Phát triển đô thị ven biển Quảng Trị

9:10, Thứ Ba, 15-6-2021

Tỉnh Quảng Trị đang quyết tâm trở thành địa phương mạnh về biển, dựa vào biển và hướng ra biển để vừa phát triển kinh tế - xã hội vừa góp phần bảo đảm an ninh, quốc phòng, chủ quyền quốc gia.

Thị trấn Cửa Việt (huyện Gio Linh) được quy hoạch phát triển thành thị xã.

Ðể đạt được mục tiêu này, Quảng Trị chú trọng phát triển hệ thống đô thị ven biển cùng với hạ tầng giao thông quan trọng.

Những đô thị tiền tiêu

Hơn 10 năm trước, tỉnh Quảng Trị đưa vào sử dụng hai cây cầu quan trọng nằm trên đường giao thông ven biển, đó là cầu Cửa Tùng bắc qua cửa biển Cửa Tùng, đoạn cuối của sông Bến Hải nối huyện Vĩnh Linh và Gio Linh; cầu Cửa Việt bắc qua cửa biển Cửa Việt, đoạn cuối của sông Thạch Hãn nối huyện Gio Linh và Triệu Phong, thiết lập được một hệ thống giao thông gần như đi qua tất cả vùng ven biển của các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong và Hải Lăng. Cùng với giao thông được nối liền là sự ra đời của các thị trấn ven biển.

Những ngày tháng 6, đứng trên cầu Cửa Việt nhìn ra bờ bắc, thị trấn Cửa Việt của huyện Gio Linh, vùng đất cửa biển này đang thật sự đổi thay. Km 0 của quốc lộ 9 - xuyên Á xuất phát từ trung tâm thị trấn; điểm đầu của quốc lộ 9D đoạn từ Cửa Việt ra Cửa Tùng cũng xuất phát từ thị trấn càng tạo thêm lợi thế cho đô thị ven biển này phát triển. Với đặc điểm địa lý tự nhiên thuận lợi cho phát triển kinh tế biển và dịch vụ - du lịch, Cửa Việt đã vươn lên trở thành đô thị trung tâm của vùng ven biển Quảng Trị. Hệ thống khách sạn, khu nghỉ dưỡng ven bờ biển Cửa Việt nước trong xanh, sạch sẽ; cùng với đặc sản mực, tôm, cá biển tươi ngon… được đánh bắt hằng ngày trở thành điểm thu hút du khách trong cả nước tìm về nghỉ dưỡng.

Quá trình phát triển hạ tầng giao thông và cơ sở du lịch làm cho giá trị đất đai khu cửa biển này tăng từng ngày. Ở thị trấn này, nhiều nhà cao tầng liên tiếp được xây dựng, phố thị chuyển mình mạnh mẽ. Khu Dịch vụ - Du lịch Gio Hải ở sát bên Cửa Việt là khu nghỉ dưỡng hiện đại có vốn đầu tư hơn 4.470 tỷ đồng, quy mô hơn 21 ha, trong đó giai đoạn một triển khai thực hiện hơn 13 ha đang được Công ty cổ phần Tập đoàn T&T xây dựng càng làm cho vùng này thêm sôi động. Dự kiến sau khi hoàn thành vào cuối năm 2022, dự án sẽ trở thành một khu du lịch độc đáo và hấp dẫn, tạo nên một điểm nhấn đột phá du lịch ven biển Quảng Trị và có sức lan tỏa ra các khu vực lân cận.

Bí thư Ðảng ủy thị trấn Cửa Việt, Trần Ðình Cảm chia sẻ, Cửa Việt đã phát triển mạnh mẽ, hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội được các cấp quan tâm đầu tư xây dựng khá trọn vẹn. Cảng Cửa Việt được đầu tư mở rộng thêm đón tàu nhiều vạn tấn đến bốc xếp hàng. Nhà máy đóng tàu Cửa Việt, nhà hàng, khách sạn mọc lên, xe du lịch tấp nập chở khách về biển tạo nên một thị trấn năng động, trẻ trung. Thế mạnh của thị trấn là phát triển kinh tế biển, dịch vụ - du lịch - thương mại, công nghiệp và xuất khẩu lao động, trong đó điểm nhấn quan trọng nhất vẫn là hướng ra biển để phát triển kinh tế biển và du lịch - dịch vụ. Hiện tại thu nhập trung bình đạt 50 triệu đồng/người/năm, gấp bảy lần khi thị trấn mới thành lập.

