Thực hiện các giải pháp thủy lợi phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn

16:43, Thứ Năm, 9-7-2020

Ngày 8/7/2020, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 3045/UBND-NN gửi các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Tài chính, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường; Văn phòng ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh; Đài Khí tượng thủy văn tỉnh; Công ty TNHH MTV QLKT công trình thủy lợi Quảng Trị; UBND các huyện, thị xã, thành phố về việc thực hiện các giải pháp thủy lợi phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn.

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh lượng mưa thiếu hụt lớn so với trung bình nhiều năm (TBNN), đã xảy ra tình trạng hạn hán, thiếu nước ở một số địa phương Hiện tại, hầu hết các hồ chứa thủy lợi trên địa bàn tỉnh có mức trữ thấp, các hồ chứa ở trung bình đạt 30% dung tích thiết kế trong đó hồ La Ngà chỉ đạt 24,5%, hồ Bảo Đài chỉ đạt 23,4 %), các hồ chứa nhỏ chỉ đạt 20-30% dung tích thiết kế. Nhận định trong các tháng tiếp theo của mùa khô năm 2020, nguồn nước trên các sông suối có khả năng tiếp tục suy giảm và thiếu hụt so với TBNN nên nguy cơ hạn hán, thiếu nước có thể xảy ra trên diện rộng.

Trước tình hình này, việc cấp nước phục vụ sản xuất và dân sinh sẽ gặp nhiều khó khăn. Để chủ động triển khai các giải pháp phòng, chống hạn hán, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, sản xuất của người dân, UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị, địa phương liên quan thực hiện các nội dung công việc sau:

Tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc các nội dung Công điện số 601/CĐ-TTg ngày 12/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung ứng phó với nắng nóng, hạn hán và xâm nhập mặn tại khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên; Chỉ thị số 03/CT-UBND ngày 23/3/2020 của UBND tỉnh về triển khai các giải pháp cấp bách phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh.

Tổ chức theo dõi, cập nhật sát thông tin dự báo khí tượng, thủy văn; cung cấp thông tin dự báo nguồn nước và xây dựng kế hoạch sử dụng nước để chủ động thực hiện các giải pháp ứng phó với hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Hướng dẫn, đôn đốc các địa phương xây dựng phương án, kế hoạch phòng, chống hạn hán, thiếu nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh theo hướng chủ động, linh hoạt bố trí cơ cấu sản xuất phù hợp;

Tiếp tục tổ chức các đoàn công tác kiểm tra, chỉ đạo, hướng dẫn công tác phòng, chống hạn hán, thiếu nước, bảo đảm cấp nước sản xuất vụ Hè Thu;

Tổng hợp thông tin tình hình nguồn nước, các giải pháp cụ thể đã thực hiện, ảnh hưởng của hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn đến sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt, báo cáo hằng tuần (vào thứ 5) về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (qua Tổng cục Thủy lợi) và Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai; đồng thời tổng hợp, đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo kịp thời các nội dung vượt thẩm quyền.

UBND các huyện, thị xã, thành phố: Chủ động xây dựng kế hoạch, phương án cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, dân sinh nhằm ứng phó với tình hình hạn hán;

Theo dõi tình hình dự báo khí tượng, thủy văn để vận hành tích nước các hồ chứa do địa phương quản lý nhằm cung cấp đủ nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh, đồng thời bảo đảm an toàn cho công trình;

Phối hợp với Công ty TNHH MTV quản lý khai thác công trình thủy lợi Quảng Trị phát động phong trào toàn dân ra quân làm thủy lợi như: Tổ chức nạo vét, sửa chữa kênh mương, cửa cống lấy nước, bể hút trạm bơm, đắp bờ giữ nước, tận dụng nước hồi quy để bơm tưới;

Hỗ trợ người dân đào thêm các giếng nước; tổ chức các điểm cấp nước tập trung dùng xe téc cung cấp nước sinh hoạt cho người dân; cấp nước luân phiên từ các công trình cấp nước tập trung, hỗ trợ đường ống, trạm bơm dã chiến lấy nước từ nguồn xa về các cụm dân cư; tăng cường công tác truyền thông về giải pháp cấp và trữ nước hộ gia đình, sử dụng nước tiết kiệm trong thời kỳ còn lại của mùa khô năm 2020.

Sở Xây dựng: Tổ chức rà soát, xác định từng vùng, số hộ khả năng thiếu nước sinh hoạt, xảy dựng phương án cân đối cung cấp nước sinh hoạt cho từng khu dân cư, xã, huyện, bảo đảm không để người dân thiếu nước sinh hoạt.

Sở Công Thương: Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo thực hiện kế hoạch điều tiết nước các hồ chứa thủy điện trên địa bản tỉnh để cung cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh vùng hạ du;

Chỉ đạo Công ty Điện lực Quảng Trị có phương án bảo đảm cấp điện phục vụ vận hành công trình thủy lợi, đặc biệt là các trạm bơm trong thời kỳ khô hạn để chủ động việc bơm tưới chống hạn.

Sở Tài nguyên và Môi trường: Kiểm tra và thông báo kịp thời tình hình xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh để các địa phương, đơn vị chủ động trong công tác phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn.

Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu, đề xuất UBND tỉnh xem xét, hỗ trợ kinh phí cho các đơn vị, địa phương kịp thời triển khai thực hiện công tác phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn.

Công ty TNHH MTV QLKT công trình thủy lợi Quảng Trị: Xây dựng phương án, kế hoạch phòng, chống hạn hán, thiếu nước cho sản xuất nông nghiệp và dân sinh theo các kịch bản; trong đó, có kịch bản tình hình hạn hán, thiếu nước tương đương các năm hạn nặng,

Thường xuyên kiểm kê nguồn nước trong công trình thủy lợi, tổ chức vận hành, giám sát việc vận hành, điều tiết nước của các công trình thủy lợi, hồ chứa để đảm bảo chủ động nguồn nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất;

Tăng cường thực hiện các giải pháp thủy lợi như nạo vét cửa lấy nước, hệ thống kênh mương, đào ao, giếng, đắp đập tạm ngăn mặn, lắp đặt trạm bơm dã chiến, khơi thông dòng chảy, tận dụng khai thác tối đa nguồn nước;

Đối với vùng khả năng bị thiếu nước, cần tăng cường tích trữ nước, ưu tiên tạo nguồn cấp nước sinh hoạt, chăn nuôi, tưới để duy trì sức sống cho cây trồng cạn có giá trị kinh tế cao.

Đài Khí tượng thủy văn Quảng Trị: Tăng cường công tác dự báo, cảnh bảo khí tượng thủy văn, nhận định tình hình hạn hán, xâm nhập mặn, thường xuyên cung cấp thông tin cho các địa phương, đơn vị liên quan để phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành phòng, chống hạn hán.

Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Quảng Trị: Tăng cường thông tin về các hoạt động phòng, chống hạn hán, biện pháp chỉ đạo ứng phó của các cấp chính quyền để người dân biết và chủ động thực hiện.

UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành liên quan nghiêm túc triển khai thực hiện (xem chi tiết).

Hồng Hà

Các tin khác