Nước dưới đất

8:56, Thứ Ba, 1-12-2020

3.2.1. Tài nguyên nước dưới đất

Quảng Trị, nước lỗ hổng tồn tại trong các trầm tích bở rời Đệ Tứ được phát hiện trong các lưu vực sông, trong đồng bằng và các cồn cát ven biển. Độ dốc thuỷ lực của các tầng chứa nước nhìn chung rất nhỏ 0,008 - 0,012 m. Độ sâu mực nước ở trung tâm các lưu vực thường chỉ vào khoảng 1,0 - 2,0 m. Trên các cồn cát và các cánh đồng trước núi, nón phóng vật thì mực nước nước dưới đất nằm sâu hơn 2,0 - 5,0 m. Các tầng chứa nước lỗ hổng ở Quảng Trị có bề dày khá lớn 10 - 30 m đôi chỗ đạt được 35 m.

Các kết quả quan trắc nước dưới đất trong các tầng chứa nước lỗ hổng cho thấy động thái của nước dưới đất ở đây thuộc động thái biến thiên theo mùa với sự dao động mực nước tuần tự chậm chạp, không phụ thuộc quá nhiều vào sự dao động của lượng mưa và dòng chảy mặt. Căn cứ khả năng chứa nước của các trầm tích, các tầng chứa nước lỗ hổng ở Quảng Trị được xếp vào 3 nhóm:

- Các tầng chứa nước có năng suất cao (tầng giàu nước): Thuộc về nhóm này là các trầm tích Holocen thượng (QIV3) nguồn gốc sông - biển - gió phân bố dọc bờ biển từ Vĩnh Linh đến thị xã Quảng Trị.

- Các tầng chứa nước có năng suất trung bình (tầng chứa nước trung bình): Thuộc nhóm này là các trầm tích sông biển (amQIII), phân bố ở Vĩnh Chấp và Diên Sanh (Hải Lăng).

- Các tầng chứa nước có năng suất thấp, không thể khai thác liên tục (tầng nghèo nước): Thuộc về nhóm này là các thể địa chất dQI-III và adQII-III, phân bố rải rác ven rìa đồng bằng (riêng thể adQII-III, chỉ thấy một diện nhỏ (4 km2) cực Nam của tỉnh).

Nước khe nứt tồn tại trên một diện tích rất rộng, chiếm tới 4/5 tổng diện tích của tỉnh Quảng Trị, nằm trong đới nứt nẻ phong hoá và các đới phá huỷ kiến tạo trong các địa tầng có tuổi từ Proterozoi đến Neogen. Thành phần bao gồm các trầm tích lục nguyên trầm tích Carbonat, các đá biến chất, các đá phun trào. Về chất lượng, nhìn chung khe nứt thuộc loại siêu nhạt (M < 0,1g/l) và lợ nhạt (M = 0,1 - 0,5 g/l), khá phù hợp với tiêu chuẩn nước uống. Theo tính thấm và độ giàu nước, các tầng chứa nước khe nứt được chia thành 2 nhóm:  

- Các tầng chứa nước có năng suất cao (tầng giàu nước): Về chất lượng, nước thuộc loại nhạt, tổng khoáng hoá từ 0,16 đến 0,76 g/L. Đây là tầng giàu nước nhưng diện phân bố hẹp nên việc bố trí khai thác nước có thể hạn chế.

- Các tầng chứa nước có năng suất thấp không thể khai thác liên tục (tầng nghèo nước): Về chất lượng, nước thuộc loại nhạt, tổng khoáng hoá từ 0,05 đến 0,33 g/L, loại Biểu đồ hoá học chủ yếu là bicarbonat - natri và bicarbonat clorua - natri, canxi. Nước sạch đảm bảo các tiêu chuẩn để sử dụng trong cấp nước đô thị và trong nông nghiệp.

Tiềm năng nước dưới đất ở Quảng Trị [7]:

Tổng trữ lượng tĩnh:                                    1.656.800.000 m3.

