Nâng cao chất lượng công tác dân vận trong hoạt động hòa giải

11:20, Thứ Ba, 14-7-2020

(Web Quảng Trị) Ngày 13/7/2020, Ban Dân vận Trung ương, Đảng đoàn MTTQ Việt Nam, Ban Cán sự Đảng Tòa án Nhân dân tối cao, Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp đã phối hợp tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc “Công tác dân vận trong hoạt động hòa giải”. Đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Dân vận Trung ương chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Quảng Trị có Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Đăng Quang.

 

Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Quảng Trị

Luật Hòa giải ở cơ sở được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 20/6/2013, có hiệu lực từ ngày 1/1/2014. Qua 6 năm thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở và tổ hòa giải được củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng. Tính đến 31/12/2019, cả nước có 96.896 tổ hòa giải với 601.312 hòa giải viên ở cơ sở. Trong 6 năm thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở, các tổ hòa giải trên cả nước đã hòa giải 875.573 vụ, việc; hòa giải thành 707.945 vụ việc (đạt tỷ lệ 81%). Trung bình mỗi năm, các tổ hòa giải ở cơ sở trên phạm vi cả nước đã tiến hành hòa giải hơn 140.000 vụ việc và có 120.000 vụ việc được hòa giải thành công. Từ đó, góp phần giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, xây dựng gia đình văn hóa, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Số lượng các vụ, việc không phải đưa ra giải quyết tại các cơ quan Nhà nước đã tiết kiệm được thời gian, công sức, tiền của cho nhân dân, giảm tải công việc cho các cơ quan tư pháp và giảm bớt gánh nặng chi tiêu cho ngân sách Nhà nước.

Có được kết quả đó là do các cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng đội ngũ hòa giải viên có uy tín, đạo đức, năng lực. Các cấp, ngành chủ động đẩy mạnh phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước; chú trọng nâng cao trách nhiệm của cấp ủy về vai trò, ý nghĩa của công tác hòa giải ở cơ sở; tiếp tục hoàn thiện chính sách, thể chế cho công tác hòa giải ở cơ sở; tập trung nâng cao năng lực, kỹ năng cho đội ngũ hòa giải viên. Mặt khác, đẩy mạnh sự phối hợp giữa các cấp, ngành trong công tác dân vận, nhất là công tác dân vận chính quyền, dân vận khéo, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã tham gia nhiều ý kiến nhằm nhìn nhận, đánh giá khách quan, toàn diện về kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế của công tác dân vận trong hoạt động hòa giải ở cơ sở và hòa giải đối thoại tại Tòa án; nhận diện bối cảnh mới với những yêu cầu và thách thức mới đặt ra,từ đó đề xuất định hướng, giải pháp hữu hiệu, thiết thực, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở, hòa giải, đối thoại tại Tòa án trong thời gian tới gắn với vai trò của công tác dân vận.

Phát biểu tại hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai nêu bật vai trò, ý nghĩa của công tác dân vận, vai trò của MTTQ Việt Nam trong hoạt động hòa giải ở cơ sở. Đồng chí Trương Thị Mai mong rằng, qua Hội nghị này, hoạt động hoà giải sẽ tiếp tục có bước đổi mới, tiến bộ và hiệu quả hơn, góp phần vào công tác dân vận của Đảng, giảm bớt vụ việc mâu thuẫn trong cộng đồng dân cư, giảm bớt số vụ việc dân sự khiếu kiện hành chính, tranh chấp lao động phải xét xử tại Toà án, giảm bớt gánh nặng cho chính quyền cơ sở, góp phần phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, nêu cao trách nhiệm của các cơ quan tổ chức trong cả hệ thống chính trị, tăng cường tình cảm, sự chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau, mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho nhân dân, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc…

Hồng Hà

Các tin khác