Phương hướng và giải pháp bảo vệ môi trường trong 5 năm tới

9:54, Thứ Ba, 1-12-2020

11.2.1. Xây dựng và thực hiện các đề án, chương trình BVMT ứng với khắc phục các vấn đề môi trường trên địa bàn tỉnh

Để thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh, cần thiết phải sớm xây dựng các đề án cụ thể, tìm kiếm nguồn đầu tư để thực hiện xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường như:

a. Đối với xử lý các cơ sở gây ÔNMT nghiêm trọng thuộc đối tượng công ích

Cần xử lý ô nhiễm và cải thiện môi trường đối với 34 điểm ÔNMT nghiêm trọng TBVTV tồn đọng quá hạn cấm sử dụng  theo Quyết định số 2424/QĐ-UBND ngày 31/10/2014 của UBND tỉnh Quảng Trị về việc Phê duyệt danh mục xử lý các điểm ÔNMT nghiêm trọng TBVTV tồn đọng quá hạn cấm sử dụng trên địa bàn tỉnh.

- Đầu tư xây dựng bãi chôn lấp CTR hợp vệ sinh tại huyện Vĩnh Linh; xây dựng và hoàn thiện hệ thống xử lý nước rỉ rác tại bãi rác thành phố Đông Hà; xử lý lượng rác tồn đọng đang gây ÔNMT nghiêm trọng tại bãi rác cũ thành phố Đông Hà và thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa; tập trung nguồn lực để ưu tiên đầu tư giai đoạn 2 các bãi rác tại huyện: Hải Lăng, Triệu Phong, Gio Linh và Cam Lộ.

- Đầu tư xây dựng hệ thống xử lý ô nhiễm nước thải cho 05 khu chợ đang gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng gồm: Chợ Khe Sanh, chợ Bồ Bản, chợ Mỹ Chánh, chợ Cam Lộ và chợ Cầu.

- Đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải cho 3 cơ sở giết mổ gia súc gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng để chứng nhận hoàn thành các biện pháp xử lý ô nhiễm triệt để gồm: Lò giết mổ gia súc phường 1, thành phố Đông Hà; Lò giết mổ gia súc phường 2, thị xã Quảng Trị và Hợp tác xã giết mổ gia súc thị trấn Khe Sanh.

- Đầu tư hệ thống thu gom và xử lý nước thải đô thị tập trung tại thị trấn: Hồ Xá, Gio Linh, Ái Tử, Diên Sanh, Cam Lộ, Khe Sanh, Lao Bảo.

b. Đối với KCN/CCN/làng nghề

- Hoàn thiện và đưa vào vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung KCN Quán Ngang, thu hút các nguồn vốn để đầu tư xây dựng và hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải tập trung KCN Nam Đông Hà và 03 CCN đã lấp đầy là: CCN Đông Lễ, CCN Ái Tử (giai đoạn 1) và CCN Cửa Tùng.

- Đầu tư và hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải tại làng bún Linh Chiểu, xã Triệu Sơn, huyện Triệu Phong.

c. Đối với Bệnh viện và Trung tâm y tế

Đầu tư nâng cấp sửa chữa hệ thống xử lý nước thải đã xuống cấp tại các cơ sở y tế như: Bệnh viện mắt, bệnh viên Y học dân tộc và Phục hồi chức năng, Trung tâm kiểm soát bệnh tật, Trung tâm y tế Đông Hà, Trung tâm y tế Hải Lăng.

d. Đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh

- Sử dụng các dây chuyền công nghệ hiện đại, tiên tiến, xây dựng quy trình sản xuất sạch hơn nhằm giảm thiểu nguồn thải, giảm thiểu nồng độ các chất ô nhiễm trong chất thải; sử dụng các nguồn nguyên liệu sạch.

- Tăng cường tìm kiếm nguồn kinh phí đầu tư cho hệ thống các công trình, biện pháp BVMT tại cơ sở.

