Tăng cường chỉ đạo nhân rộng diện tích sản xuất lúa hữu cơ trên địa bàn tỉnh

15:52, Thứ Hai, 15-1-2024

UBND tỉnh vừa ban hành Công văn số 260/UBND-KT ngày 12/1/2024 gửi các Sở: Nông nghiệp và PTNT, Khoa học Công nghệ; UBND các huyện, thị xã, thành phố về việc tăng cường chỉ đạo nhân rộng diện tích sản xuất lúa hữu cơ trên địa bàn tỉnh.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020-2025; Chương trình hành động số 21-CTHĐ/TU ngày 13/8/2021 của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Trị Lần thứ XVII, trong đó phấn đấu đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh có 1.000 ha lúa hữu cơ, canh tác tự nhiên.

Thời gian qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND các huyện, thành phố, thị xã đã chủ động tham mưu, đề xuất các giải pháp nhằm đẩy mạnh sản xuất lúa hữu cơ, phấn đấu mỗi năm có từ 250-300 ha được chứng nhận hữu cơ, đảm bảo đến năm 2025 hoàn thành chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ XVII đề ra. Tuy nhiên theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và PTNT đến cuối năm 2023, diện tích sản xuất lúa hữu cơ, canh tác tự nhiên trên địa bàn toàn tỉnh mới đạt 346,58 ha, đạt 34,6% chỉ tiêu Nghị quyết đề ra.

Để đảm bảo chỉ tiêu về sản xuất lúa hữu cơ, canh tác tự nhiên đề ra tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ XVII, UBND tỉnh yêu cầu:

UBND các huyện, thị xã, thành phố

Huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong việc tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức cho cán bộ và Nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng và lợi ích của việc phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn theo chuỗi liên kết bền vững trong việc ổn định và nâng cao hiệu quả kinh tế, đặc biệt đối với sức khỏe người sản xuất, người tiêu dùng và môi trường sinh thái; từ đó nhanh chóng thay đổi thói quen, tập quán canh tác, tiêu dùng truyền thống sang thực hành sản xuất, tiêu dùng sản phẩm sạch, an toàn.

Trên cơ sở Phê duyệt đồ án Quy hoạch và xây dựng vùng huyện đến năm 2040, định hướng đến năm 2050 đã được UBND tỉnh phê duyệt, cần rà soát, quy hoạch các vùng sản xuất lúa hữu cơ tập trung với quy mô lớn, đảm bảo điều kiện về nông hóa thổ nhưỡng, hạ tầng cơ sở trong việc tưới tiêu, giao thông vận chuyển; đồng thời có các chính sách đặc thù để khuyến khích dồn ghép, tích tụ ruộng đất, đầu tư cơ sở hạ tầng đảm bảo phục vụ các vùng sản xuất lúa hữu cơ trên địa bàn;

Tăng cường chuyển giao ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ mới vào sản xuất trong đó ưu tiên sử dụng các chế phẩm sinh học, phân bón hữu cơ thay thế cho phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật hóa học; đẩy mạnh ứng dụng các giống lúa mới ngắn ngày, chất lượng cao thích ứng với biến đổi khí hậu và có khả năng kháng sâu bệnh, phù hợp với sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh; tăng cường áp dụng cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất, ứng dụng thiết bị bay không người lái trong chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh... để nâng cao chất lượng sản phẩm và hiệu quả kinh tế cho người sản xuất.

Lồng ghép các nguồn lực để hỗ trợ khuyến khích người sản xuất lúa hữu cơ, chứng nhận tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ, cấp mã số vùng trồng đồng thời đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng các mô hình trình diễn sản xuất lúa hữu cơ theo chuỗi giá trị để giới thiệu, tuyên truyền cho nông dân tham gia học tập và làm theo; những diện tích hỗ trợ sản xuất từ Nghị quyết 162/2021/NQ-HĐND phải gắn với chứng nhận hữu cơ, nếu không chứng nhận sẽ không được hỗ trợ.

Tập trung đổi mới, nâng cao năng lực hoạt động của đội ngũ ban giám đốc HTX/THT nhằm phát huy vai trò dẫn dắt nông dân tổ chức sản xuất và đại diện nông dân liên kết với doanh nghiệp trong tổ chức sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, quảng bá xây dựng thương hiệu nông sản Quảng Trị;

Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp đến đầu tư, liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn.

Đẩy mạnh xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá giới thiệu sản phẩm gạo hữu cơ các địa phương trên các phương tiện nhằm đẩy mạnh tiêu thụ, nâng tầm thương hiệu gạo hữu cơ trên địa bàn.

Tổ chức thực hiện sản xuất lúa hữu cơ, canh tác tự nhiên đảm bảo các chỉ tiêu được phân bổ.

Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan thực hiện các nội dung sau:

Phối hợp và hỗ trợ các địa phương, Doanh nghiệp trong việc lựa chọn, quy hoạch vùng sản xuất lúa hữu cơ đảm bảo điều kiện; tăng cường chuyển giao quy trình, ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ mới vào sản xuất lúa hữu cơ trên địa bàn tỉnh.

Giám sát việc thực hiện các chính sách từ Nghị quyết số 162/2021/NQ- HĐND ngày 09/12/2021 của HĐND tỉnh, đặc biệt là hỗ trợ sản xuất và chứng nhận lúa hữu cơ.

Tiếp tục đồng hành, kết nối, mời gọi các tổ chức, cá nhân liên kết với nông dân để tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn.

Chủ động nhiều kênh thông tin tuyên truyền, nhất là trên trang nông nghiệp của ngành để thông tin kịp thời đến nông dân các mô hình sản xuất lúa hữu cơ, canh tác tự nhiên, các mô hình liên kết sản xuất lúa hữu cơ theo chuỗi giá trị.

Đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất; tăng cường các giải pháp sản xuất nông nghiệp theo các tiêu chuẩn chứng nhận an toàn, VietGap, hữu cơ gắn với mục tiêu phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn bền vững, giảm sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật hóa học trong sản xuất nhằm nâng cao chất lượng gạo và nâng cao giá trị của ngành hàng lúa gạo.

Chủ động nắm bắt thông tin, các văn bản hướng dẫn, khuyến cáo của các bộ, ngành để tổ chức các hoạt động tuyên truyền, định hướng thị trường tại địa phương; hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp trong công tác sản xuất đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kiểm dịch, truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng... đáp ứng các quy định của các thị trường trong và ngoài nước và nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm.

Sở Khoa học và Công nghệ

Ưu tiên bố trí kinh phí nghiên cứu khảo nghiệm để chọn lọc các giống lúa mới, chất lượng cao, thời gian sinh trưởng ngắn, kháng sâu bệnh và thích ứng với biến đổi khí hậu để khuyến cáo các địa phương cơ cấu vào sản xuất lúa hữu cơ.

Triển khai các nhiệm vụ Khoa học và công nghệ nghiên cứu sản xuất các chế phẩm sinh học, sản xuất thử nghiệm các loại phân hữu cơ vi sinh, thuốc bảo vệ thực vật sinh học phục vụ sản xuất lúa theo quy trình VietGap, quy trình hữu cơ Ogarnic,... nhằm tạo sản phẩm lúa gạo sạch.

Hướng dẫn, hỗ trợ đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm hàng hóa "Gạo sạch", "Gạo hữu cơ” Quảng Trị, góp phần thúc đẩy việc xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm gạo của tỉnh; triển khai mã số mã vạch, truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa, kết nối dữ liệu với cổng truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia.

Xem chi tiết

Các tin khác