Tăng cường công tác phòng, chống một số bệnh nguy hiểm trên tôm nuôi nước lợ

16:58, Thứ Tư, 21-2-2024

Ngày 21/2/2024, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 836/UBND-KT gửi các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; UBND các huyện, thành phố, thị xã về việc tăng cường công tác phòng, chống một số bệnh nguy hiểm trên tôm nuôi nước lợ.

Thực hiện Công văn số 660/BNN-TY ngày 23/01/2024 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tăng cường phòng, chống một số bệnh nguy hiểm trên tôm nuôi nước lợ; UBND tỉnh Quảng Trị yêu cầu các đơn vị, địa phương triển khai thực hiện các nội dung sau:

Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn:

Tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức về nuôi tôm và phòng, chống dịch bệnh trên tôm cho người nuôi, thả nuôi đúng lịch thời vụ và mật độ; cung cấp số điện thoại các đơn vị chuyên môn để tiếp nhận thông tin, xử lý kịp thời khi xảy ra bệnh, tôm chết, tôm có dấu hiệu bất thường tại cơ sở; kịp thời báo cáo cho cơ quan cấp trên (Chi cục Thú y vùng, Cục Thú y) để phối hợp xử lý với các trường hợp bệnh mới, chưa rõ nguyên nhân, tác nhân;

Tổ chức triển khai và kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh; hướng dẫn chuyên môn về các biện pháp phòng chống dịch; cung ứng kịp thời hoá chất dập dịch, triển khai phương án, chuẩn bị lực lượng sẵn sàng phối hợp với các địa phương triển khai công tác phòng, chống dịch;

Trên cơ sở Kế hoạch số 21/KH-UBND về Quan trắc môi trường nuôi tôm nước lợ trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2021-2025 đã được UBND tỉnh phê duyệt để triển khai nhiệm vụ quan trắc môi trường nuôi tôm nước lợ, khuyến cáo người dân lấy nước phục vụ cho hoạt động nuôi thủy sản;

Chỉ đạo các đơn vị chuyên môn phối hợp với các địa phương chủ động nắm bắt tình hình tôm nuôi bị bệnh, tôm chết bất thường và phối hợp lấy mẫu xét nghiệm để xác định nguyên nhân; tổ chức lấy mẫu giám sát chủ động bệnh thủy sản đầu vụ nuôi để kịp thời đưa ra cảnh báo cho người dân;

Phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan và các địa phương kiểm tra, giám sát công tác vận chuyển giống thủy sản;

Tổ chức Đoàn công tác trực tiếp đến các địa bàn trọng điểm về nuôi tôm, đặc biệt những nơi bị thiệt hại, dịch bệnh hoặc khu vực có nguy cơ cao phát sinh dịch bệnh để kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, giảm thiểu thiệt hại cho người nuôi;

Tổ chức kiểm tra, thanh tra tại cơ sở buôn bán thuốc thú y, cơ sở nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh để kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm trong việc kinh doanh, sử dụng thuốc thú y;

Tổng hợp, cập nhật, báo cáo số liệu dịch bệnh thủy sản kịp thời, chính xác theo đúng quy định và cập nhật đầy đủ trên Hệ thống VAHIS.

Sở Tài chính: Chủ trì, phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu đề xuất UBND tỉnh xem xét, bố trí kinh phí đảm bảo thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh thủy sản kịp thời, đúng quy định.

Sở Thông tin và Truyền thông: Phối hợp, chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng trên địa bàn tỉnh tuyên truyền sâu rộng đến từng cộng đồng dân cư, chính quyền các cấp và các tổ chức đoàn thể về tính chất nguy hiểm của dịch bệnh thủy sản; phổ biến về công tác phòng, chống dịch; dấu hiệu nhận biết động vật mắc bệnh và các biện pháp phòng chống hiệu quả; đặc biệt, tuyên truyền nâng cao ý thức cộng đồng trong việc giám sát, phát hiện, thông báo cho chính quyền cơ sở; cơ quan thú y các trường hợp nghi mắc bệnh để xử lý kịp thời.

Sở Tài nguyên và Môi trường: Tăng cường công tác quan trắc môi trường để kịp thời đưa ra khuyến cáo cho người dân.

Các sở, ngành liên quan: Công an tỉnh, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Cục Hải Quan tỉnh, Cục Quản lý thị trường và các cơ quan, đơn vị liên quan căn cứ phạm vi, chức năng, nhiệm vụ được giao tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm về môi trường, vận chuyển con giống, ngăn chặn việc nhập lậu động vật thủy sản qua các cửa khẩu biên giới, đường mòn, lối mở.

UBND các huyện, thành phố, thị xã:

Căn cứ Quyết định số 2134/QĐ-UBND ngày 13/8/2021 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Kế hoạch phòng, chống một số dịch bệnh nguy hiểm trên thủy sản nuôi trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021-2030; Quyết định số 2320/QĐ-UBND ngày 12/10/2023 của UBND tỉnh về việc sửa đổi, bổ sung một số nội dung tại Kế hoạch phòng, chống một số dịch bệnh nguy hiểm trên thủy sản nuôi trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, giai đoạn 2021-2030; Quyết định số 2684/QĐ-UBND ngày 13/11/2023 về việc phê duyệt Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh thủy sản tỉnh Quảng Trị năm 2024 để xây dựng Kế hoạch cụ thể của địa phương mình và ưu tiên bố trí kinh phí để tổ chức triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh thủy sản kịp thời, có hiệu quả;

Chỉ đạo UBND cấp xã và các cơ quan chuyên môn của huyện triển khai thực hiện tốt Công văn số 660/BNN-TY ngày 23/01/2024 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Công văn số 2197/UBND-KT ngày 12/5/2023 của UBND tỉnh về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh và báo cáo số liệu dịch bệnh trên tôm nuôi nước lợ trên địa bàn tỉnh; chấn chỉnh công tác thống kê, báo cáo số liệu thủy sản bị bệnh, thủy sản chết bất thường và đăng ký kê khai ban đầu đúng quy định;

Tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức, nâng cao nhận thức và ý thức về phòng chống dịch bệnh thủy sản cho người nuôi; đặc biệt về chất lượng con giống, xử lý nguồn nước, lấy mẫu giám sát xét nghiệm bệnh trong cơ sở nuôi, các biện pháp tiêu độc, khử trùng và xử lý khi có dịch bệnh trong cơ sở, xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh;

Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát số lượng, chất lượng con giống thả nuôi; phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý các trường hợp con giống thả nuôi từ tỉnh khác nhập vào không có giấy chứng nhận kiểm kiểm dịch; tổng hợp số lượng các cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản và diện tích thả nuôi tại địa bàn quản lý; chủ động bám sát địa bàn, theo dõi diễn biến tình hình dịch bệnh với phương châm “phòng bệnh chủ động từ sớm, từ xa" để chỉ đạo, hướng dẫn người nuôi, kiểm soát các mối nguy. Xử lý nghiêm các trường hợp tự ý xả thải, giấu thông tin tôm bệnh làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, các Tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh:

Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức, nội dung phù hợp với từng đối tượng về nguy cơ, tác hại của dịch bệnh thủy sản và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh thủy sản để hội viên, người dân tích cực hưởng ứng và tham gia, không để dịch bệnh phát sinh và lây lan ra diện rộng.

Xem chi tiết

Các tin khác