Ðô thị phía bắc ven biển tỉnh Quảng Trị là thị trấn mang tên bờ biển nổi tiếng - Cửa Tùng, thuộc huyện Vĩnh Linh. Bí thư Ðảng ủy thị trấn Cửa Tùng, Nguyễn Quang Hưng cho biết, trước đây giao thông chưa đồng bộ cho nên sản phẩm khai thác ngoài biển đem lên bờ cũng phải đưa đi bán rất xa hoặc ít người về tại bến cảng thu mua. Từ khi có cầu Cửa Tùng và thị trấn Cửa Tùng được thành lập đã tạo ra một động lực mới cho sản xuất, kinh doanh của vùng đất này cùng với hoạt động sôi nổi của chợ Do và chợ Cá, đông đảo người dân đến đây buôn bán, trao đổi các sản vật. Sự ra đời của đô thị Cửa Tùng kéo theo hạ tầng giao thông thuận lợi từ đó làm thay đổi cơ cấu nền kinh tế, cùng với phát triển kinh tế biển và dịch vụ, nông nghiệp và thương mại - du lịch chiếm tỷ trọng đáng kể. Mới đây, xã Vĩnh Tân sáp nhập vào thị trấn Cửa Tùng càng làm cho vóc dáng, thị trấn cửa biển này thêm rộng lớn. Ðồng chí Nguyễn Quang Hưng tự hào cho biết, năm 2009 khi mới thành lập thị trấn, mức thu nhập bình quân chỉ hơn 11 triệu đồng/người/năm, đến nay con số ấy đã đạt 45 triệu đồng.

Hình thành hành lang kinh tế ven biển

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, Võ Văn Hưng phân tích, mô hình đô thị ven biển Cửa Việt và Cửa Tùng được xem là thành công của tỉnh Quảng Trị trong chiến lược phát triển đô thị ven biển và hướng về biển. Thực hiện Nghị quyết T.Ư 9, khóa X về "Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020", tỉnh Quảng Trị đã xây dựng hai đô thị ven biển là thị trấn Cửa Việt và thị trấn Cửa Tùng ở hai huyện Gio Linh và Vĩnh Linh, góp phần phát triển kinh tế biển và bảo đảm chủ quyền, an ninh quốc gia vùng ven biển và biển đảo. Kinh tế biển ở các đô thị đang trở thành động lực quan trọng, hệ thống kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư; đời sống vật chất, tinh thần của người dân vùng biển được cải thiện đáng kể. Với việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết T.Ư 9, khóa X về "Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020" và Nghị quyết T.Ư 8, khóa XII về "Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045", tỉnh Quảng Trị đang từng bước quyết tâm trở thành địa phương mạnh về biển, giàu lên từ biển, xây dựng hệ thống đô thị ven biển trên cơ sở hạ tầng giao thông không ngừng hoàn thiện. Ngoài hai khu đô thị Cửa Việt, Cửa Tùng, thời gian này đô thị ven biển ở hai xã Hải An và Hải Dương thuộc huyện Hải Lăng cũng đang hình thành. Với điểm nhấn cảng nước sâu Mỹ Thủy và Trung tâm điện khí, Hải An và Hải Dương được kỳ vọng là đô thị trung tâm Khu kinh tế đông nam Quảng Trị. UBND huyện Hải Lăng đã quy hoạch khu dân cư đô thị cho người dân Hải An với diện tích 170 ha, phấn đấu trong năm 2021 hoàn thành hạ tầng cơ sở 16,5 ha để cấp đất cho 285 hộ dân tái định cư. Khu dân cư đô thị trên địa bàn xã Hải Dương cũng đã được định hình.

Phó Giám đốc Sở Xây dựng Quảng Trị, Nguyễn Thanh Hải cho biết, để thực hiện mục tiêu chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển, tỉnh Quảng Trị định hướng quy hoạch xây dựng khu vực ven biển Quảng Trị giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, lấy thị trấn Cửa Việt làm trung tâm. Theo đó, khu vực phía bắc thuộc vùng ven biển huyện Vĩnh Linh và bắc Gio Linh, hạt nhân là đô thị Cửa Tùng, đây là khu vực phát triển dịch vụ, du lịch nghỉ dưỡng, di tích lịch sử, văn hóa. Khu vực trung tâm thuộc huyện Gio Linh và Triệu Phong, hạt nhân là đô thị Cửa Việt phát triển hỗn hợp tất cả các chức năng thương mại, dịch vụ, du lịch, logistics và cảng biển, khu dịch vụ hậu cần nghề cá. Khu vực phía nam ở huyện Hải Lăng, hạt nhân là hai xã Hải An và Hải Dương thuộc đô thị trung tâm Khu kinh tế đông nam Quảng Trị, nhằm phát triển thương mại, dịch vụ, dịch vụ cảng, công nghiệp đa ngành và logistics. Ngoài ra còn có khu vực phía đông hình thành bởi tam giác du lịch biển đảo trọng điểm nghỉ dưỡng đó là Cửa Tùng - Cửa Việt - đảo Cồn Cỏ. Tỉnh Quảng Trị đang đề xuất các cấp đồng ý đưa vào quy hoạch tam giác Cửa Tùng - Cửa Việt - đảo Cồn Cỏ trở thành khu du lịch tiềm năng quốc gia, có sức cạnh tranh cao, thu hút khách du lịch của các nước trên tuyến Hành lang kinh tế Ðông - Tây cũng như du khách trong nước và quốc tế. Hiện tỉnh nỗ lực kêu gọi các nhà đầu tư du lịch vào đảo Cồn Cỏ nhằm tạo ra sự khác biệt, biến Cồn Cỏ thành một biểu tượng của Quảng Trị khiến bất kỳ du khách nào cũng muốn đặt chân đến.