- Ký quỹ phục hồi môi trường, kê khai, đóng các khoản thuế, phí bảo vệ môi trường đối với chất thải một cách đầy đủ.

11.2.2. Hoàn thiện chính sách pháp luật BVMT

Nhằm góp phần hoàn thiện chính sách pháp luật BVMT từ tỉnh đến cấp huyện, đến cấp xã và đi vào cuộc sống cộng đồng, trong thời gian đến tỉnh Quảng Trị phải thực hiện một số giải pháp để hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật BVMT như:

- Lập quy hoạch BVMT cấp tỉnh hay lồng ghép quy hoạch BVMT vào quy hoạch chung của tỉnh và sớm ban hành nhằm làm căn cứ để lồng ghép các nội dung BVMT trong chiến lược phát triển KTXH, ngăn chặn giảm thiểu các tác động xấu tới môi trường.

- Xây dựng cơ chế chính sách nhằm lồng ghép các nguồn vốn (nguồn ngân sách nhà nước, nguồn vốn bên ngoài, hay các nguồn vốn huy động từ các doanh nghiệp, cá nhân,...) để thực hiện tốt công tác xử lý nguồn thải từ KKT/KCN/CCN/làng nghề và các cơ sở công ích khác.

- Nâng cao trách nhiệm của cơ quan nhà nước về BVMT và xác định quyền hạn, nghĩa vụ của các tổ chức xã hội, xã hội - nghề nghiệp và cộng đồng dân cư trong công tác BVMT.

- Xây dựng các chính sách và tăng cường mở rộng nguồn vốn hỗ trợ từ quỹ BVMT của địa phương nhằm khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức tiếp cận để đổi mới dây chuyền sản xuất sạch, áp dụng mô hình sản xuất sạch hơn, sử dụng nguyên liệu sạch.

- Lập các đề án, dự án nhằm tăng cường bảo vệ các thành phần môi trường như môi trường nước (nước mặt, nước ngầm và ven biển), môi trường đất và môi trường không khí.

- Sớm hoàn thiện đơn giá phân loại, thu gom và xử lý CTR sinh hoạt, công nghiệp thông thường trên địa bàn, từ đó làm cơ sở cho việc đẩy mạnh công tác quản lý chất thải.

11.2.3. Hoàn thiện hệ thống tổ chức quản lý môi trường

Qua đánh giá về tổ chức bộ máy quản lý môi trường từ cấp tỉnh đến cấp xã trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2015-2019, nhận thấy để đáp ứng công tác quản lý môi trường phù hợp với quá trình phát triển KT-XH trong thời gian đến. Hệ thống tổ chức quản lý môi trường cấn phải được hoàn thiện như:

- Đối với cấp tỉnh:

+ Sở Tài nguyên và Môi trường: Tăng cường về số lượng cán bộ phục vụ cho công tác quản lý về tài nguyên và môi trường (Chi cục BVMT: 02 cán bộ, Phòng Khoáng sản và nước: 02 cán bộ) nhằm đáp ứng tốt cho công tác quản lý tài nguyên và môi trường trong giai đoạn tới.

+ Đối với Đội CSMT tỉnh: Tăng cường công tác rà soát, trình sát nhằm phát hiện kịp thời các biểu hiện, dấu hiệu và hành vi vi phạm pháp luật về BVMT. Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ điều tra, trình sát cho các cán bộ trẻ.

- Đối với cấp huyện: Với tốc độ phát triển của tỉnh Quảng Trị trong giai đoạn tới, mỗi huyện cần thiết phải có 02 cán bộ quản lý về tài nguyên và môi trường nhằm đảm bảo công tác phối hợp với cấp tỉnh, cấp xã để giải quyết các vấn đề môi trường, tham mưu các giải pháp phòng ngừa, giảm thiểu ÔNMT trên địa bàn huyện.

- Đối với cấp xã: Hiện nay, hầu hết các xã, cán bộ phụ trách môi trường đều là cán bộ kiêm nhiệm, có chuyên môn nghiệp vụ là địa chính (hoặc xây dựng). Vì thế, cần thiết phải đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn về quản lý, kỹ thuật môi trường cho các cán bộ phụ trách.

