Ban Chỉ đạo khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh tỉnh Quảng Trị sơ kết giữa kỳ hoạt động giai đoạn 2021-2025

6:49, Thứ Bảy, 9-12-2023

(Cổng TTĐT) Ngày 8/12, Ban Chỉ đạo khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh tỉnh tổ chức hội thảo sơ kết giữa kỳ kế hoạch hoạt động giai đoạn 2021-2025; một số định hướng đến năm 2025 và những đề xuất điều chỉnh về chỉ tiêu triển khai giai đoạn 2024-2025. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam, Trưởng Ban Chỉ đạo khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh tỉnh chủ trì hội thảo. Phó Tổng Giám đốc Trung tâm hành động bom mìn quốc gia Việt Nam Nghiêm Xuân Long; viên chức chính trị quân sự, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam Ashley Bartlett tham dự hội thảo.

Sau 3 năm triển khai Kế hoạch giai đoạn 2021-2025, công tác khắc phục hậu quả bom mìn đã được triển khai có hiệu quả và đạt được một số kết quả đáng ghi nhận.

Giai đoạn 2021-2023 có 6 tổ chức, dự án phi chính phủ nước ngoài (PCPNN) hoạt động trong lĩnh vực khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh với 47 dự án/viện trợ phi dự án PCPNN mới trong lĩnh vực khắc phục hậu quả bom mìn phục vụ nhu cầu phát triển KT-XH. Tổng vốn tài trợ cam kết đến tháng 3/2026 khoảng 57,56 triệu USD, đạt 191,8% so với chỉ tiêu của kế hoạch giai đoạn 2021-2025 của Ban Chỉ đạo.

Về công tác khảo sát phi kỹ thuật và khảo sát kỹ thuật bom chùm, đã hoàn thành tại 690 thôn được phép hoạt động, chiếm 86% tổng số thôn của tỉnh. Diện tích rà phá hiện trường cố định được 18.568 ha; tổng số bom mìn, vật liệu nổ phát hiện và xử lý an toàn trong tất cả các hoạt động bao gồm xử lý lưu động (EOD), rà phá hiện trường khẳng định ô nhiễm (CHA), rà phá hỗ trợ phát triển KT-XH, khảo sát kỹ thuật: 76.873 vật nổ.

Quang cảnh hội thảo

Công tác hỗ trợ nạn nhân (bom mìn và chất độc hóa học) về các chính sách trợ cấp, y tế, giáo dục, văn hóa tinh thần và hỗ trợ phát triển sau rà phá được quan tâm thực hiện hiệu quả.

Các hoạt động lồng ghép khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh vào kế hoạch phát triển KT-XH địa phương; nâng cao năng lực quản lý và điều phối các hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh; thúc đẩy sự tham gia bình đẳng của nữ giới trong hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn được chú trọng.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam nhấn mạnh, mục tiêu của hội thảo nhằm đánh giá những kết quả đạt được của 3 năm thực hiện chương trình hành động giai đoạn 2021-2025; nhận diện những thách thức, khó khăn, những công việc còn tồn động để có các giải pháp điều chỉnh kịp thời, phù hợp nhằm triển khai thực hiện tốt các mục tiêu, chỉ tiêu, kế hoạch mà Ban chỉ đạo tỉnh đã đề ra giúp hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu trong thời gian 2 năm (2024-2025), phù hợp với Kế hoạch thực hiện chương trình hành động quốc gia 2023-2025 của Chính phủ vừa được ban hành.

Bà Ashley Bartlett, viên chức chính trị, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam phát biểu thảo luận tại hội thảo

Hội thảo cũng dành thời gian thảo luận mở về nhu cầu thiết thực của tỉnh Quảng Trị cần cộng đồng quốc tế hỗ trợ, dự kiến nguồn lực và kết quả mong đợi trong công tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh sau năm 2025 để từ đó ban hành các chủ trương, chính sách nhất quán của tỉnh làm cơ sở cho các tổ chức, dự án PCPNN và các đối tác liên quan làm cơ sở hợp tác, triển khai và tiếp tục vận động nhà các tài trợ quốc tế.

