Hội thảo báo cáo kết quả nghiên cứu đề án “Hợp tác triển khai Hành lang kinh tế Quảng Trị - Salavan - Ubon Ratchathani”

7:47, Thứ Tư, 15-5-2024

(Cổng TTĐT) Ngày 14/5/2024, tại thành phố Đông Hà, Sở Ngoại vụ phối hợp với Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững vùng tổ chức hội thảo báo cáo kết quả nghiên cứu đề án “Hợp tác triển khai Hành lang kinh tế Quảng Trị (Việt Nam) - Salavan (Lào) - Ubon Ratchathani (Thái Lan)”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam chủ trì hội thảo.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam phát biểu tại hội thảo 

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam nhấn mạnh: Quảng Trị là địa phương nằm ở trung tâm ngã ba Đông Dương, theo trục dọc tiếp giáp vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và theo trục ngang là điểm đầu tiên tiếp giáp vùng biển Thái Bình Dương trên tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây (EWEC); là địa phương làm cầu nối quan trọng trong chiến lược liên vùng nội địa và liên vùng quốc tế. Ngày 25/6/2014, Chính phủ hai nước Việt Nam và Lào đã chính thức khai trương cặp cửa khẩu quốc tế La Lay (Quảng Trị) - La Lay (Salavan); đây là cửa khẩu quốc tế thứ hai giữa Việt Nam và Lào tại tỉnh Quảng Trị, đồng thời cũng hình thành một tuyến hành lang giao thông song song với EWEC, kết nối Quảng Trị - Salavan - Ubon Ratchathani và mở rộng ra đến các tỉnh Nam Lào và Đông Bắc Thái Lan.

Việc nghiên cứu nhằm phát triển tuyến Hành lang kinh tế Quảng Trị - Salavan - Ubon Ratchathani (PARA-EWEC) được cho là một trong những giải pháp giúp tăng cường kết nối, thắt chặt quan hệ hợp tác hữu nghị cũng như thu hẹp khoảng cách phát triển kinh tế giữa các tỉnh, địa phương, góp phần ổn định an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội. Đối với các doanh nghiệp, tuyến Hành lang kinh tế PARA-EWEC được các nhà đầu tư kỳ vọng sớm được hiện thực hoá vì giúp cho doanh nghiệp có nhiều lựa chọn trong việc giao thương hàng hoá, đặc biệt là rút ngắn khoảng cách xuất khẩu hàng hoá của các doanh nghiệp hoạt động tại vùng Đông Bắc Thái Lan và Nam Lào sang thị trường Đông Bắc Á và Đông Nam Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore; đặc biệt trong bối cảnh sản lượng xuất khẩu than đá từ Lào sang Việt Nam qua cặp cửa khẩu quốc tế La Lay - La Lay ngày càng tăng cao... Đối với người dân, việc phát triển tuyến Hành lang kinh tế PARA-EWEC hứa hẹn sẽ mang lại cơ hội tham gia sâu vào mạng lưới sản xuất, kinh doanh, thuận lợi hoá trong di chuyển, tìm kiếm việc làm, tham quan, du lịch...

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh, việc tổ chức hội thảo có ý nghĩa quan trọng; là cơ hội để các đại biểu cùng nhau thảo luận, phân tích để làm sáng tỏ, sâu sắc thêm các nội dung của đề án “Hợp tác triển khai Hành lang kinh tế Quảng Trị - Salavan - Ubon Ratchathani”.

Quang cảnh hội thảo 

Tại hội thảo, đại diện nhóm nghiên cứu Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững vùng đã báo cáo kết quả nghiên cứu đề án “Hợp tác triển khai hành lang kinh tế Quảng Trị - Salavan - Ubon Ratchathani”. Theo đó, ngoài phần giới thiệu, báo cáo đề án gồm bốn phần chính. Phần I tập trung phân tích về cơ sở khoa học của việc hình thành hành lang kinh tế như các khái niệm, đặc điểm, các yếu tố ảnh hưởng và điều kiện để hình thành hành lang kinh tế. Phần II tập trung phân tích về thực trạng giao thông kết nối dọc tuyến Hành lang PARA-EWEC và trình độ phát triển của các tỉnh, giao thương giữa các địa phương thông qua các cửa khẩu. Đồng thời làm rõ cơ hội và thách thức của việc phát triển hành lang song song trong tương lai. Phần III của đề án trình bày về bối cảnh trong và ngoài nước trong trung hạn và dài hạn có ảnh hưởng tới việc hình thành và phát triển của tuyến hành lang.

