Diễn biến ô nhiễm đất

9:15, Thứ Ba, 1-12-2020

5.2.1. Khái quát diễn biến chất lượng môi trường theo các thông số đặc trưng

Để khái quát diễn biến chất lượng môi trường đất trên địa bàn tỉnh, báo cáo đã sử dụng kết quả quan trắc môi trường đất từ năm 2015 đến năm 2019 trong Chương trình QTML tỉnh Quảng Trị được thực hiện tại 15 vị trí tần suất quan trắc 01 đợt/năm. Trong đó:

- Huyện Hải Lăng: 03 vị trí tại khu vực xả Hải Phú, Hải Thành và xã Hải Quế;

- Huyện Triệu Phong: 03 vị trí tại khu vực xã Triệu An và xã Triệu Độ;

- Huyện Cam Lộ: 03 vị trí tại khu vực xã Cam Tuyền, Cam Hiếu và Cam An;

- Huyện Gio Linh: 02 vị trí tại khu vực xã Gio Mai và xã Gio Phong;

- Huyện Vĩnh Linh: 02 vị trí tại khu vực xã Vĩnh Lâm và xã Vĩnh Giang;

- Huyện Đakrông: 01 vị trí tại khu vực xã Đakrông;

- Huyện Hướng Hóa: 01 vị trí tại khu vực xã Hướng Tân.

Các vị trí quan trắc môi trường đất nhằm đánh giá mức độ ô nhiễm; thoái hóa do khô hạn, ngập úng, nhiễm mặn, nhiễm phèn, canh tác nông nghiệp và bạc màu.

Kết quả quan trắc môi trường đất trên địa bàn giai đoạn 2015 - 2019 tại các vị trí chưa có dấu hiệu ô nhiễm kim loại nặng, hàm lượng Zn, Cd, Cu, As, Pb và dư lượng hoá chất bảo vệ thực vật nhóm clo hữu cơ nằm trong giới hạn theo QCVN 03-MT:2015/BTNMT và QCVN 15:2008/BTNMT.

Phần lớn các vị trí quan trắc môi trường đất thuộc nhóm đất chua và chua vừa, thành phần đất thuộc nhóm nghèo đến trung bình về dinh dưỡng và chất hữu cơ, thành phần chất hữu cơ của môi trường đất chủ yếu ở dạng thô. Các thông số này phù hợp với các đặc tính của từng loại đất.

So với giai đoạn 2010 - 2014, hàm lượng các thông số phân tích trong môi trường đất giai đoạn 2015 - 2019 ít có sự biến động.

Hình 5.2.1. Sơ đồ vị trí quan trắc môi trường đất

Hiện trạng và diễn biến của các thông số quan trắc môi trường đất, cụ thể như sau:

Thông số pHKCl

Giá trị pHKCl trung bình trong môi trường đất trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2015 - 2019 dao động trong khoảng 3,3 - 6,8. Phần lớn các vị trí có giá trị pHKCl ở ngưỡng từ ≥ 4 - ˂ 6, kết quả này ít có sự biến động qua các năm, thuộc nhóm đất ít chua theo thang đánh giá của Thông tư số 60/2015/TT-BTNMT.

Khung 5.2.1.1. Diễn biến pHKCl trung bình trong môi trường đất

so sánh với giai đoạn 2010 - 2014

So với giai đoạn 2010 - 2014, giá trị pHKCl trung bình trong môi trường đất giai đoạn 2015 - 2019 ít có sự biến động, (giá trị pHKCl trung bình trong môi trường đất giai đoạn 2010 - 2014 dao động trong khoảng 4,37 - 4,98 [16]).

Biểu đồ 5.2.1.1. Giá trị pHKCl trung bình trong môi trường đất giai đoạn 2015 - 2019

Thông số Ca2+ trao đổi trong đất

Hàm lượng Ca2+ trao đổi trung bình trong môi trường đất giai đoạn 2015 - 2019 dao động trong khoảng 1,0 -11,7 mdlgCa2+/100g. Năm 2015 Ca2+ trao đổi có hàm lượng thấp nhất, dao động từ 1,0 - 2,1 mdlgCa2+/100g. Năm 2019 Ca2+ trao đổi có hàm lượng cao nhất, dao động từ 1,7 -11,7 mdlgCa2+/100g.

