Tăng cường công tác xử lý vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh

16:59, Thứ Sáu, 26-4-2024

Ngày 25/4/2024, UBND tỉnh ban hành Công văn số 1969/UBND-KT gửi các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài Nguyên và Môi trường; UBND các huyện, thị xã, thành phố; Công ty TNHH MTV quản lý khai thác công trình thủy lợi về việc tăng cường công tác xử lý vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh.

Trong thời gian qua, các sở, ngành liên quan và địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch, thực hiện tuyên truyền, và xử lý vi phạm pháp luật về khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi. Tuy nhiên, công tác xử lý vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh vẫn còn những hạn chế; công tác chỉ đạo xử lý vi phạm chưa quyết liệt; công tác phối hợp của các cơ quan chức năng trong kiểm tra, xử lý vi phạm còn thiếu chặt chẽ; nhiều công trình thủy lợi chưa được cắm mốc chỉ giới bảo vệ; công tác phổ biến, tuyên truyền pháp luật về bảo vệ công trình thủy lợi chưa được quan tâm đúng mức.

Để tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và thực thi pháp luật trong quản lý, xử lý vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, bảo đảm chất lượng nguồn nước và an toàn công trình thủy lợi đặc biệt trong mùa mưa lũ năm 2024 và các năm tiếp theo trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện một số nội dung sau:

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

Chỉ đạo các địa phương, đơn vị quản lý khai thác công trình thủy lợi lập phương án cắm mốc chỉ giới bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn; tổng hợp, xây dựng kế hoạch, trình UBND tỉnh quyết định; phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan, kiểm tra, đánh giá tình hình vi phạm công trình thủy lợi, xây dựng kế hoạch xử lý triệt để các trường hợp vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, xả nước thải trái quy định trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi;

Nghiên cứu tham mưu UBND tỉnh ban hành Quy chế phối hợp trong công tác phòng ngừa, xử lý vi phạm pháp luật về thủy lợi trên địa bàn tỉnh; đôn đốc, kiểm tra kết quả xử lý, tổng hợp báo cáo vi phạm của các địa phương, đơn vị báo cáo UBND tỉnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Thống kê các hoạt động vi phạm tồn đọng, trên cơ sở đó đốc thúc UBND cấp huyện xử lý các vi phạm trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi theo đúng quy định; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra phát hiện, đấu tranh, xử lý vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, gây ô nhiễm chất lượng nước trong công trình thủy lợi;

Sở Tài nguyên và Môi trường:

Rà soát, đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải của công trình thủy lợi, trường hợp công trình thủy lợi không còn khả năng chịu tải thì không cấp giấy phép theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường; phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đơn vị, địa phương liên quan tham mưu, xử lý dứt điểm các trường hợp sử dụng đất, xả nước thải trái quy định trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi.

UBND các huyện, thị xã, thành phố:

Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản liên quan nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân và các cơ quan, tổ chức liên quan trong việc bảo vệ môi trường, chất lượng nước trong công trình thủy lợi, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, tăng cường công tác quản lý việc xả thải và thu gom chất thải trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đánh giá và xử lý các vi phạm trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn được giao quản lý. Giải tỏa, xử lý triệt để hành vi vi phạm pháp luật về khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi; giám sát, kiểm tra trách nhiệm người đứng đầu các đơn vị trong việc thực hiện công tác bảo vệ, xử lý vi phạm công trình thủy lợi trên địa bàn;

Chỉ đạo, tổ chức thực hiện việc thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt của các khu đô thị, khu dân cư nông thôn tập trung, nước thải sản xuất của các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ, sản xuất tiểu thủ công nghiệp, làng nghề trên địa bàn theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trước khi xả thải vào công trình thủy lợi;

Xử lý kiến nghị của cơ quan có liên quan, tổ chức khai thác công trình thủy lợi, UBND cấp xã trong thời gian quy định của pháp luật. Trường hợp vượt quá thẩm quyền xử phạt thì lập hồ sơ báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh xử phạt theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính, pháp luật về đất đai và pháp luật về thủy lợi;

Chỉ đạo UBND cấp xã xử lý kịp thời kiến nghị của các tổ chức khai thác công trình thủy lợi đối với hành vi vi phạm pháp luật trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về thủy lợi; ngăn chặn kịp thời các công trình xây dựng trái phép trên đất hành lang bảo vệ an toàn công trình thủy lợi; buộc người có hành vi vi phạm khôi phục lại tình trạng của đất về hiện trạng ban đầu trước khi vi phạm; trường hợp vượt quá thẩm quyền xử phạt thì lập hồ sơ báo cáo UBND cấp huyện xử phạt theo quy định;

Thống kê, rà soát, phân loại các vi phạm pháp luật về thủy lợi đối với các công trình được giao quản lý; lập kế hoạch, phương án xử lý các vi phạm còn tồn đọng, vi phạm mới phát sinh, báo cáo tình hình và kết quả xử lý về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trước ngày 30/11 hàng năm;

Công ty TNHH MTV quản lý khai thác công trình thủy lợi

Phối hợp với chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan theo dõi, kiểm tra tình hình vi phạm, xử lý khắc phục tình hình vi phạm công trình thủy lợi. Yêu cầu tạm dừng các hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thuỷ lợi khi chưa có giấy phép hoặc giấy phép đã hết thời hạn; kịp thời phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, bao gồm cả hoạt động xả nước thải, đổ rác thải vào công trình thuỷ lợi;

Xây dựng phương án, kế hoạch cắm mốc chỉ giới công trình thủy lợi trình Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh; chủ trì, phối hợp với UBND cấp huyện, UBND cấp xã nơi có công trình trong việc công bố công khai mốc giới hành lang bảo vệ an toàn công trình và cắm mốc giới trên thực địa, bàn giao mốc giới cho UBND cấp xã nơi có công trình để quản lý theo thác theo quy định; trường hợp vượt quá thẩm quyền xử phạt thì lập hồ sơ báo cáo cấp có thẩm quyền xử phạt theo quy định;

Chủ trì, phối hợp với UBND huyện, UBND cấp xã cơ quan quản lý nhà nước về Tài nguyên và Môi trường nơi có công trình rà soát hiện trạng sử dụng đất trong phạm vi hành lang bảo vệ an toàn công trình để kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết theo quy định.

Thống kê, rà soát, phân loại các vi phạm pháp luật về thủy lợi đối với các công trình được giao quản lý; lập kế hoạch, phương án xử lý các vị phạm còn tồn đọng, vi phạm mới phát sinh, báo cáo tình hình và kết quả xử lý về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trước ngày 30/11 hàng năm.

Xem chi tiết

Các tin khác