Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo

8:4, Thứ Sáu, 15-12-2023

(Cổng TTĐT) Hôm nay, 14/12, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức Hội nghị trực tuyến Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI “Về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.

Các đại biểu tham dự tại điểm cầu Quảng Trị

Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT nhấn mạnh: Sự ra đời của Nghị quyết số 29-NQ/TW “Về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” có vai trò đặc biệt quan trọng, đánh dấu bước phát triển mới về tư duy chiến lược của Đảng đối với sự nghiệp phát triển GD&ĐT, đồng thời góp phần định hướng chiến lược phát triển bền vững đất nước trước mắt, cũng như lâu dài.

Việc tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW có ý nghĩa rất quan trọng nhằm đánh giá những kết quả đạt được, những khó khăn, vướng mắc, tồn tại hạn chế. Trên cơ sở đó, đề xuất với Bộ Chính trị các nhiệm vụ, giải pháp để tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện và nâng cao chất lượng GD&ĐT đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới của đất nước.

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW, GD&ĐT nước ta đã có những bước phát triển mạnh mẽ và đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần to lớn trong việc nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài; đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước. Quy mô và mạng lưới các cơ sở giáo dục, đào tạo phát triển rộng khắp. Cả nước đã hoàn thành mục tiêu phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi; kết quả phổ cập giáo dục tiểu học, phổ cập giáo dục THCS được duy trì vững chắc, chất lượng ngày càng nâng cao; kết quả giáo dục toàn diện cho học sinh phổ thông được nâng lên; quy mô và chất lượng giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học ngày càng tăng, cơ bản đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động về nguồn nhân lực; hình thức, nội dung giáo dục thường xuyên ngày càng đa dạng, đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập suốt đời của người dân.

Công tác quản lý giáo dục và quản trị trường học có chuyển biến tích cực theo hướng đẩy mạnh phân cấp quản lý, giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục trong việc xây dựng kế hoạch dạy học; đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh; đẩy mạnh thực hiện tự chủ đại học.

Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục được chuẩn hóa, trình độ ngày càng được nâng cao, cơ bản đáp ứng yêu cầu đổi mới GD&ĐT. Công nghệ thông tin được ứng dụng rộng rãi trong quản lý và dạy học, cơ sở dữ liệu ngành được xây dựng, chuyển đổi số trong toàn ngành Giáo dục được triển khai mạnh mẽ và hiệu quả.

Cơ sở vật chất trường học được cải thiện, từng bước đáp ứng yêu cầu thực hiện chương trình giáo dục, đào tạo mới. Công tác xã hội hóa giáo dục đã đạt được những kết quả quan trọng, nhất là huy động các nguồn lực xã hội để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường lớp học, hệ thống trường học ngoài công lập phát triển nhanh, hoạt động ngày càng hiệu quả.

Tuy nhiên, công tác tuyên truyền, quán triệt triển khai thực hiện Nghị quyết ở một số nơi còn mang tính hình thức, hiệu quả chưa cao. Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục, đào tạo còn hạn chế. Cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục chưa được tham gia nhiều trong việc thẩm định, phân bổ kinh phí và tuyển dụng viên chức, bổ nhiệm viên chức quản lý trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo; việc thực hiện tự chủ trong các cơ sở giáo dục, đào tạo còn gặp nhiều khó khăn...

Tại Hội nghị, các đại biểu thảo luận, phân tích sâu hơn, rõ hơn những kết quả đạt được, những khó khăn, tồn tại, những điểm nghẽn cản trở sự phát triển, đề xuất những kiến nghị, giải pháp mới cho sự phát triển GD&ĐT trong thời gian tới.

Hồng Hà

Các tin khác