Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng

5:33, Thứ Năm, 25-11-2021

(Web Quảng Trị) Ngày 24/11, tại Hà Nội, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng theo hình thức trực tuyến tới điểm cầu các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng Võ Văn Thưởng; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Trưởng ban Chỉ đạo hội nghị Nguyễn Trọng Nghĩa chủ trì hội nghị. 

Dự hội nghị có các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị; Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội Trung ương.

Dự hội nghị tại điểm cầu Quảng Trị có các đồng chí: Lê Quang Tùng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Nguyễn Đăng Quang, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cùng các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy  viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh.  

Hội nghị Văn hóa toàn quốc nhằm đánh giá việc triển khai đường lối, chủ trương, các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng về công tác văn hóa, văn nghệ thời gian qua; kết quả xây dựng văn hóa, con người Việt Nam sau 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, đặc biệt là kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng về công tác văn hóa, văn nghệ; tiếp tục quán triệt sâu sắc, triển khai các quan điểm, chủ trương về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam;... qua đó, thống nhất phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm công tác văn hóa, văn nghệ trong giai đoạn 2021 - 2026, tầm nhìn đến năm 2045.

Các đại biểu tham dự tại điểm cầu Quảng Trị

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, văn hóa là nền tảng, động lực để phát triển xã hội. Đảng ta luôn luôn coi trọng vai trò của văn hoá và hết sức quan tâm đến công tác xây dựng văn hoá trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước, nhất là trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Nhận thức của Đảng về văn hoá ngày càng toàn diện, đầy đủ và sâu sắc hơn. Đảng ta xác định: Văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước; xác định phát triển văn hoá đồng bộ, hài hoà với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội là một định hướng căn bản của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, thể hiện tính ưu việt của chế độ ta.

Đồng thời, Đảng ta khẳng định: Con người là chủ thể, giữ vị trí trung tâm trong chiến lược phát triển; phát triển văn hoá, xây dựng con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự nghiệp đổi mới. Trọng tâm xây dựng và phát triển văn hoá là xây dựng con người có nhân cách và xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh.

Nhận thức của Đảng ta về xây dựng và phát triển văn hoá trong thời kỳ đổi mới đã từng bước được bổ sung, phát triển và ngày càng hoàn thiện, toàn diện và sâu sắc hơn. Đây là tiền đề rất cơ bản để chúng ta quán triệt và tổ chức triển khai thực hiện trong thực tế.

Nhìn lại những thành tựu trên lĩnh vực xây dựng và phát triển văn hoá Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng, đặc biệt là trong 35 năm đổi mới gần đây, chúng ta có quyền tự hào về những đóng góp to lớn của nền văn hoá vào sự nghiệp cứu quốc và kiến quốc.

Tuy nhiên, Tổng Bí thư cũng chỉ rõ bên cạnh những thành tựu đã đạt được, chúng ta cũng cần nhìn thẳng vào những hạn chế, tồn tại, bất cập, yếu kém trên lĩnh vực văn hoá, tìm ra nguyên nhân và giải pháp để khắc phục.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu, trước thời cơ, thách thức, phải tiếp tục xây dựng, giữ gìn và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thực sự là "nền tảng tinh thần", "động lực phát triển", và "soi đường cho quốc dân đi"; phát huy giá trị văn hoá và sức mạnh con người Việt Nam, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, thịnh vượng, tạo ra sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc để tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, thực hiện thành công mục tiêu đưa nước ta trở thành quốc gia phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào giữa thế kỷ XXI. Phát triển văn hóa là nội dung trọng tâm, nổi bật trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Thời gian tới, chúng ta cần tập trung khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, khát vọng toàn dân tộc, thực hiện thành công phát triển đất nước; xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, kết hợp giá trị truyền thống với thời đại; phát triển toàn diện đồng bộ văn hóa, nâng cao chất lượng, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, hạnh phúc, khát vọng; phát huy vai trò chủ thể sáng tạo, chủ thể thụ hưởng văn hóa là Nhân dân; chú trọng xây dựng Đảng về chính trị về đạo đức, phát huy vai trò nêu gương; xây dựng môi trường văn hóa số, làm cho văn hóa thích nghi với nền công nghiệp lần thứ 4.

Muốn vậy, giải pháp đặt ra là, tiếp tục nâng cao nhận thức về lĩnh vực văn hóa; đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước về văn hóa; khắc phục tư tưởng chú trọng kinh tế mà không quan tâm đến văn hóa mà phải đặt ngang hàng; sớm khắc phục tình trạng chậm phát triển thể chế văn hóa; sắp xếp lại đội ngũ cán bộ quản lý văn hóa từ Trung ương đến cơ sở; xây dựng đội ngũ cán bộ văn hóa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới.

Tại hội nghị, đại diện các ban, bộ, ngành trung ương và một số tỉnh, thành phố, đại biểu trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ đã tham luận làm rõ giá trị của văn hóa sau 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới đất nước. 

Hồng Hà

Các tin khác