Khung 5.2.1.2. Diễn biến hàm lượng Ca2+ trung bình trong môi trường đất

so sánh với giai đoạn 2010 - 2014

So với giai đoạn 2010 - 2014, hàm lượng Ca2+ trong môi trường đất giai đoạn 2015 - 2019 có xu hướng gia tăng, (hàm lượng Ca2+ giai đoạn 2010 - 2014 dao động từ 0,05 - 6,2 mdlgCa2+/100g [16]).

Biểu đồ 5.2.1.2. Hàm lượng Ca2+ trung bình trong môi trường đất giai đoạn 2015 - 2019

Thông số Mg2+ trao đổi trong đất

Hàm lượng Mg2+ trao đổi trung bình trong môi trường đất giai đoạn 2015 - 2019 dao động trong khoảng 0,2 - 3,3 mdlgMg2+/100g, có sự biến động lớn tại các vị trí quan trắc. Tại khu vực xã Hải Phú, Cam Tuyền và xã Cam An năm 2016 Mg2+ trao đổi có hàm lượng thấp nhất. Tại khu vực Triệu An, Hướng Tân và khu vực canh tác nông nghiệp xã Triệu Độ năm 2017 Mg2+ trao đổi có hàm lượng cao nhất.

Khung 5.2.1.3. Diễn biến hàm lượng Mg2+ trung bình trong môi trường đất

so sánh với giai đoạn 2010 - 2014

So với giai đoạn 2010 - 2014, hàm lượng Mg2+ trong môi trường đất giai đoạn 2015 - 2019 ít có sự biến động và tương đối ổn định, (hàm lượng Mg2+ trong môi trường đất giai đoạn 2010 - 2014 dao động trong khoảng 0,03 - 11,5 [16]).

Biểu đồ 5.2.1.3. Hàm lượng Mg2+ trung bình trong môi trường đất giai đoạn 2015 - 2019

Thông số K+ trao đổi trong đất

Hàm lượng K+ trao đổi trung bình trong môi trường đất giai đoạn 2015 - 2019 dao động trong khoảng 2,3 - 631 mgK+/kg, có sự biến động lớn qua các năm và các vị trí quan trắc. Tại khu vực xã Hải Quế, Cam Hiếu, Cam Tuyền năm 2015 - 2016 K+ trao đổi có hàm lượng thấp nhất. Tại khu vực xã Triệu An, xã Gio Mai, xã Gio Phong và CCN Hướng Tân năm 2017 - 2019 K+ trao đổi có hàm lượng cao nhất.

Khung 5.2.1.4. Diễn biến Hàm lượng K+ trung bình trong môi trường đất

so sánh với giai đoạn 2010 - 2014

So với giai đoạn 2010 - 2014, hàm lượng K+ trong môi trường đất giai đoạn 2015 - 2019 có sự biến động tương đối lớn và gia tăng mạnh, (hàm lượng K+ trong môi trường đất giai đoạn 2010 - 2014 dao động trong khoảng 0,6 - 4,4 mgK+/kg [16]).

Biểu đồ 5.2.1.4. Hàm lượng K+ trung bình trong môi trường đất giai đoạn 2015 - 2019

Trong giai đoạn 2015 - 2019, hàm lượng các Cation di động trong đất đều có sự biến động lớn qua các năm và các vị trí quan trắc. Hàm lượng các ion di dộng này phụ thuộc vào tính chất của đất, kỹ thuật canh tác trong sản xuất nông nghiệp, đồng thời do các tác động cơ học như mưa rửa trôi, canh tác nông nghiệp. Điều này chứng tỏ, tính chất trao đổi ion tại các vị trí quan trắc đều không ổn định.