Tổng trữ lượng động thiên nhiên:              1.094.690 m3/ngày.

Tổng trữ lượng khai thác tiềm năng:         1.112.750 m3/ngày.

3.2.2. Diễn biến ô nhiễm chất lượng nước dưới đất

3.2.2.1. Khái quát diễn biến chất lượng nước dưới đất

Để khái quát diễn biến chất lượng nước dưới đất trên địa bàn tỉnh, báo cáo đã sử dụng kết quả quan trắc nước dưới đất từ năm 2015 đến năm 2019 trong chương trình quan trắc tài nguyên và môi trường tỉnh Quảng Trị thực hiện tại 25 vị trí. Các thông số đặc trưng để đánh giá chất lượng môi trường nước dưới đất bao gồm: pH, TDS, Độ cứng, COD (KMnO4), NH4-N, Fe và Coliform.

- Đối với khu vực Trung du, miền núi: Tập trung chủ yếu ở khu vực huyện Cam Lộ có trầm tích carbonat với lưu lượng khoảng 1.500m3/ngày. Ngoài ra một số nơi thuộc khu vực huyện Hướng Hoá xuất hiện các trầm tích carbonat tương tự vùng Cam Lộ cũng có thể khai thác với năng suất vào khoảng 0,5 - 10 m3/h. Nhìn chung, chất lượng nước dưới đất của khu vực miền núi, trung du tỉnh Quảng Trị khá tốt. Các thông số quan trắc giai đoạn từ năm 2015 - 2019 đều nằm trong giới hạn cho phép.

- Đối với khu vực đồng bằng, ven biển: Nước dưới đất phân bố dọc theo các dải cát từ Cửa Tùng đến Hải An có thể khai thác nước dưới đất với tổng lưu lượng khai thác có thể đạt tới 10.000 m3/ngày. Ở Gio Linh, có thể khai thác với lưu lượng không đổi là 15.000 m3/ngày. Vùng thành phố Đông Hà và thị xã Quảng Trị có thể thiết kế các công trình khai thác nước dưới đất với công suất 19.000m3/ngày. Kết quả quan trắc chất lượng nước dưới đất giai đoạn 2015 - 2019 đối với khu vực đồng bằng, ven biển cho thấy phần lớn các vị trí quan trắc chưa có dấu hiệu ô nhiễm các chỉ tiêu kim loại nặng, chất khoáng và vi sinh vật. Tuy nhiên, tại một số vị trí các thông số amoni, độ cứng, tổng chất rắn hoà tan và Coliform có dấu hiệu vượt giới hạn cho phép. Tập trung chủ yếu tại một số điểm ven biển như khu vực nuôi tôm xã Triệu An, khu vực nuôi tôm xã Triệu Vân. Nguyên nhân chủ yếu là do ảnh hưởng từ hoạt động nuôi tôm trên cát. So với giai đoạn 2010 - 2014, chất lượng nước dưới đất giai đoạn 2015 - 2019 ít có sự thay đổi đối với các thông số pH, độ cứng và có sự biến động khá lớn, theo xu hướng gia tăng đối với các thông số TDS, COD (KMnO4), NH4-N, Fe và Coliform.

Hình 3.2.2.1. Sơ đồ vị trí quan trắc nước dưới đất

Hiện trạng và diễn biến của các thông số quan trắc môi trường nước dưới đất, cụ thể như sau:

Thông số pH

Giá trị pH trung bình trong giai đoạn 2015 - 2019 tại 25 vị trí dao động từ 4,9 - 7,3, hầu hết đều nằm trong giới hạn cho phép theo QCVN 09-MT:2015/BTNMT. Riêng một số vị trí như tại NN42 (thị trấn Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh), NN58 (Nghĩa trang liệt sỹ đường 9, TP Đông Hà), NN63 (Điểm khai thác titan Thuỷ Khê, Gio Mỹ, huyện Gio Linh) có giá trị pH thấp và nằm ngoài giới hạn cho phép theo QCVN 09-MT:2015/BTNMT.

