giai đoạn 2010 - 2014

            So với giai đoạn 2010 - 2014, độ rung trong giai đoạn 2015 - 2019 tương đối ổn định. Tại các vị trí tập trung mật độ phương tiên giao thông lớn, liên tục, khu vực khai thác đá thì độ rung cao hơn so với các vị trí khác.

Các tin khác