Tại hội thảo, đại diện QTMAC đã chia sẻ kết quả triển khai xây dựng tiêu chí “tỉnh an toàn”, triển khai thí điểm Quy trình quản lý chất lượng hoạt động hiện trường khắc phục hậu quả bom mìn, công tác điều phối hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn trên địa bàn tỉnh.

Đại diện Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam; các tổ chức, dự án PCPNN, các thành viên BCĐ tỉnh, các cơ quan, tổ chức, địa phương liên quan thuộc tỉnh cũng đã phát biểu trao đổi, tập trung thảo luận với các nội dung nhận diện những thách thức, khó khăn và các đề xuất, giải pháp để giúp hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu trong giai đoạn 2024-2025.

Phát biểu bế mạc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến, tham luận xây dựng cởi mở tại hội thảo. Các ý kiến phát biểu đã khái quát một cách sinh động những nỗ lực mà các cấp, các ngành, các nhà tài trợ quốc tế và các tổ chức PCPNN đã đồng hành với tỉnh Quảng Trị trong quá trình hợp tác khắc phục hậu quả bom mìn trong thời gian qua và những tham vấn định hướng cho giai đoạn sắp đến.

Các đại biểu tham dự hội thảo chụp hình lưu niệm 

Ban Chỉ đạo khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh tỉnh thống nhất với phương hướng và nhiệm vụ triển khai hoạt động hợp tác của tỉnh với tổ chức, dự án PCPNN hoạt động trong lĩnh vực khắc phục hậu quả bom mìn giai đoạn 2024-2025.

Theo đó, giao Sở Ngoại vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo tiếp tục thực hiện có hiệu quả kế hoạch hoạt động giai đoạn 2021-2025 triển khai Chương trình hành động khắc phục hậu quả bom mìn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2016-2025 và lồng ghép hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn với kế hoạch phát triển KT-XH trung hạn và dài hạn của tỉnh.

Chủ động xây dựng chiến lược, kế hoạch hành động bom mìn giai đoạn mới đến năm 2030 hoặc 2035. Hoàn thiện và triển khai chính thức Quy trình quản lý chất lượng hoạt động hiện trường khắc phục hậu quả bom mìn, vật nổ trên địa bàn tỉnh sau thời gian thực hiện thí điểm. Xúc tiến vận động viện trợ từ các nhà tài trợ quốc tế để hỗ trợ lực lượng quân sự hoàn thành hoạt động khảo sát tại các thôn mới được giới thiệu, hướng tới mục tiêu “tỉnh an toàn”.

Tăng cường xúc tiến vận động viện trợ PCPNN triển khai các hợp phần còn thiếu, còn hạn chế trong mô hình hành động bom mìn của tỉnh. Khẩn trương hoàn thiện bộ tiêu chí “tỉnh an toàn” phù hợp với mục tiêu của Chương trình hành động khắc phục hậu quả bom mìn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2016-2025. Tổ chức xây dựng, triển khai thực hiện các đề án, dự án rà phá bom mìn đảm bảo an toàn cho Nhân dân và phát triển KT-XH.

Giao Bộ CHQS tỉnh tăng cường triển khai hoạt động khảo sát (phi kỹ thuật và kỹ thuật) tại các địa bàn được mở rộng bổ sung. Tiếp tục quản lý, vận hành và phát triển hệ thống quản lý dữ liệu nạn nhân bom mìn, quản lý thông tin hoạt động bom mìn một cách hiệu quả.

Phối hợp chặt chẽ với Trung tâm hành động bom mìn quốc gia Việt Nam và các đối tác liên quan tiếp tục đào tạo nguồn nhân lực để hỗ trợ và đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế và điều phối khắc phục hậu quả chiến tranh trên địa bàn toàn tỉnh.

Đẩy mạnh thử nghiệm và ứng dụng công nghệ mới, hiện đại nhằm nâng cao hiệu quả công tác khắc phục hậu quả bom mìn, đặc biệt là hoạt động rà phá bom mìn, vật nổ trên địa bàn tỉnh.

Chú trọng công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong nhà trường, cộng đồng và xã hội về phòng tránh tai nạn bom mìn, vật liệu nổ sau chiến tranh.

Hồng Hà

Các tin khác