Sức ép hoạt động công nghiệp

16:37, Thứ Hai, 30-11-2020

 

Trong thời gian qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến địa phương luôn quan tâm thúc đẩy phát triển công nghiệp. Đây là một loại hình chiếm tỷ trọng quan trọng trong GRDP của tỉnh. Từ việc xây dựng các chương trình, kế hoạch, đề án, dự án phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp địa phương cho đến chú trọng công tác quy hoạch phát triển ngành, sản phẩm công nghiệp phù hợp với tình hình thực tiễn của tỉnh; Các chính sách về phát triển hạ tầng KCN/CCN, phát triển làng nghề, ngành nghề truyền thống, chính sách về khuyến công đã được quan tâm ban hành, tạo hành lang pháp lý để hỗ trợ phát triển công nghiệp. Các quy hoạch có tính chiến lược như: Quy hoạch phát triển công nghiệp, quy hoạch xây dựng KKT Đông Nam, Trung tâm điện lực, quy hoạch sử dụng khí, quy hoạch điện gió đã hoàn thành làm cơ sở cho việc kêu gọi, xúc tiến đầu tư các dự án động lực vào các KKT/KCN của tỉnh.

Tính đến năm 2019, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã hình thành 17 CCN với tổng diện tích 527,5 ha (trong đó diện tích đất CN đã cho thuê 112,02 ha) với tỷ lệ lấp đầy CCN trung bình là 43,3%, có 03 CCN có tỷ lệ lấp đầy 100% là CCN Đông Lễ (TP Đông Hà), Ái Tử - Giai đoạn 1 (huyện Triệu Phong), Cửa Tùng - Giai đoạn 1 (xã Vĩnh Giang, huyện Vĩnh Linh) và 03 CCN tuy đã thành lập, nhưng vẫn còn để trống như các CCN Đường 9D (TP Đông Hà), Đông Gio Linh (huyện Gio Linh), Krông Klang (huyện Đakrông); 03 KCN với tổng diện tích 756,24 ha (trong đó diện tích đất CN đã cho thuê 526,74 ha), tỷ lệ lấp đầy các KCN ở tỉnh Quảng Trị còn thấp (8,2 - 81,3%, trung bình là 53,6%, KCN Tây Bắc Hồ Xá có tỷ lệ lấp đầy thấp nhất 8,2%, tỷ lệ lấp đầy đối với 02 KCN còn lại là 76,4%); 02 KKT với tổng diện tích 23.897 ha (với diện tích đất CN đã cho thuê 206,05 ha), trong đó, KKT Đông Nam có diện tích đất quy hoạch là 23.792 ha với tỷ lệ lấp đầy 0,034%, KKT TMĐB Lao Bảo có diện tích đất quy hoạch là 104,69 ha với tỷ lệ lấp đầy 71% [10].

Biểu đồ 2.2.1. Tỷ lệ lấp đầy các KCN/CCN/KKT tính đến năm 2019

Biểu đồ 2.2.2. Tổng số cơ sở sản xuất theo ngành ở tỉnh Quảng Trị, năm 2019

Cơ cấu các nhóm ngành sản xuất trên địa bàn tỉnh Quảng Trị trong những năm qua không đồng đều. Sản xuất công nghiệp chủ yếu là công nghiệp chế biến, chế tạo, tiếp đến là loại hình nông, lâm, thủy sản. Số cơ sở sản xuất thuộc các ngành khác ít hơn gồm: Công nghiệp khai khoáng; Loại hình sản xuất, phân phối điện, nước, điều hòa không khí; Loại hình cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải. Năm 2019, trên địa bàn tỉnh có 362 cơ sở sản xuất công nghiệp có quy mô vừa và lớn [10]. Cơ cấu nhóm ngành sản xuất có khả năng gây ô nhiễm môi trường ở mức cao gồm: Loại hình nông, lâm, thủy sản và công nghiệp chế biến, chế tạo (ngành dệt nhuộm) có 92 cơ sở, chiếm 25,4 % tổng số; Nhóm ngành sản xuất có khả năng gây xói lở bờ sông, bờ biển và ô nhiễm kim loại nặng, chất rắn lơ lửng là nhóm loại hình công nghiệp khai khoáng có 13 cơ sở, chiếm 3,6% tổng số. Ngoài ra, các nhóm ngành sản xuất khác cũng đóng góp vào ÔNMT như: Y tế và hoạt động trợ giúp xã hội; Lĩnh vực thương mại, dịch vụ, công ích.