Khung 3.2.2.1. Diễn biến giá trị pH trung bình trong nước dưới đất

so sánh với giai đoạn 2010 - 2014

So với giai đoạn 2010 - 2014, giá trị pH trung bình trong nước dưới đất trong giai đoạn 2015 - 2019 ít có sự biến động và tương đối ổn định (Giá trị pH trung bình trong nước dưới đất giai đoạn 2010 - 2014 dao động trong khoảng 4,9 - 7,2 [17]).

Biểu đồ 3.2.2.1. Giá trị pH trung bình trong nước dưới đất giai đoạn 2015 - 2019

Thông số Độ cứng

Hàm lượng độ cứng trung bình trong nước dưới đất giai đoạn 2015 - 2019 dao động từ 36,94 - 1677,4 mgCaCO3/l, phần lớn tại các vị trí có hàm lượng độ cứng nằm trong giới hạn cho phép theo QCVN 09-MT:2015/BTNMT. Riêng khu vực chịu tác động của hoạt động nuôi tôm nước lợ trên cát tại xã Triệu Vân (NN30b) năm 2017, độ cứng cao đột biến, vượt giới hạn cho phép từ 8,7 - 9,8 lần và giảm dần từ năm 2018 - 2019.

Khung 3.2.2.2. Diễn biến hàm lượng độ cứng trung bình trong nước dưới đất

so sánh với giai đoạn 2010 - 2014

So với giai đoạn 2010 - 2014, hàm lượng độ cứng trung bình nước dưới đất giai đoạn 2015 - 2019 tương đối ổn định. Đáng quan tâm là tại các khu vực bị ảnh hưởng bởi hoạt động nuôi tôm nước lợ trên cát chất lượng nước suy giảm do độ cứng vượt giới hạn quy chuẩn quy định nhiều lần.

Biểu đồ 3.2.2.2. Hàm lượng độ cứng trung bình trong nước dưới đất giai đoạn 2015 - 2019

Thông số TDS

Hàm lượng tổng chất rắn hoà tan (TDS) trung bình trong nước dưới đất giai đoạn 2015 - 2019 tại phần lớn các vị trí quan trắc nằm trong giới hạn cho phép theo QCVN 09-MT:2015/BTNMT. Riêng khu vực nuôi tôm xã Triệu Vân (NN30b) có hàm lượng TDS vượt 6,7 - 25 lần vào giai đoạn 2017 - 2019; Khu vực xã Gio Hải (NN47), Khu vực nuôi tôm xã Triệu An (NN30) tại một số thời điểm tương đương giới hạn cho phép của QCVN 09-MT:2015/BTNMT. Nhìn chung, hàm lượng TDS trung bình trong nước dưới đất giai đoạn 2015 - 2019 tương đối ổn định và có xu hướng giảm từ năm 2017 - 2019.

           

Biểu đồ 3.2.2.3. Hàm lượng TDS trung bình trong nước dưới đất giai đoạn 2015 - 2019

Thông số COD (KMnO4)

Hàm lượng COD (KMnO4) trung bình trong nước dưới đất trong giai đoạn 2015 - 2019 tại tất cả các vị trí đều nằm trong giới hạn cho phép theo QCVN 09-MT:2015/BTNMT, dao động từ 0,36 - 3,08 mg/L. Riêng tại 02 khu vực nuôi tôm xã Triệu An và Triệu Vân (NN30 và NN30b) cao hơn các vị trí khác. Hàm lượng COD có xu hướng tăng từ 2015 - 2017 và giảm nhẹ từ 2018 - 2019.

Khung 3.2.2.3. Diễn biến hàm lượng COD trung bình trong nước dưới đất

so sánh với giai đoạn 2010 - 2014

So với giai đoạn 2010 - 2014, hàm lượng COD trung bình trong nước dưới đất giai đoạn 2015 - 2019 có xu hướng gia tăng, (hàm lượng COD trung bình trong nước dưới đất giai đoạn 2010 - 2014 dao động từ 0,32 - 2,20 mg/L [17]).

