Quảng Trị kỳ vọng biến 'gió Lào' thành… tài nguyên

15:27, Thứ Năm, 2-9-2021

(PLVN) -  Bao đời nay, vào các tháng hè, miền Trung nước ta, trong đó có Quảng Trị thường chịu ảnh hưởng của những đợt gió Lào khô nóng.

Một “cánh đồng” điện gió phía Tây tỉnh Quảng Trị.

Loại gió bị coi là thiên tai này, nay lại được coi là… tài nguyên. Hàng chục dự án điện gió ở Quảng Trị đã mọc lên, kỳ vọng mỗi năm thu về cho ngân sách vài trăm tỷ đồng.

“Đại công trường” điện gió

Thời gian này, nhiều cung đường ở huyện Hướng Hoá nhộn nhịp những đoàn xe vận chuyển vật liệu, thiết bị triển khai các dự án điện gió. Hướng Hóa thành một đại công trường với không khí khẩn trương, đã dễ dàng nhìn thấy những trụ điện gió sừng sững vươn cao giữa núi rừng. Bức tranh thiên nhiên hiền hòa bao đời với núi đồi nhà sàn nay thêm nét chấm phá những cánh quạt điện gió trắng muốt in trên nền trời xanh.

Theo ông Hà Sĩ Đồng (Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị), ai cũng biết Quảng Trị chịu ảnh hưởng gió Lào khắc nghiệt. Tuy nhiên, tỉnh nhìn nhận đó cũng là tiềm năng rất lớn để phát triển các dự án năng lượng, đặc biệt năng lượng tái tạo. Để biến cái bất lợi thành có lợi, tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, Quảng Trị xác định công nghiệp năng lượng là lĩnh vực đột phá phát triển, là trụ cột chính để phát triển kinh tế.

Với tốc độ gió trung bình đạt từ 6 - 7 m/s, miền Tây Quảng Trị được đánh giá là vùng rất có tiềm năng trong phát triển điện gió. Vùng đất này đã vào “tầm ngắm” nhiều nhà đầu tư phát triển năng lượng.

Quy hoạch điện gió được Bộ Công Thương phê duyệt năm 2015, Quảng Trị chỉ có 4 dự án điện gió với tổng công suất 110MW. Nhưng đến nay, nhờ sự vào cuộc của tỉnh, sự quyết tâm của các nhà đầu tư, toàn tỉnh đã có 31 dự án điện gió được phê duyệt quy hoạch với tổng công suất 1.177,2MW, trong đó 2 dự án công suất 60MW đã đi vào hoạt động; 29 dự án đang triển khai đầu tư. Nếu tính thêm cả 11 dự án đang trong giai đoạn nghiên cứu, khảo sát, lập hồ sơ bổ sung quy hoạch; thì điện gió gần như phủ kín vùng núi non này.

Theo báo cáo vào cuối tháng 8/2021 của tỉnh, trong 29 dự án đang triển khai, có 8 dự án cơ bản hoàn thành lắp đặt tua bin (Gelex 1, 2, 3, Hướng Tân, Tân Linh, Liên Lập, Hướng Linh 7&8); 3 dự hoàn thành đúc móng, dựng trụ tua bin, chuẩn bị lắp cánh (Phong Huy, Phong Liệu, Phong Nguyên); 1 dự án hoàn thành móng tua bin, lắp đặt hoàn thiện 4/12 tua bin (Amaccao Quảng Trị 1); 6 dự án hoàn thành móng trụ tua bin, đang vận chuyển thiết bị về công trường lắp đặt (Hướng Phùng 2, 3, Tài Tâm, Hoàng Hải, Hướng Hiệp 1, Hướng Linh 3); 8 dự án đang giải phóng mặt bằng, triển khai thi công đúc móng (Quảng Trị TNC 1-2, LIG Hướng Hóa 1-2, Tân Hợp, Hải Anh, Hướng Phùng 1, Hướng Linh 4); 3 dự án vừa được tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư ngày 27/7/2021 (Hướng Hiệp 2-3, Hướng Linh 5).

Dự kiến 13-18 dự án công suất 495-695MW phấn đấu thi công hoàn thành và sẽ bán điện thương mại kịp thời điểm 31/10/2021.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị và huyện Hướng Hóa tham gia trồng cây ngay dưới chân cột điện gió. (Hình chụp ngày 23/8)

 

Được gì sau khi các dự án điện gió “đổ bộ”?

Theo tìm hiểu, mỗi cột điện gió có thể đạt công suất 4MW, tương đương công suất một thủy điện nhỏ. Theo lãnh đạo tỉnh Quảng Trị, các dự án điện gió sau khi đi vào hoạt động sẽ đóng góp nguồn thu đáng kể cho ngân sách địa phương (dự kiến 31 dự án tổng công suất 1.177,2 MW, thu ngân sách của tỉnh một năm tăng thêm hơn 800 tỷ đồng). Đây là một con số trong mơ, vì tổng thu ngân sách năm 2020 của Quảng Trị chỉ đạt hơn 3.500 tỷ đồng.

