Tăng cường đối thoại, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp

6:35, Thứ Năm, 20-7-2023

(Cổng TTDT) Ngày 19/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng ban Chỉ đạo Cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ chủ trì phiên họp thứ năm của Ban Chỉ đạo sơ kết công tác CCHC 6 tháng đầu năm, triển khai phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam dự phiên họp tại điểm cầu Quảng Trị.

Các đại biểu tham dự tại điểm cầu Quảng Trị 

6 tháng đầu năm 2023, các bộ, cơ quan ngang bộ đã ban hành 178 văn bản, các địa phương đã ban hành 2.054 văn bản để chỉ đạo, đôn đốc, quán triệt thực hiện tốt các nhiệm vụ CCHC trên từng lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý. Tính đến ngày 21/6/2023, các bộ, ngành trung ương đã hoàn thành 296/845 nhiệm vụ trong kế hoạch CCHC đã đề ra, đạt tỷ lệ 35,03%; UBND các tỉnh, thành phố đã hoàn thành 1.384/3.003 nhiệm vụ, đạt tỷ lệ 46,09% so với kế hoạch đề ra. Việc số hóa trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) được đẩy mạnh. Đến nay đã có 31,16% kết quả giải quyết TTHC được cấp văn bản điện tử có giá trị pháp lý để tái sử dụng; 66,48% hồ sơ TTHC được số hóa qua đó giúp làm giàu dữ liệu của các cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành và hình thành các kho dữ liệu phục vụ giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công.

Việc triển khai thực hiện Đề án 06 có kết quả tích cực, đã tích hợp, cung cấp 25/25 dịch vụ công thiết yếu và 10/28 dịch vụ công trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, hằng năm tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước trên 2.500 tỷ đồng;  63/63 địa phương đã hoàn thành kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Cơ sở Dữ liệu quốc gia về dân cư với Hệ thống thông tin giải quyết TTHC...

Báo cáo của Ban Chỉ đạo nêu rõ những kết quả nổi bật trong 6 lĩnh vực lớn của công tác CCHC: Cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính (TTHC); cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước; cải cách chế độ công vụ; cải cách tài chính công; xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số.

Tại phiên họp, các đại biểu tập trung tham luận làm rõ thêm kết quả đạt được trong công tác CCHC gắn với nhiệm vụ cụ thể của bộ, ngành, địa phương; đồng thời đề xuất các giải pháp nhằm tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả nhiệm vụ CCHC trong thời gian tới.

Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, đẩy mạnh CCHC, tăng cường phân cấp, phân quyền, xây dựng tổ chức bộ máy nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả tiếp tục được Đảng, Nhà nước xác định là một trọng tâm, đột phá chiến lược trong xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN ở nước ta trong giai đoạn mới.

Thủ tướng cho biết, thời gian qua, với sự đoàn kết, quyết tâm, cố gắng, nỗ lực của Chính phủ, các cấp, ngành, địa phương, của các thành viên Ban Chỉ đạo; công tác CCHC tiếp tục được triển khai tích cực, đồng bộ.  Trong đó, công tác cải cách thể chế, cải cách TTHC, tinh giản bộ máy, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh có nhiều tiến bộ. Kết quả đạt được đã đóng góp một phần quan trọng vào sự ổn định, phục hồi, phát triển KTXH của đất nước.

Tuy nhiên Thủ tướng cũng chỉ rõ những tồn tại hạn chế như: TTHC vẫn còn rườm rà, gây khó cho người dân, doanh nghiệp, môi trường kinh doanh chưa thực sự thông thoáng, bộ máy hành chính còn cồng kềnh, kỷ luật, kỷ cương hành chính nhiều nơi còn chưa nghiêm, tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm chưa được xử lý kịp thời… Những tồn tại, hạn chế đó cần sớm khắc phục để mau chóng khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phục hồi, phát triển đất nước trong bối cảnh hiện nay.

Thủ tướng đề nghị thời gian tới các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh việc rà soát, ban hành các giải pháp cụ thể, thiết thực và tạo đột phá mạnh mẽ trong công tác CCHC. Tiếp tục phát huy vai trò và nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ CCHC, coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm và là tiêu chí đánh giá cán bộ. Đổi mới cách làm, tăng cường đối thoại, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Rà soát lại hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, xác định rõ các vấn đề vướng mắc cũng như thẩm quyền, trách nhiệm giải quyết. Tăng cường rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa quy trình, quy định TTHC, điều kiện kinh doanh bảo đảm thực chất, hiệu quả trên cơ sở lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm. Rà soát lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đối với những cá nhân làm chưa làm tốt, còn né tránh, đùn đẩy trách nhiệm thì xử lý nghiêm theo quy định; đối với những cá nhân làm tốt thì kịp thời động viên, khuyến khích, khen thưởng. Tăng cường công tác kiểm tra CCHC theo kế hoạch, đẩy mạnh thanh tra công vụ nhằm nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính...

Hồng Hà

Các tin khác