Thông số Clorua

Hàm lượng Clorua trung bình trong môi trường đất giai đoạn 2015 - 2019 dao động trong khoảng 0,1 - 1049 mg/100g. Phần lớn các vị trí đều có hàm lượng Clorua thấp, tuy nhiên tại một số vị trí thuộc nhóm đất nhiễm mặn như khu vực xã Triệu An (MĐ22, MĐ44), xã Gio Mai (MĐ16) hàm lượng Clorua cao đột biến vào thời điểm năm 2016 - 2017. Song, đến năm 2018 - 2019 hàm lượng Clorua trao đổi trong đất tại các vị trí này có xu hướng giảm đi đáng kể.

Khung 5.2.1.5. Diễn biến hàm lượng Clorua trung bình trong môi trường đất

so sánh với giai đoạn 2010 - 2014

So với giai đoạn 2010 - 2014, hàm lượng Clorua trung bình trong môi trường đất giai đoạn 2015 - 2019 biến động lớn qua các năm và có xu hướng gia tăng, (hàm lượng Clorua trung bình trong môi trường đất giai đoạn 2010 - 2014 dao động khoảng 0,2 - 313 mg/100g [16]).

Biểu đồ 5.2.1.5. Hàm lượng Clorua trung bình trong môi trường đất giai đoạn 2015 - 2019

Thông số kim loại nặng (Zn, Cu, Cd, Pb, As)

Hàm lượng các kim loại nặng Zn, Cu, Cd, Pb, As trung bình trong môi trường đất giai đoạn 2015 - 2019 tương đối ổn định, đều nằm trong giới hạn cho phép theo QCVN 03-MT:2015/BTNMT. Chất lượng môi trường đất tại các vị trí quan trắc trên địa bàn Tỉnh chưa có dấu hiệu ô nhiễm bởi hàm lượng các kim loại nặng. Riêng hàm lượng Zn tại 2 vị trí xã Cam Tuyền (MĐ13) và xã Hải Thành (MĐ43) có sự biến động rõ rệt, dao động trong khoảng 5,1 - 155 mg/kg.

Khung 5.2.1.6. Diễn biến hàm lượng các kim loại nặng trung bình trong môi trường đất

so sánh với giai đoạn 2010 - 2014

So với giai đoạn 2010 - 2014, hàm lượng các kim loại nặng Zn, Cu, Cd, Pb, As trung bình trong môi trường đất giai đoạn 2015 - 2019 tương đối ổn định, (hàm lượng Zn trung bình trong môi trường đất giai đoạn 2010 - 2014 dao động trong khoảng 41,6 - 58,6 mg/kg [16]).

Biểu đồ 5.2.1.6. Hàm lượng Zn trung bình trong môi trường đất giai đoạn 2015-2019

Thông số tổng N, tổng P

Hàm lượng tổng N, tổng P trung bình trong môi trường đất giai đoạn 2015 - 2019 dao động trong khoảng từ 0,03 - 0,32% và từ 0,01 - 0,20%P2O5. Phần lớn tại các vị trí quan trắc thuộc ngưỡng dinh dưỡng trung bình và nghèo theo thang đánh giá đất của thông tư 60/2015/TT-BTNMT. Riêng tại các khu vực MĐ20 năm 2017, MĐ9 năm 2019 có hàm lượng dinh dưỡng ở ngưỡng giàu.

Khung 5.2.1.7. Diễn biến hàm lượng tổng N, tổng P trong môi trường đất

so sánh với giai đoạn 2010 - 2014

So với giai đoạn 2010 - 2014, hàm lượng tổng N và tổng P trung bình trong môi trường đất giai đoạn 2015 - 2019 có xu hướng giảm, (hàm lượng tổng N và tổng P trung bình trong môi trường đất giai đoạn 2010 - 2014 dao động từ 0,03 - 23,5% và 1,1 - 90,9% [16]).

