Tổng kết dự án phát triển nông nghiệp giữa Quảng Trị và doanh nghiệp Nhật Bản

15:20, Thứ Tư, 14-4-2021

(Web Quảng Trị) Ngày 13/4/2021, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng chủ trì buổi làm việc với Công ty TNHH Sumimoto Việt Nam về tổng kết dự án phát triển nông nghiệp tại Quảng Trị.

Cuối năm 2017, UBND tỉnh Quảng Trị và Tập đoàn Sumitomo-Nhật Bản đã ký kết hợp tác phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Dự án có tổng kinh phí  gần 3,9 tỷ đồng xây dựng mô hình trồng dưa lưới theo công nghệ Nhật Bản.

Địa điểm thực hiện dự án tại: Thôn Cang Gián, xã Trung Giang, huyện Gio Linh (quy mô 1.000 m2), trong đó diện tích xây dựng nhà màng 500 m2; Phường Đông Lễ, TP Đông Hà (quy mô 1.000 m2), trong đó diện tích xây dựng nhà màng 500 m2; thôn Phương an, xã Triệu Sơn, huyện Triệu Phong (quy mô 500m2), trong đó xây dựng 2 nhà màng với diện tích 360m2, xây dựng 2 nhà vòm với diện tích 120m2.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng: Sau hơn 3 năm triển khai mô hình, với sự hỗ trợ của các chuyên gia Nhật Bản, Quảng Trị đã thực hiện 8 vụ trồng dưa lưới. Đến nay, cơ bản đã lựa chọn được 4 giống dưa lưới phù hợp để khuyến cáo sản xuất trên địa bàn (Thúy Phương, Inthanol, Nagami, Taki, HL21). Sản lượng thu được gần 7 tấn quả.

Chất lượng dưa lưới thu hoạch được đánh giá tốt, ngọt và thơm ngon (độ Brix 12-14), sản phẩm được dán tem đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh đánh giá cao. Sản phẩm được kết nối với Siêu thị Intimex Hà Nội, các siêu thị trên địa bàn tỉnh để tiêu thụ sản phẩm. Giá bình quân 50.000 đồng/kg. Hiệu quả đem lại cho người trồng dưa lãi bình quân 30-40 triệu đồng/500m2, trong 3 -4 tháng (600-800 triệu đồng/ha).

Kết quả đó đã khẳng định điều kiện đất đai, khí hậu Quảng Trị phù hợp để trồng dưa lưới có năng suất chất lượng cao, kể cả trên vùng đất cát trắng ven biển. Bước đầu xác định được một số phương thức trồng dưa lưới phù hợp với điều kiện sinh thái các tiểu vùng trên địa bàn tỉnh: Trồng trong nhà màng, trồng ngoài trời che đơn giản… Đã có trên 120 cán bộ kỹ thuật, nông dân trên địa bàn tỉnh được tập huấn chuyển giao công nghệ trồng dưa lưới theo mô hình này.

Tuy nhiên mô hình trồng dưa lưới vẫn chưa phát huy được hiệu quả tối đa do thiên tai và dịch Covid 19 nên ảnh hưởng đến quá trình hợp tác, chuyển giao công nghệ sản xuất và tiêu thụ sản phẩm dưa lưới. Điều kiện khí hậu khắc nghiệt cũng đã làm hạn chế mùa vụ trồng, tăng chi phí, ảnh hưởng đến chất lượng, sản lượng… Việc tiêu thụ sản phẩm dưa lưới còn gặp nhiều khó khăn khi sản xuất với quy mô lớn, trên diện rộng...

Giám đốc Công ty TNHH Sumitomo Koichi Taniguchi cảm ơn tỉnh Quảng Trị đã tạo điều kiện thuận lợi để công ty triển khai hợp tác phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trong thời gian qua. Đồng thời cho biết, thông qua mô hình đã khẳng định điều kiện đất đai, khí hậu Quảng Trị phù hợp để trồng dưa lưới có năng suất chất lượng cao, kể cả trên vùng đất cát trắng ven biển. Trong thời gian tới, đơn vị sẵn sàng hỗ trợ kết nối với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để tiêu thụ sản phẩm dưa lưới sản xuất trên địa bàn.

Tiến Nhất

Các tin khác