Trên cơ sở các phân tích trong các phần I, II, III, phần IV của báo cáo đề án tập trung đưa ra những quan điểm định hướng trong phát triển hành lang. Đặc biệt, đưa các giải pháp, cơ chế chính sách khác nhau về cực tăng trưởng, huy động vốn đầu tư, đào tạo, lao động và tổ chức thực hiện đề án.

Đại biểu phát biểu tham luận tại hội thảo 

Hội thảo đã dành phần lớn thời gian để các đại biểu tập trung thảo luận, phân tích, đánh giá các nội dung đề án. Các ý kiến đều nhấn mạnh tầm quan trọng của Hành lang PARA-EWEC; những cơ hội và thách thức của các địa phương và nhu cầu hợp tác thông qua Hành lang PARA EWEC trong thời gian tới; một số ý kiến nhấn mạnh, để khai thác tốt nhất lợi thế của Hành lang PARA-EWEC cần nâng cấp quy mô từ cấp tỉnh lên cấp quốc gia; đề án cần xác định và làm rõ các cực tăng trưởng, cùng với đó cần có một chiến lược, kế hoạch, lộ trình cụ thể; đẩy mạnh kêu gọi các nhà đầu tư, huy động các nguồn vốn để hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông; tạo chính sách thuận lợi cho người và hàng hóa lưu thông trên PARA-EWEC một cách đồng bộ. Bên cạnh đó, cần cập nhật, bổ sung số liệu mới nhất, đưa ra quan điểm, chiến lược phát triển phù hợp...

Đại biểu phát biểu tham luận tại hội thảo 

Phát biểu kết luận hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam nhấn mạnh: Việc nghiên cứu tuyến giao thông, tuyến hành lang kinh tế mới kết nối các tỉnh Quảng Trị-Salavan-Ubon Ratchathani có ý nghĩa quan trọng trong việc định hướng các chương trình hợp tác giữa tỉnh Quảng Trị với các địa phương của Lào và Thái Lan trong thời gian tới. Nhằm phát huy được các nội dung đã được tập trung nghiên cứu, phân tích và sớm đưa đề án đi vào thực tiễn, có hiệu quả, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam thống nhất với mục tiêu khái quát và cụ thể của đề án là từng bước hình thành Hành lang PARA-EWEC qua đó thúc đẩy phát triển thương mại, du lịch, nông nghiệp, công nghiệp, đô thị, tạo việc làm, tăng thu nhập và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân dọc tuyến hành lang; góp phần bảo đảm bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh lương thực và quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội; tăng cường tình hữu nghị, hợp tác toàn diện, cùng phát triển giữa các địa phương thuộc hành lang nói riêng, giữa ba nước Thái Lan - Lào - Việt Nam nói chung; phấn đấu đến năm 2050, PARA-EWEC là Hành lang có mô hình tổ chức không gian phát triển hiệu quả, bao trùm, bền vững; hình thành được một số vùng sản xuất tập trung, trung tâm kinh tế, đô thị động lực, có mạng lưới kết cấu hạ tầng cơ bản đồng bộ; các khu vực dọc hành lang phát triển hài hoà, bền vững, khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị nhóm nghiên cứu tiếp thu ý kiến tại hội thảo để hoàn thiện đề án mang tính khả thi cao và có thể nâng tầm lên quy mô cấp quốc gia, thu hút sự quan tâm của các nước, các tổ chức quốc tế. Đồng thời cần làm rõ hơn lý do vì sao phải có PARA-EWEC; vai trò của tỉnh Quảng Trị trên tuyến hành lang này như thế nào; phân tích vai trò và lợi ích của các bên khi tham gia đề án này...

Các sở, ngành, địa phương chủ động nghiên cứu cơ chế, hình thức hợp tác khai thác tiềm năng thế mạnh PARA-EWEC. Phối hợp tổ chức các sự kiện giao lưu trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao nhằm giới thiệu, quảng bá văn hóa, du lịch giữa các tỉnh trên hành lang kinh tế này.

Huy động, lồng ghép có hiệu quả các nguồn lực xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, phát huy hiệu quả các huyết mạch giao thông trọng điểm quốc gia đang và sẽ đầu tư đi qua địa bàn tỉnh Quảng Trị.

Hồng Hà

Các tin khác