Hội nghị xin ý kiến Luật Di sản văn hóa (sửa đổi)

20:40, Thứ Hai, 13-11-2023

(Cổng TTĐT) Hôm nay, 13/11, Bộ VH,TT&DL tổ chức Hội nghị – Hội thảo xin ý kiến góp ý Hồ sơ Dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) thay thế Luật Di sản văn hóa hiện hành. Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Hoàng Đạo Cương chủ trì hội nghị - hội thảo. Tham dự hội nghị-hội thảo tại điểm cầu Quảng Trị có lãnh đạo Sở VH,TT&DL, đại diện Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Thông tin và Truyền thông.

Luật Di sản văn hóa ban hành năm 2001, được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2009, là bước cụ thể hóa chính sách về bảo tồn di sản văn hóa theo Hiến pháp năm 1992 và tinh thần của Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khoá VIII), cùng các điều ước quốc tế liên quan mà Việt Nam là thành viên.

Phát biểu khai mạc Hội nghị - Hội thảo, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương cho biết, với nỗ lực và sức đóng góp của toàn xã hội, qua hơn 20 năm thực hiện, sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Hàng ngàn di tích lịch sử văn hóa trên toàn quốc được bảo vệ, phát huy; các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể được ghi danh; các bảo vật quốc gia được chăm lo, bảo vệ…, góp phần phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, bảo đảm gắn kết hài hòa giữa phát triển kinh tế với văn hóa, xã hội...

Tuy nhiên, từ khi Luật có hiệu lực thi hành đến nay, nhiều chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước tiếp tục được ban hành nhằm tăng cường định hướng cho hoạt động văn hóa, trong đó có di sản văn hóa. Theo Thứ trưởng, nhằm thể thể hóa tinh thần của Hiến pháp năm 2013 về đảm bảo “quyền hưởng thụ và tiếp cận các giá trị văn hoá, tham gia vào đời sống văn hóa, sử dụng các cơ sở văn hóa” và chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về di sản văn hóa trong bối cảnh hiện nay; thực hiện nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao, từ năm 2023, Bộ VH,TT&DL đã tích cực chủ động phối hợp với các Bộ, ngành, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và các địa phương xây dựng Dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi). Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), bố cục gồm 10 chương, 154 điều.

Tại hội nghị, nhiều tham luận đã làm rõ hơn các mục cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Di sản văn hóa, như: Bổ sung quy định về Bảo quản di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia; quy định về mua và đưa di vật, cổ vật có nguồn gốc Việt Nam từ nước ngoài về nước. Một số ý kiến cho rằng cần thiết phải bổ sung Quỹ bảo tồn di sản văn hóa Việt Nam. Qua quỹ, huy động được các nguồn lực trong xã hội quan tâm và tham gia vào công cuộc bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc...

Ban tổ chức kỳ vọng, kết quả của hội nghị sẽ củng cố thêm cơ sở lý luận, khoa học và thực tiễn để Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nghiên cứu, tiếp thu, từng bước hoàn thiện quy định trong từng Điều, Khoản của Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) trình Quốc hội thời gian tới.

Hồng Hà

Các tin khác