Song song với quá trình phát triển, hoạt động phát triển công nghiệp đã phát sinh ra các nguồn thải gây sức ép lên các thành phần môi trường. Cụ thể như sau:

2.2.1. Đối với môi trường không khí

Khi hoạt động công nghiệp phát triển đã gây áp lực lên các thành phần môi trường, do phát thải bụi PM10, TSP, SO2, NO2, CO, VOC, các chất ô nhiễm khác ngày càng tăng gây tác động tiêu cực đến môi trường không khí, ảnh hưởng bất lợi đến sức khỏe của cộng đồng, vật nuôi và các hệ sinh thái. Các hoạt động làm phát thải TSP và khí độc (SO2, NOx, CO…) chủ yếu trên địa bàn tỉnh là: Hoạt động khai thác đá, sản xuất gạch và sản xuất tinh bột sắn.

Thải lượng TSP từ các ngành công nghiệp: Hoạt động phát thải TSP chủ yếu từ lĩnh vực khai thác đá. Trong năm 2019, có 07 cơ sở khai thác đá ước tính đã thải vào môi trường 1.356,6 tấn TSP (chiếm 47% tổng thải lượng TSP của ngành công nghiệp), gấp 1,3 lần thải lượng TSP từ các cơ sở sản xuất gạch và gấp 3,1 lần từ các cơ sở sản xuất tinh bột sắn [22].

Biểu đồ 2.2.1.1. Thải lượng TSP từ hoạt động sản xuất công nghiệp năm 2019

Thải lượng SO2, NOx, CO từ ngành công nghiệp: Nguồn phát thải các khí độc (SO2, NOx, CO) trên địa bàn tỉnh chủ yếu là từ các hoạt động sản xuất gạch. Tính đến năm 2019, thải lượng các khí độc (SO2, NOx, CO) từ hoạt động này ước tính lần lượt là 26,3 tấn/năm, trung bình khoảng 0,072 tấn/ngày (đối với SO2); 8,8 tấn/năm, trung bình khoảng 0,024 tấn/ngày (đối với NOx) và 8,5 tấn/năm, trung bình khoảng 0,024 tấn/ngày (đối với CO). Trong đó, phát thải lớn nhất là 02 cơ sở - Tuynel Đông Hà ở thành phố Đông Hà và Tuynel Vĩnh Đại ở huyện Cam Lộ với tổng thải lượng SO2 chiếm 50% (13,2 tấn/năm), NOx đó chiếm 50% (4,4 tấn/năm) và CO chiếm 50% (4,2 tấn/năm) [22].

2.2.2. Đối với môi trường nước

Hoạt động công nghiệp càng phát triển thì nhu cầu sử dụng nước càng gia tăng và đi kèm là lượng nước thải, thải lượng các chất ô nhiễm đổ vào các nguồn tiếp nhận có xu hướng ngày càng lớn. Hiện nay, các nhóm ngành sản xuất phát sinh lượng nước thải lớn, có khả năng gây áp lực lớn lên các thành phần môi trường, đặc biệt là vấn đề ÔNMT nước và rủi ro sức khỏe cộng đồng bao gồm: Chế biến nông sản, chế biến thủy sản, dệt nhuộm (có 92 cơ sở, chiếm 25,4% tổng số cơ sở); Nhóm ngành sản xuất có khả năng gây xói lở bờ sông, bờ biển và ô nhiễm kim loại nặng, chất rắn lơ lửng là nhóm khai thác khoáng sản (có 6 cơ sở, chiếm 3,3% tổng số cơ sở). Ngoài ra, các nhóm ngành sản xuất khác cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây suy giảm chất lượng môi trường tiếp nhận như: Sản xuất giấy, đồ uống, cơ khí và sản xuất vật liệu xây dựng, dệt may, sản xuất bia [22]. Các chất ô nhiễm phổ biến và lo lắng nhất hiện nay là chất rắn lơ lửng và các chất ô nhiễm hữu cơ (thể hiện qua thông số nhu cầu oxy sinh hóa BOD5 và nhu cầu oxy hóa học COD). Khi hàm lượng BOD5 và COD cao thì hàm lượng DO thấp, gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của HTS thủy sinh.