Theo đồng chí Võ Văn Hưng, trên cơ sở quy hoạch không gian khu vực ven biển như trên, song song với quốc lộ 9D đang phát huy lợi thế cho vùng ven biển, tỉnh Quảng Trị quyết định đầu tư Dự án đường giao thông ven biển kết nối Hành lang Ðông - Tây với điểm đầu từ thôn Mạch Nước, xã Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh đến điểm cuối gặp thôn Thâm Khê, xã Hải Khê, huyện Hải Lăng bằng vốn ngân sách giai đoạn 2021 - 2025 để hình thành hành lang kinh tế ven biển nhằm thúc đẩy phát triển mạnh hơn nữa các đô thị Cửa Tùng, đô thị trung tâm Cửa Việt, đô thị trung tâm Khu kinh tế đông nam Quảng Trị rồi kết nối với TP Ðông Hà, hành lang kinh tế quốc lộ 1, hành lang kinh tế Ðường 9 - xuyên Á đến các trung tâm đô thị và các trung tâm dịch vụ - du lịch miền trung.

Giai đoạn một con đường này dài hơn 55 km dự kiến khởi công trong năm 2021 hoặc đầu năm 2022. Trong đó đoạn từ thôn Mạch Nước, xã Vĩnh Thái đến cầu Cửa Tùng có mặt cắt ngang 12 m, đoạn từ nam cầu Cửa Tùng đến nam cầu Cửa Việt có mặt cắt ngang 40 m; đoạn qua huyện Triệu Phong có mặt cắt ngang 59 m, đoạn qua TP Ðông Hà có mặt cắt ngang 160 m.

Trên dãy đô thị ven biển này sẽ hình thành các quảng trường, công viên, đại lộ cây xanh kết hợp với rừng phòng hộ và không gian công cộng. Trong đó đô thị Cửa Việt được xác định là cực phát triển chính của hành lang kinh tế ven biển. Ví trị địa lý và điều kiện tự nhiên đã tạo ra cho Cửa Việt một không gian đắc địa. Vì thế, từ nhiều thế kỷ trước, khu vực Cửa Việt đã trở thành trung tâm buôn bán thương mại sầm uất của Ðàng trong với tàu thuyền nước ngoài tấp nập cập bến.

Có thể nói Cửa Việt có vai trò vô cùng quan trọng đối với tỉnh Quảng Trị. Tiếp thu có chọn lọc tầm nhìn xa của cha ông, tỉnh Quảng Trị đang muốn đưa Cửa Việt sôi động trở lại như xưa. Xác định "chiếc áo thị trấn" sẽ sớm trở nên chật chội với sức phát triển của Cửa Việt, tỉnh Quảng Trị có định hướng thành lập thị xã Cửa Việt trong tương lai trên cơ sở sáp nhập thêm xã Gio Hải và thị trấn Bồ Bản với quy mô, diện tích hơn 40.000 km2 và dân số khoảng 20 nghìn người. Lúc đó đô thị Cửa Việt sẽ phát huy tốt hơn nữa vai trò trung tâm của hành lang kinh tế ven biển tỉnh Quảng Trị.

Với định hướng không gian vùng ven biển, các nhà quy hoạch lựa chọn mô hình cấu trúc phát triển thị xã Cửa Việt là mô hình "chuỗi điểm hướng tâm" gồm một trung tâm đô thị và sáu trục phát triển, trung tâm đô thị nằm hai bờ bắc, bờ nam, đoạn cuối của sông Thạch Hãn. Việc định hướng quy hoạch, kêu gọi nguồn lực đầu tư phát triển đô thị tại khu vực thị trấn Cửa Việt và Bồ Bản là chủ trương rất đúng đắn và cần thiết làm cơ sở để hình thành phát triển một thị xã Cửa Việt, điểm nhấn của hệ thống đô thị ven biển Quảng Trị.

Bài và ảnh: LÂM QUANG HUY

Các tin khác
Chi tiết bài viết tạm thời không có.