11.2.4. Nâng cao hiệu quả áp dụng các công cụ quản lý MT

- Nâng cao hiệu quả của công cụ luật pháp chính sách:

+ Tiếp tục đẩy mạnh tổ chức các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức BVMT cho cộng đồng một cách có hiệu quả và đồng bộ, đặc biệt là nâng cao ý thức về BVMT tại các địa phương đồng thời cần xử lý nghiêm các vụ vi phạm trong lĩnh vực BVMT gây hậu quả nghiêm trọng hoặc tiềm ẩn nguy cơ gây hậu quả nghiêm trọng.

+ Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác BVMT đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, các KCN/CCN trên địa bàn tỉnh; Phối hợp chặt chẽ giữa công tác kiểm tra, thanh tra của cơ quan quản lý nhà nước về môi trường các cấp với hoạt động đấu tranh phòng chống tội phạm môi trường của lực lượng Cảnh sát môi trường. Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả công tác thẩm định đánh giá ĐTM; Tăng cường công tác kiểm tra, xác nhận hoàn thành các công trình xử lý môi trường sau ĐTM.

- Nâng cao hiệu của của công cụ kinh tế: Động viên, khuyến khích, khen thưởng kịp thời đối với các đơn vị kê khai, nộp các khoản thuế, phí BVMT môi trường, ký quỹ phục hồi môi trường trong khai thác khoáng sản đầy đủ, đúng hạn; nhắc nhở, xử phạt nghiêm đối với các cơ sở cố tình chậm trễ, kê khai không đúng, không đủ.

- Nâng cao hiệu quả công cụ kỹ thuật:

+ Khuyến khích việc đổi mới công nghệ, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, sản xuất sạch hơn nhằm đảm bảo hạn chế tác động tới môi trường và không ngừng nâng cao năng suất lao động của các cơ sở công nghiệp, nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp của tỉnh.

+Tăng cường các hoạt động giám sát chất lượng, quan trắc và cảnh báo ÔNMT; giám sát các nguồn xả thải vào nguồn nước; Quản lý có hiệu quả CTR, đẩy mạnh công tác thu gom CTR khu vực đô thị và nông thôn.

11.2.5. Tăng cường tài chính, đầu tư cho BVMT

- Nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường: Nguồn chi sụ nghiệp môi trường hàng năm của tỉnh luôn đảm bảo 1% của tổng chi ngân sách của địa phương. Tuy nhiên, do nguồn chi của tỉnh còn hạn chế nên tổng nguồn kinh phí cho sự nghiệp môi trường còn hạn chế, cần thiết phải có sự hỗ trợ từ trung ương để giải quyết các vấn đề ô nhiễm bức xúc trên địa bàn tỉnh. Trong giai đoạn tới, để thực hiện tốt công tác BVMT, thực hiện đồng bộ, dứt điểm các dự án xử lý ô nhiễm cần tăng nguồn chi cho sự nghiệp môi trường hàng năm từ 1,5 - 2% tổng chi ngân sách địa phương. Trong đó, tập trung vào một số nội dung như:

+ Tăng cường nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng về xử lý môi trường cho tỉnh Quảng Trị, đặc biệt đầu tư xây dựng HTXL nước thải đô thị, xây dựng HTXL nước thải tập trung tại các KCN/CCN/Làng nghề.

+ Đầu tư xây dựng hoàn thiện hệ thống các trạm quan trắc tự động chất lượng không khí tại các đô thị, nước mặt, bảo đảm cung cấp đầy đủ, chính xác và kịp thời tình trạng ô nhiễm không khí và nước mặt để có biện pháp xử lý, can thiệp kịp thời.

+ Bố trí nguồn kinh phí cho các nhiệm vụ, đề án thu gom xử lý chất thải, xử lý ô nhiễm đã được phê duyệt.

