Sức ép hoạt động phát triển năng lượng

16:34, Thứ Hai, 30-11-2020

Trong giai đoạn 2015 - 2019, ngành Công nghiệp sản xuất năng lượng ở tỉnh Quảng Trị phát triển tương đối mạnh mẽ với nhiều nhà máy đã được đầu tư xây dựng và đi vào hoạt động.

- Dự án thủy điện: Đến năm 2019, đã có 10 dự án thủy điện đã đi vào hoạt động, tổng công suất 114,5 MW. So với giai đoạn 2010 - 2014, số lượng dự án thủy điện được đầu tư đi vào hoạt động tăng 50% vào giai đoạn 2015 - 2019, tương ứng với 5 dự án với tổng công suất 69,6 MW: Đakrông 1, Đakrông 4, thủy điện Khe Nghi, Thủy điện Quảng Trị; Thủy điện La Tó.

- Dự án điện năng lượng mặt trời: Đến năm 2019, đã có 01 dự án đi vào hoạt động với công suất 49,5 MWp (nhà máy điện mặt trời LIG - Quảng Trị); 02 dự án đã được quy hoạch với tổng công suất 100 MWp; 14 dự án đã trình bổ sung quy hoạch với tổng công suất 1.217,5 MWp. So với giai đoạn 2010 - 2014, số lượng dự án điện mặt trời được đầu tư đi vào hoạt động tăng 100% vào giai đoạn đoạn 2015 - 2019.

- Dự án điện gió: Đến năm 2019, đã có 02 dự án đi vào hoạt động, tổng công suất 60 MW (Hướng Linh 1: 30 MW, Hướng Linh 2: 30 MW); 29 dự án đã được quy hoạch tổng công suất 1.117 MW; 54 dự án đã trình bổ sung quy hoạch với tổng công suất 2.783 MW. So với giai đoạn 2010 - 2014, số lượng dự án điện gió được đầu tư đi vào hoạt động tăng 100% vào giai đoạn đoạn 2015 - 2019.

- Dự án nhiệt điện: Trong thời gian qua, đang được tỉnh quan tâm, thu hút và xúc tiến đầu tư.

Hoạt động phát triển năng lượng trên địa bàn tỉnh đang được quan tâm, thu hút đầu tư trong thời gian vừa qua nhằm cung cấp nguồn năng lượng cho địa phương và quốc gia, đặc biệt là loại hình điện gió và điện mặt trời. Đây là loại hình phát triển năng lượng tái tạo, thân thiện với môi trường, giảm phát thải các khí gây hiệu ứng nhà kính cũng như đem lại nhiều lợi ích thiết thực góp phần giải quyết công ăn việc làm cho người lao động; tăng ngân sách cho địa phương thông qua việc nộp thuế, phí và lệ phí; góp phần cơ cấu lại nền kinh tế của Tỉnh theo hướng công nghiệp hiện đại, tạo thu hút lớn đối với các nhà đầu tư về Việt Nam và tỉnh Quảng Trị. Tuy nhiên, trong quá trình đầu tư xây dựng và đi vào hoạt động, thì ngành năng lượng cũng đã tạo nên các sức ép lên các thành phần môi trường. Cụ thể như sau:

- Mất đất do thu hồi để thi công xây dựng dự án:

+ Đối với thủy điện: Tổng diện tích đầu tư xây dựng 10 dự án thủy điện là 653,46 ha, diện tích đất bị thu hồi bao gồm diện tích đất rừng tự nhiên, diện tích đất rừng trồng, diện tích đất canh tác nông nghiệp, diện tích đất nương rẫy, diện tích đất vườn.

+ Đối với điện gió: Tổng diện tích đầu tư xây dựng 02 dự án điện gió là 13,4 ha, diện tích đất bị thu hồi bao gồm diện tích đất rừng tự nhiên, diện tích đất rừng trồng, diện tích đất canh tác hoa màu, diện tích đất trống đồi trọc.

+ Đối với điện mặt trời: Tổng diện tích đầu tư xây dựng 01 dự án điện mặt trời là 59,48 ha, diện tích đất bị thu hồi bao gồm diện tích đất bằng chưa sử dụng (28,4 ha), diện tích đất đất mặt nước chuyên dụng (8,2 ha), diện tích đất NTTS (1,2 ha), diện tích đất rừng trồng (21,2 ha).

- Quá trình giải phóng mặt bằng các dự án gây mất diện tích rừng đầu nguồn, làm cho dòng chảy của sông bị thay đổi và hạn chế, ngăn lượng phù sa bổ sung cho hạ nguồn. Mật độ che phủ rừng giảm ảnh hưởng đến khả năng chống cát bay, cát nhảy tác động đến canh tác nông nghiệp, thay đổi đến cảnh quan, sinh thái của khu vực.

- Quá trình san lấp mặt bằng, bao gồm các hoạt động bốc xúc, san ủi sẽ phá vỡ cấu trúc bề mặt vốn có của đất, làm cho đất mất độ kết dính dẫn đến khả năng gây sạt lở khi có mưa lớn xảy ra. Ngoài ra, lớp thực vật bị mất đi sẽ tạo điều kiện cho quá trình rửa trôi bề mặt diễn ra dẫn đến thành phần dinh dưỡng trong đất bị mất đi. Bên cạnh đó, sẽ làm mất đi nơi cư trú cũng như nguồn thức ăn của các loài động vật.

- Hoạt động phát quang thảm thực vật sẽ làm phát sinh một lượng lớn CTR chủ yếu là sinh khối thực vật bao gồm: thân, cành, rễ, lá làm mất mỹ quan khu vực, và tiềm ẩn nguy cơ gây cháy rừng khi thân lá cây khô không có biện pháp thu gom hợp lý.

- Hoạt động vận chuyển nguyên vật liệu và thi công xây dựng sẽ phát sinh bụi, hàm lượng các khí độc (CO, NO2, SO2) ảnh hưởng đến môi trường không khí.

- CTR xây dựng bao gồm đất đá rơi vãi trong quá trình vận chuyển, bốc dỡ; đất đá thải ra từ quá trình đào móng, làm đường; các loại bao bì đựng VLXD; sắt thép; gạch ngói vụn nếu không được thu gom, xử lý sẽ làm ảnh hưởng đến mỹ quan khu vực, đặc biệt là xà bần, bao bì đựng vật liệu.

- Ngoài ra, đối với loại hình năng lượng mặt trời, với tuổi thọ tấm pin từ 20 - 25 năm. Các dự sẽ tiến hành thay thế các tấm pin năng lượng, lượng pin thải này nếu không được thu hồi và xử lý đúng quy định sẽ ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe con người do pin năng lượng mặt trời có chứa chì, cadmium và thủy ngân.

Tuy nhiên, tại thời điểm hiện tại các tác động của hoạt động phát triển năng lượng đến các thành phần môi trường trên địa bàn tỉnh chưa đến mức đáng lo ngại.

Các tin khác