Ông Võ Văn Hưng (Chủ tịch UBND tỉnh) cho biết: “1MW điện gió chỉ chiếm hơn 0,6 ha đất rừng nhưng đưa lại 700 triệu đồng/năm cho ngân sách. Phía Tây Quảng Trị chưa phát triển thì đây là cơ hội và tôi khẳng định việc phát triển điện gió ở Quảng Trị là chủ trương đúng”.

Các dự án điện gió còn được đánh giá góp phần tạo sinh kế cho người dân. Theo ông Lê Quang Thuận (Phó Chủ tịch huyện Hướng Hóa), hiện các chủ đầu tư công trình điện gió trên địa bàn đều đẩy nhanh tiến độ thi công. Giai đoạn này, trung bình một dự án tuyển khoảng 30- 40 lao động phổ thông (thu nhập 6-9 triệu đồng/tháng), góp phần giải quyết khó khăn trước mắt cho bà con.

Một số dự án đề ra cách làm hay như tuyển dụng lao động đủ điều kiện, hỗ trợ kinh phí cho đi học việc tại các dự án điện gió đã đi vào hoạt động. Đây là cách nhanh nhất giúp người lao động tiếp cận với công việc, cũng như tích lũy những kiến thức, kinh nghiệm.

Thời gian tới địa phương cũng sẽ tạo hướng mở trong phát triển kinh tế cho bà con là người đồng bào dân tộc thiểu số bằng việc chuyển đổi ngành nghề từ nông nghiệp sang dịch vụ, du lịch. Nơi đây vốn núi rừng trùng điệp, giờ lại có những cột điện gió thẳng tắp, đẹp mắt; nên kỳ vọng phát triển du lịch sinh thái cộng đồng, thu hút du khách.

Với hàng chục dự án điện gió đang thi công; kéo theo hàng nghìn công nhân, kỹ sư, chuyên gia cũng đã về những nơi heo hút làm việc. Thời gian qua, hầu như tất cả nhà nghỉ, khách sạn trên địa bàn thị trấn Khe Sanh đều đã kín phòng, kéo theo nhiều dịch vụ khác cùng phát triển.

Quá trình thi công dự án, các chủ đầu tư tự bỏ vốn xây mới, cải tạo, mở rộng một số tuyến đường giao thông trên địa bàn. Khi dự án hoàn thành, sẽ có hơn 80km đường dân sinh được chủ đầu tư giao lại cho địa phương quản lý. Đây là yếu tố thuận lợi để góp phần vào việc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới của huyện Hướng Hóa và Đakrông.

Ông Hồ Văn Ka Rai (Chủ tịch UBND xã Húc) cho biết, người dân trên địa bàn phần lớn là đồng bào Vân Kiều, quanh năm bám nương rẫy, sản xuất theo hướng tự cung, tự cấp. Sau khi các dự án điện gió “đổ bộ”, nhiều hộ dân trên địa bàn được đền bù với số tiền lớn. Nhiều hộ khó khăn phút chốc thành “tỷ phú”.

“Nhiều người dân địa phương được đền bù với số tiền lớn nên rất vui. Sau khi nhận tiền, phần lớn bà con đều gửi ngân hàng lấy lãi. Người chưa có nhà thì xây nhà, chưa có xe máy thì mua để thuận tiện đi lại. Xã hiện có cả chục ngôi nhà được xây mới. Bà con nay đã biết quản lý đồng tiền, không “vung tay” tiêu tiền hay nhậu nhẹt thâu đêm suốt sáng”, ông Ka Rai nói.

Điện gió vốn được triển khai ở nhiều địa phương trong cả nước, nhưng đối với vùng đất này, lại càng mang một ý nghĩa rất đặc biệt. Đây là nơi sinh sống của đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô, từng khó khăn chỉ dựa vào nương rẫy và chăn nuôi nhỏ lẻ; cái đói, cái nghèo đeo bám. Với nỗ lực của chính quyền địa phương và doanh nghiệp, hi vọng điện gió sẽ mang đến sự đổi thay bền vững trong tương lai.

Trồng mới 100ha rừng

Theo UBND tỉnh Quảng Trị, trong quá trình cấp phép đầu tư tỉnh đều cân nhắc, không đưa các dự án điện gió chồng lấn vào khu vực rừng tự nhiên, rừng phòng hộ xung yếu. Chủ yếu tận dụng các rừng sản xuất nghèo kiệt, cũng như các khu vực đất trống, đồi núi trọc nhằm phát huy những dư địa sẵn có trên địa bàn. Xây dựng phát triển địa phương nhưng không đánh đổi môi trường lấy kinh tế, đảm bảo hài hòa các mặt kinh tế, xã hội và môi trường.

Mới đây, lãnh đạo tỉnh đã đề nghị các ngành chức năng, huyện Hướng Hóa, các chủ đầu tư phối hợp chặt chẽ, kêu gọi đóng góp, mục tiêu sẽ trồng mới 100ha rừng tập trung tại các địa điểm xung yếu với các loại cây bản địa có ưu thế, ở những vùng đất trống đồi núi trọc, trồng xen canh khu vực rừng nghèo nhằm phát triển một cách bền vững lâu dài, tạo thêm sinh kế cho người dân, tạo vành đai xanh trên khu vực phát triển điện gió, trả lại hệ sinh thái khu vực.

Lê Tám Bảy

https://baophapluat.vn/

Các tin khác