+ Tăng cường cơ sở vật chất cho công tác BVMT của Sở Tài nguyên và Môi trường, Chi cục BVMT, Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường, phòng Tài nguyên và Môi trường các huyện.

- Đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư BVMT, thực hiện các cơ chế, chính sách, biện pháp cụ thể để khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư BVMT; Triển khai mạnh mẽ mô hình hợp tác công - tư (PPP); Thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn vay ưu đãi, vốn hỗ trợ phát triển từ các tổ chức quốc tế và Chính phủ cho BVMT ở địa phương, đặc biệt là trong việc khắc phục ô nhiễm, phục hồi và cải thiện MT, bảo tồn thiên nhiên và ĐDSH.

- Đẩy mạnh công tác xã hội hóa về BVMT nhất là đối với CTR sinh hoạt, giảm dần tỉ lệ hỗ trợ từ nhà nước; khuyến khích và thu hút đầu tư tư nhân đối với các dự án thu gom xử lý rác thải, tái chế rác thải, xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung tại các đô thị, các KCN/CCN...

- Tăng cường năng lực tài chính cho Quỹ BVMT của tỉnh nhằm hỗ trợ kịp thời cho các hoạt động BVMT đối với các doanh nghiệp; sử dụng hợp lý và hiệu quả nguồn quỹ BVMT.

11.2.6. Nâng cao nhận thức cộng đồng và xã hội hóa

Phối hợp với các cơ quan truyền thông xây dựng các chuyên mục, chuyên trang về BVMT; lồng ghép các chương trình ngoại khóa vào công tác giáo dục các cấp; nhân rộng mô hình cam kết bảo vệ môi trường trong cộng đồng dân cư.

Tổ chức các hoạt động hưởng ứng sự kiện Giờ Trái đất, Ngày Trái đất, Ngày Môi trường thế giới, Ngày Quốc tế ĐDSH, Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn.

Tổ chức tập huấn, tuyên truyền nâng cao nhận thức về BVMT, ứng phó BĐKH cho các đối tượng là cán bộ cấp xã, khối doanh nghiệp.

Xây dựng và nhân rộng các mô hình tự quản về BVMT tại địa phương như: Mô hình thanh niên tự quản vệ sinh MT đường phố, mô hình kết hợp BVMT và xoá đói giảm nghèo, mô hình HTX tự quản vệ sinh môi trường, câu lạc bộ Phụ nữ hạn chế sử dụng túi ni lon, mô hình sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi, mô hình ủ phân sinh học.

Đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động BVMT; Phát triển các dịch vụ thu gom, vận chuyển, tái chế, xử lý chất thải và các dịch vụ khác BVMT với sự tham gia của mọi thành phần kinh tế.

11.2.7. Mở rộng hợp tác quốc tế

Hợp tác chặt chẽ với các nước láng giềng và các nước trong khu vực để giải quyết các vấn đề MT liên quốc gia.

Tham gia tích cực vào các hoạt động quốc tế và khu vực vì môi trường, ứng phó BĐKH; Thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế, chương trình, dự án song phương và đa phương về BVMT phù hợp với lợi ích quốc gia.

Tranh thủ tối đa nguồn hỗ trợ tài chính, kỹ thuật từ các nước, các tổ chức quốc tế và cá nhân cho công tác BVMT, ứng phó BĐKH như: Các dự án về xử lý chất thải rắn, thu gom và xử lý nước thải tại các đô thị, dự án trồng và bảo vệ rừng... từ các nguồn vốn hợp tác phát triển chính thức (ODA) viện trợ không hoàn lại hoặc hoàn lại hoặc tín dụng ưu đãi (cho vay lãi suất thấp).

Tăng cường hợp tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật, các công nghệ mới trong lĩnh vực BVMT với các tổ chức chính phủ và phi chính phủ nhằm kế thừa, áp dụng được những thành tựu của những nước phát triển, nâng cao hiệu quả trong công tác BVMT.