Trong giai đoạn 2015 - 2019, tổng lượng nước thải công nghiệp thải ra môi trường ước tính là 7 triệu m3 và có xu hướng tăng dần qua các năm, từ năm 2015 (1,0 triệu m3/năm) đến năm 2019 (1,9 triệu m3/năm). So với giai đoạn 2010 - 2014, tổng lượng nước thải công nghiệp phát sinh ước tính trong giai đoạn này giảm, các nguyên nhân dẫn đến lượng nước thải công nghiệp giảm là do: Các cơ sở sản xuất thay đổi công nghệ sản xuất (nhà máy chế biến gỗ MDF); Các nhà máy sử dụng nguồn nước cấp lớn (chế biến cà phê, chế biến cao su….) dừng hoạt động; Lượng nước thải được tính toán dựa vào các cơ sở được thu phí nước thải với lượng thải phát sinh ≥ 20 m3/ngày.đêm (chưa thống kê được lượng thải đối với những cơ sở phát sinh < 20 m3/ngày). Trong giai đoạn 2015 - 2019, tổng thải lượng BOD5 của lĩnh vực công nghiệp (Chế biến tinh bột sắn, sản xuất cao su, sản xuất cà phê, sản xuất bia, dệt nhuộm) ước tính thải ra môi trường là 412,3 tấn. So với giai đoạn 2010 - 2014 (tổng thải lượng BOD5 từ sản xuất cà phê, cao su, chế biến tinh bột sắn) ước tính là 405 tấn, phát thải BOD5 tăng không đáng kể (khoảng 2%); Tổng thải lượng COD (Chế biến tinh bột sắn, sản xuất cao su, sản xuất cà phê, sản xuất bia, dệt nhuộm) thải ra môi trường ước tính là 771,4 tấn; Tổng thải lượng TSS (Chế biến tinh bột sắn, sản xuất cao su, sản xuất cà phê, sản xuất bia, dệt nhuộm) thải ra môi trường ước tính là 409,03 tấn [22].

Biểu đồ 2.2.2.1. Tổng lượng nước thải công nghiệp giai đoạn 2015 - 2019

Biểu đồ 2.2.2.2. Tổng thải lượng BOD5 của lĩnh vực công nghiệp năm 2019

Biểu đồ 2.2.2.3. Tổng thải lượng TSS của lĩnh vực công nghiệp năm 2019

Biểu đồ 2.2.2.4. Tổng thải lượng COD của lĩnh vực công nghiệp năm 2019

2.2.3. Đối với chất thải nguy hại

Trong giai đoạn 2015 - 2019, CTNH phát sinh các cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh phần lớn đã được cơ sở chủ động thu gom và hợp đồng với các đơn vị đủ năng lực vận chuyển và xử lý đúng quy định với tổng khối lượng là 106,3 tấn (các cơ sở này chủ yếu đóng tại KCN/CCN), lượng phát sinh lớn nhất là 24,3 tấn vào năm 2019 và thấp nhất vào năm 2015, 2017 (19 tấn/năm) [22]. Tuy nhiên, tình hình phát sinh lượng CTNH thực tế lớn hơn khối lượng đã thống kê từ các cơ sở báo cáo. Nguyên nhân là do CTNH tại một số cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ (nằm ngoài KCN/CCN) chưa được thống kê, quản lý triệt để, một số cơ sở chưa thực hiện phân loại tại nguồn nên vẫn còn tồn tại CTNH trộn lẫn với CTR thông thường. Bên cạnh đó, trên địa bàn Tỉnh chưa có đơn vị đủ năng lực thu gom, vận chuyển và xử lý vì vậy chi phí xử lý CTNH khi các cơ sở hợp đồng với các đơn vị ngoại tỉnh cao nên tại các cơ sở có tỷ lệ phát sinh ít, không thường xuyên thì công tác thu gom và xử lý còn nhiều hạn chế, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí, đặc biệt là tác động đến sức khỏe người dân.

Các tin khác