Ủy ban Dân tộc triển khai nhiệm vụ năm 2022

14:56, Thứ Tư, 19-1-2022

(Web Quảng Trị) Ngày 19/1/2022, Ủy ban Dân tộc tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác dân tộc năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022. Đến dự có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến...

Tham dự tại điểm cầu Quảng Trị có Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Đăng Quang; Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng; Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Lê Thị Lan Hương.

Năm 2021, Ủy ban Dân tộc đã tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 4 đề án, nhiệm vụ về triển khai một số nội dung như: Phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia; Phê duyệt danh sách các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù giai đoạn 2021-2025; Phê duyệt danh sách các xã thuộc khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) giai đoạn 2021-2025; Ban hành nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách trung ương hỗ trợ thực hiện Chương trình MTQG. Bên cạnh đó, Ủy ban Dân tộc đã triển khai xây dựng một số Thông tư hướng dẫn thực hiện các dự án và quy trình giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia…

Tuy nhiên, năm 2021, vùng đồng bào DTTS&MN chịu ảnh hưởng rất lớn của thiên tai, dịch bệnh, thời tiết cực đoan. Thiệt hại gây ra đã làm 92 người chết, 79 người bị thương, gần 1.000 căn nhà bị sập hoàn toàn và hư hỏng, hơn 30.000 gia súc, gia cầm bị chết.

Năm 2022, Ủy ban Dân tộc tiếp tục triển khai thực hiện tốt các Chỉ thị, Nghị quyết, kết luận của Đảng, Quốc hội, Chính phủ; các văn bản chỉ đạo, điều hành của Thủ tướng Chính phủ có liên quan đến công tác dân tộc. Tổ chức thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 đến 2025, định kỳ báo cáo Chính phủ kết quả thực hiện Chương trình. Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện và ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện chương trình, chỉ đạo và hướng dẫn các địa phương tổ chức thực hiện đúng tiến độ, hiệu quả.

Tập trung xây dựng các đề án, chính sách dân tộc trong Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ năm 2022; tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các chương trình, chính sách dân tộc bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của chính sách giai đoạn 2021-2025; tăng cường công tác theo dõi, nắm tình hình trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số, kịp thời cung cấp thông tin về công tác dân tộc, nhất là các điểm nóng về an ninh trật tự, thiên tai, dịch bệnh, môi trường; đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch Covid-19…

Tại tỉnh Quảng Trị, năm 2021, thông qua các chương trình, dự án, chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển, xây dựng công trình hạ tầng, an sinh văn hóa xã hội... đã thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội vùng DTTS, cơ cấu kinh tế có sự chuyển biến tích cực theo lợi thế phát triển từng vùng... Theo kết quả rà soát, kinh phí dự kiến thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh hơn 1.700 tỷ đồng. Nhu cầu nguồn vốn đầu tư công năm 2022 mà tỉnh đã đăng ký hơn 468 tỷ đồng.

Tuy nhiên thu nhập bình quân của hộ đồng bào DTTS còn thấp hơn nhiều so với bình quân thu nhập của cả tỉnh. Tỷ lệ người DTTS chiếm 13,1% dân số, nhưng nhân khẩu thuộc hộ nghèo chiếm 78,96% trong tổng số nhân khẩu toàn tỉnh; tỷ lệ hộ nghèo DTTS chiếm 63,41% so với số hộ nghèo toàn tỉnh...

Nhấn mạnh công tác dân tộc là vấn đề chiến lược cơ bản, lâu dài, cấp bách, là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của hệ thống chính trị, phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đề nghị thời gian tới, cơ quan làm công tác dân tộc cần lưu ý một số nhiệm vụ trọng tâm: Tập trung với quyết tâm chính trị cao nhất để triển khai thực hiện có hiệu quả các Chương trình hành động, kế hoạch công tác để cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Kết luận của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp của các địa phương và các văn bản của Đảng, Nhà nước về công tác dân tộc.

Cùng với đó, cơ quan làm công tác dân tộc cần bám sát và nắm bắt tình hình thực tiễn các địa bàn vùng đồng bào DTTS&MN, đặc biệt là về đời sống của người dân, tình hình thiên tai, dịch bệnh, di cư tự phát, các điểm “nóng” về an ninh trật tự; Tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn năm 2045; Tập trung nghiên cứu, tham mưu hoàn thiện thể chế, hệ thống pháp luật về công tác dân tộc; cải cách về cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Dân tộc và tổ chức bộ máy cơ quan quản lý nhà nước thực hiện công tác dân tộc các cấp; Tiếp tục đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, vận động người dân hiểu rõ và làm theo chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tạo sự đồng thuận cao trong cộng đồng, xã hội...

Tiến Nhất

Các tin khác