11.2.8. Nhóm giải pháp liên quan đến một số ngành

Đối với Sở Tài chính: Cân đối ngân sách và ưu tiên đảm bảo chi sự nghiệp môi trường tỉnh đạt 1% chi ngân sách nhằm thực hiện hiệu quả, kịp thời đối với các đề án xử lý ô nhiễm môi trường, các nhiệm vụ BVMT cần thiết.

Đối với Sở Kế hoạch Đầu tư: Yêu cầu các nhà đầu tư khi xin chủ trương đầu tư phải thực hiện các bước báo cáo BVMT theo quy định pháp luật, cân nhắc từ giai đoạn xin chủ trương đầu tư đối với các dự án tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm lớn.

Đối với Sở Khoa học Công nghệ: Cần thiết phải thẩm định các công nghệ đối với các nhà đầu tư, tránh những nhà đầu tư các công nghệ lạc hậu, đặc biệt là các dự án có lưu lượng thải lớn, thành phần ô nhiễm phức tạp.

Đối với Sở Công thương: Khuyến khích các nhà đầu tư, doanh nghiệp áp dụng mô hình sản xuất sạch hơn vào các công đoạn sản xuất, tiến đến yêu cầu sử dụng các nguyên nhiên liệu sạch, hợp lý, thay thế các nhiên liệu, thiết bị, máy móc đã cũ, quá hạn sử dụng gây ô nhiễm môi trường.

Đối với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn:

- Tuyên truyền, hướng dẫn nông dân sử dụng các loại thuốc BVTV đúng chủng loại, liều lượng và thời điểm.

- Nhân rộng các mô hình sản xuất, biện pháp canh tác bảo vệ môi trường nhưng vẫn đảm bảo mang lại hiệu quả kinh tế cao.

- Nghiên cứu, ứng dụng các biện pháp xử lý phế phẩm nông nghiệp một cách hiệu quả, tiết kiệm và giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tránh trường hợp đốt các loại phế phẩm trên đồng ruộng.

- Các dự án trang trại, gia trại, nông trại phải có biện pháp xử lý ô nhiễm môi trường triệt để trước khi cho đi vào hoạt động. Tăng cường công tác phòng dịch đối với đàn gia súc, gia cầm nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường do chôn lấp xác động vật nuôi nhiễm dịch bệnh.

Đối với Sở Thông tin Truyền thông: Cần có một kênh thông tin về công tác tuyên truyền BVMT, kết hợp lồng ghép tuyên truyền BVMT trong các nội dung tuyên truyền, triển lãm có liên quan.

Đối với Sở Giao thông Vận tải: Kiểm soát chặt chẽ việc kiểm định các loại phương tiện, phải đảm bảo các tiêu chuẩn về khí thải, tiếng ồn và các yêu cầu khác khi tham gia giao thông.

Đối với Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch: Xây dựng các hệ thống vệ sinh, bố trí các thùng rác tại tất cả các điểm du lịch, quản lý tốt hơn nữa các nguồn thải tại các điểm du lịch, các cơ sở kinh doanh trong các điểm du lịch.

Đối với Công an tỉnh: Cần tăng cường công tác kiểm tra, phối hợp với các đơn vị liên quan, tuyên truyền tố giác tội phạm về môi trường nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các vụ vi phạm, không để phát sinh các sự cố môi trường.

Đối với UBND các huyện, thị, thành phố: Đảm bảo phân bổ nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường cấp huyện cho công tác BVMT đảm bảo yêu cầu và thống nhất từ cấp tỉnh, huyện; quan tâm bố trí kinh phí cho hoạt động thu gom CTR tại khu vực nông thôn, các xã vùng sâu, vùng xa.

Cần có công tác phối hợp một cách chặt chẽ giữa các sở, ban ngành, địa phương trong tất cả các nội dung liên quan đến công tác BVMT, nhất là công tác phòng ngừa, xử lý ô nhiễm môi trường tại các khu vực, các cơ sở sản xuất kinh doanh liên quan.

Các tin khác