Biểu đồ 5.2.1.7. Hàm lượng tổng N trung bình trong môi trường đất giai đoạn 2015-2019

Biểu đồ 5.2.1.8. Hàm lượng tổng P trung bình trong môi trường đất giai đoạn 2015-2019

Hàm lượng tổng N và tổng P có sự biến động qua từng năm do ảnh hưởng bởi hoạt động bón phân trong sản xuất nông nghiệp, dễ bị rửa trôi, khó lưu giữ lâu dài trong môi trường đất. Điều này cho thấy, các khu vực này thuộc nhóm đất cát, cát pha, cát pha thịt. Vì vậy, khả năng trao đổi ion của đất thấp, dẫn đến khả năng lưu giữ các thành phần dinh dưỡng tương đối thấp.

Thông số Cacbon hữu cơ

Kết quả quan trắc hàm lượng Cacbon hữu cơ giai đoạn 2015 - 2019 dao động trong khoảng từ 2,7 - 32,7 g/Kg. Các vị trí thuộc khu vực đồng bằng, ven biển có hàm lượng Cacbon hữu cơ cao hơn so với khu vực miền núi trung du. Tuy nhiên, hàm lượng Cacbon hữu cơ ở các vị trí thuộc khu vực miền núi và trung du xã Đakrông (MĐ9) và CCN Hướng Tân (MĐ42) có xu hướng tăng vào năm 2019.

Khung 5.2.1.10. Diễn biến hàm lượng Cacbon hữu cơ trung bình trong môi trường đất

so sánh với giai đoạn 2010 - 2014

So với giai đoạn 2010 - 2014, hàm lượng Cacbon hữu cơ trung bình trong môi trường đất có sự biến động không lớn và ổn định vào giai đoạn 2015 - 2019, (hàm lượng Cacbon hữu cơ trung bình trong môi trường đất giai đoạn 2010 - 2014 dao động trong khoảng 3,6 - 35,5 g/kg [16]).

Biểu đồ 5.2.1.10. Hàm lượng Cacbon hữu cơ trong môi trường đất giai đoạn 2015 - 2019

Hàm lượng mùn hữu cơ quy đổi từ Cacbon hữu cơ có sự phân hóa theo địa hình: Hàm lượng mùn từ 2 - 4% ở khu vực vùng miền núi và trung du, từ 1 - 2% ở khu vực vùng đồng bằng, ven biển. Tuy nhiên, tại tất cả các khu vực đều có hàm lượng mùn thấp, phần lớn đều ở mức nghèo đến trung bình theo thang đánh giá của Thông tư 60/2015/TT-BTNMT.

Kết quả quan trắc môi trường đất giai đoạn từ 2015 - 2019 cho thấy: Phần lớn các vị trí đều có tỷ lệ C/N khá lớn và đều > 14 do đó nhóm đất quan trắc trên địa bàn Tỉnh đều thuộc nhóm đất có mức phân huỷ hữu cơ rất thấp theo thang đánh giá mức độ phân huỷ hữu cơ theo tỷ số C/N theo Orlov D.S 1992.

Do số lượng điểm quan trắc và tần suất quan trắc về chất lượng môi trường đất còn rất hạn chế, nên những nhận định trên đây chưa thể đại diện cho hiện trạng chất lượng môi trường đất của toàn tỉnh.

Thực hiện Thông tư số 35/2014/TT-BTNMT ngày 30/6/2014 quy định về việc điều tra đánh giá đất đai và Công văn số 5750/BTNMT-TCQLĐĐ ngày 27/12/2014 của Bộ TN&MT về việc tổng điều tra, đánh giá đất đai toàn quốc; ngày 16/11/2017, UBND tỉnh Quảng Trị đã ban hành Quyết định số 3161/QĐ-UBND về việc phê duyệt Dự án chi tiết và dự toán “Điều tra, đánh giá chất lượng đất, tiềm năng đất lần đầu; điều tra đánh giá thoái hoá đất lần đầu tỉnh Quảng Trị”. Với mục tiêu là:

- Đánh giá thực trạng chất lượng đất, tiềm năng đất đai các loại đất theo mục đích sử dụng (diện tích, phân bố) làm cơ sở cho việc đề xuất giải pháp bảo vệ, định hướng khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên đất đai.