Biểu đồ 3.2.2.4. Hàm lượng COD trung bình trong nước dưới đất giai đoạn 2015 - 2019

Thông số NH4-N

Hàm lượng NH4-N trung bình trong nước dưới đất trong giai đoạn 2015 - 2019 tại phần lớn các vị trí đều nằm trong giới hạn cho phép của QCVN 09-MT:2015/BTNMT, dao động từ 0,02 - 1,10 mg/L.

Riêng tại các xã Triệu An (NN30), xã Vĩnh Sơn (NN1) và xã Gio Hải (NN47) hàm lượng NH4-N có xu hướng gia tăng qua các năm do ảnh hưởng từ hoạt động nuôi trồng thuỷ sản.

Đáng quan tâm nhất là tại khu vực nuôi tôm xã Triệu Vân (NN30b) hàm lượng NH4-N vượt giới hạn cho phép nhiều lần theo QCVN 09-MT:2015/BTNMT, kết quả quan trắc ghi nhận hàm lượng NH4-N thường gia tăng lớn nhất vào tháng 9 tại phần lớn các vị trí.

Khung 3.2.2.4. Diễn biến hàm lượng NH4-N trung bình trong nước dưới đất

so sánh với giai đoạn 2010 - 2014

So với giai đoạn 2010 - 2014, hàm lượng NH4-N trung bình nước dưới đất có xu hướng gia tăng vào giai đoạn 2015 - 2019, (hàm lượng NH4-N trung bình giai đoạn 2010 - 2014 dao động từ 0,02 - 0,63 mg/L [17]).

Biểu đồ 3.2.2.5. Hàm lượng NH4-N trung bình trong nước dưới đất giai đoạn 2015 - 2019

Thông số Fe

Tổng hàm lượng Fe tan trung bình trong nước dưới đất giai đoạn 2015 - 2019 dao động từ 0,03 - 2,13 mg/L, nằm trong giới hạn cho phép theo QCVN 09-MT:2015/BTNMT. Tại một số vị trí như NN36b (phường 2, Đông Hà), NN30 (nuôi tôm Triệu An), NN21 (KCN Quán Ngang), NN20 (KCN Nam Đông Hà), NN63 (khai thác titan Thuỷ Khê), NN62 (khai thác titan Vĩnh Thái) tổng hàm lượng Fe tan cao hơn so với các vị trí khác.

Khung 3.2.2.5. Diễn biến tổng hàm lượng Fe tan trung bình trong nước dưới đất

so sánh với giai đoạn 2010 - 2014

So với giai đoạn 2010 - 2014, hàm lượng tổng Fe tan trong nước dưới đất có sự biến động tương đối lớn, tại một số vị trí có xu hướng tăng từ 2010 - 2013 và giảm dần từ 2015 - 2017. Sự biến động tại các vị trí không có quy luật, một số thời điểm không đáp ứng cho mục đích sinh hoạt.

Biểu đồ 3.2.2.6. Hàm lượng Fe tan trung bình trong nước dưới đất giai đoạn 2015 -2019

Thông số Coliform

Mật độ Coliform trung bình trong nước dưới đất giai đoạn 2015 - 2019 tại phần lớn các vị trí đều vượt giới hạn cho phép theo QCVN 09-MT:2015/BTNMT, dao động từ 0 - 291,5 MPN/100ml, vượt giới hạn từ 1,5 - 97 lần tại các vị trí NN15 (khu vực xã Hải Hoà, huyện Hải Lăng), NN20 (KCN Nam Đông Hà), NN63 (điểm khai thác titan Thuỷ Khê, Gio Mỹ), NN27 (khu vực xã Gio Mai, huyện Gio Linh) và NN22 (khu thương mại Lao Bảo, huyện Hướng Hoá).