- Đánh giá thực trạng thoái hoá đất; xác định cụ thể nguyên nhân, xu thế và các quá trình thoái hoá đất làm cơ sở đề xuất giải pháp cải tạo, phục hồi và khai thác sử dụng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.

- Giám sát chặt chẽ tình hình diễn biến chất lượng tài nguyên đất đai và đánh giá tác động, ảnh hưởng của chính sách, pháp luật về đất đai đến tài nguyên đất đai và đề xuất các cơ chế, chính sách, biện pháp nhằm bảo vệ, nâng cao chất lượng tài nguyên đất đai.

Tuy nhiên, do hạn chế về kinh phí nên năm 2018, Sở TN&MT tỉnh Quảng Trị mới chỉ tiến hành điều tra, đánh giá chất lượng đất, tiềm năng đất lần đầu tỉnh Quảng Trị trên địa bàn huyện Cam Lộ. Vì vậy trong báo cáo chưa đánh giá được chất lượng môi trường đất giữa các vùng miền trên địa bàn tỉnh. Dự kiến trong thời gian đến sẽ thực hiện đối với các địa phương còn lại trên địa bàn tỉnh.

5.2.2. Các vấn đề môi trường đất nổi cộm của địa phương

Từ kết quả đánh giá diễn biến chất lượng môi trường đất được trình bày ở trên, thì trong giai đoạn 2015 - 2019 trên địa bàn tỉnh Quảng Trị vấn đề môi trường nổi cộm về đất không xảy ra. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển KT-XH đã tác động không nhỏ đến môi trường đất, từ đó gây ra các vấn đề lo lắng về môi trường và ảnh hưởng đến tâm lý, cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của người dân như:

5.2.2.1. Phân bón vô cơ thuốc bảo vệ thực vật

Hoạt động sử dụng PBVC và TBVTV trong sản xuất nông nghiệp đã dẫn đến nguy cơ gia tăng tình trạng suy thoái đất nông nghiệp do làm giảm tính chất cơ lý của đất, tích luỹ nhiều kim loại nặng trong đất, làm tăng độ chua của đất và tồn dư TBVTV (có 34 điểm chưa được xử lý) trong đất, đặc biệt là các TBVTV nhóm clo (DDT, 666, 2,4-D, ...), tác hại đến HST nông nghiệp. 

5.2.2.2. Hoạt động khai thác khoáng sản, nuôi trồng thủy sản

Hoạt động khai thác khoáng sản như khoáng ilmenit chứa titan làm phát sinh lượng lớn CTR (đất, cát, sỏi) che phủ nhiều vùng đất ven bờ, làm xáo trộn tầng đất dẫn đến tăng tốc độ ô xy hóa phèn tiềm tàng, đồng thời làm tăng xâm nhập mặn từ biển vào các vùng khai thác làm nhiễm mặn đất và nước dưới đất. Hoạt động nuôi tôm nước lợ/mặn vùng ven bờ cũng gây ra sự nhiễm mặn đất canh tác nông nghiệp. Sự nhiễm mặn tăng lên cũng có thể gây nhiễm phèn làm chua đất (hay suy giảm chất lượng đất).     

5.2.2.3. Xâm nhập mặn

Giai đoạn năm 2015 - 2019, trong bối cảnh BĐKH và nước biển dâng, tình trạng XNM gia tăng và diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng rất lớn đến tình hình phát triển KT-XH, môi trường và đời sống người dân. Tỉnh Quảng Trị có chế độ thủy triều thuộc dạng bán nhật triều không đều, hầu hết các sông ảnh hưởng lớn bởi tác động của thủy triều nên dễ bị ảnh hưởng của XNM. Chính quá trình này làm cho chất lượng môi trường đất, diện tích đất bị ảnh hưởng thay đổi theo chiều hướng tiêu cực như: Đất bị khô hạn, nhiễm phèn ngày càng tăng gây ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, năng suất và hiệu quả cây trồng vật nuôi, khó khăn trong việc sản xuất lương thực.

Các tin khác