Việc sử dụng và bảo quản nguồn nước dưới đất chưa hợp lý, phần lớn các giếng tại các hộ gia đình gần khu vực chăn nuôi, nhà vệ sinh là một trong những nguyên nhân gây nhiễm khuẩn nguồn nước dưới đất, đặc biệt là tại các vùng cát ven biển thuộc huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong và Hải Lăng.

Khung 3.2.2.6. Diễn biến mật độ Coliform trung bình trong nước dưới đất

so sánh với  giai đoạn 2010 - 2014

So với giai đoạn 2010 - 2014, mật độ Coliform trung bình trong nước dưới đất có xu hướng gia tăng qua từng năm trong giai đoạn 2015 - 2019.

Biểu đồ 3.2.2.7. Mật độ Coliform trung bình trong nước dưới đất giai đoạn 2015 - 2019

3.2.2.2. Các vấn đề môi trường nước dưới đất nổi cộm tại địa phương

Từ kết quả đánh giá diễn biến chất lượng nước dưới đất được trình bày ở trên, thì trong giai đoạn 2015-2019 trên địa bàn tỉnh Quảng Trị các vấn đề môi trường nổi cộm nước dưới đất không xảy ra. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển KT-XH đã tác động không nhỏ đến môi trường nước dưới đất, từ đó gây ra các vấn đề lo lắng về môi trường và ảnh hưởng đến tâm lý, cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của người dân như:

- Tình trạng nước giếng bị nhiễm phèn xảy ra nhiều năm tại các xã Gio Thành, Gio Mỹ, Gio Hải, Trung Giang thuộc huyện Gio Linh và các xã Triệu Giang, Triệu Hoà, Triệu Đông thuộc huyện Triệu Phong. Đa phần người dân ở đây đang sử dụng chủ yếu là từ giếng đào và giếng khoan, tuy nhiên nước giếng đều bị nhiễm phèn vôi hoặc phèn đỏ rất nặng. Kết quả quan trắc chất lượng môi trường trên địa bàn tỉnh trong nhiều năm cho thấy, chất lượng nước dưới đất ở các khu vực đồng bằng, vùng thấp trũng Quảng Trị thường có hàm lượng sắt (Fe) cao, vượt giới hạn cho phép của quy chuẩn Việt Nam về chất lượng nước sinh hoạt.

- Vào năm 2017, một số hộ dân tại xã Gio Phong, huyện Gio Linh đã có kiến nghị về tình trạng nước giếng bị nhiễm dầu và nổi nhiều váng màu trên mặt nước. Thực trạng này đã kéo dài hơn 4 năm khiến người dân rất bất an, lo lắng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của dân.

Hình 3.2.2.2. Nước giếng bị nhiễm dầu tại xã Gio Phong, huyện Gio Linh

và nước giếng bị nhiễm phèn tại xã Triệu Hoà, huyện Triệu Phong

- Hiện nay, nước thải từ hoạt động nuôi trồng và chế biến thuỷ sản là một trong những nguyên nhân tiềm ẩn các nguy cơ gây suy giảm chất lượng môi trường nước dưới đất. Với định mức tổng lượng nước thải từ 1 ha ao nuôi là 34.500 m3/năm thì tổng lượng nước thải phát sinh trong lĩnh vực NTTS năm 2019 của tỉnh Quảng Trị là 118 triệu m3/năm. Kết quả quan trắc chất lượng môi trường nước dưới đất tỉnh giai đoạn 2015 - 2019 ghi nhận, tại một số vị trí thuộc khu vực nuôi tôm xã Triệu An, khu vực nuôi tôm xã Triệu Vân chất lượng nước dưới đất bị nhiễm khuẩn, nhiễm mặn, amoni và chất hữu cơ do ảnh hưởng từ hoạt động nuôi tôm trên cát.

Hình 3.2.2.3. Nước thải từ hoạt động nuôi trồng và chế biến thuỷ sản

Các tin khác