Kết luận

9:58, Thứ Ba, 1-12-2020

Báo cáo hiện trạng môi trường tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2016 - 2020, đã được xây dựng trên cơ sở hướng dẫn của Thông tư số 43/2015/TT-BTNMT ngày 29/9/2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về báo cáo hiện trạng môi trường, bộ chỉ thị môi trường và quản lý số liệu quan trắc môi trường. Nội dung báo cáo được xây dựng gồm 11 chương, bố cục theo mô hình D-P-S-I-R (D: Driver - Động lực; P: Pressure - Áp lực; S: State - Hiện trạng; I: Impact - Tác động và R: Response - Đáp ứng). Trong đó:

- Động lực:

+ Đã đánh giá được sự tăng tưởng KT-XH của tỉnh trong giai đoạn 2015 - 2019. Tổng sản phẩm (GRDP) theo giá thực tế trên địa bàn tỉnh liên tục tăng 46,6% từ 21.588 tỷ đồng năm 2015 lên 31.657 tỷ đồng năm 2019.

+ Cơ cấu kinh tế của tỉnh có sự chuyển dịch đúng hướng, phù hợp với xu thế chung của cả nước, tăng dần tỷ trọng công nghiệp - xây dựng (từ 21,01% năm 2015 lên 24,7% năm 2019) và dịch vụ (từ 38,8% năm 2014 lên 49,6% năm 2019), giảm dần tỷ trọng nông - lâm - thủy sản (từ 25,53% năm 2015 sau đó giảm liên tục xuống 21,11%  năm 2019).

+ Tỷ lệ tăng trưởng GRDP bình quân đầu người năm 2019 đạt 50 triệu đồng, cao gấp 1,7 so với năm 2014 đạt 29,4 triệu đồng.

+ Tốc độ dân số tăng bình quân hàng năm trong giai đoạn 2015 - 2019 đạt 0,62% (tăng 0,01% so với giai đoạn 2010 - 2014), từ 617.948 người năm 2015 lên 633.440 người năm 2019. Năm 2019, mật độ dân số Quảng Trị là 134 người/km2, cao nhất tại thành phố Đông Hà với 1.316 người/km2 và thấp nhất tại Đakrông với 35 người/km2.

+ Tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh năm 2019 là 8,08%, giảm 7,35% so với năm 2015.

- Áp lực:

+ Sức ép từ gia tăng dân số, vấn đề di cư và quá trình đô thị hóa làm gia tăng lượng chất thải phát sinh trong giai đoạn 2015 - 2019 ước tính là 95,2 triệu m3 đối với nước thải sinh hoạt, 572.090 tấn đối với CTR. Bên cạnh đó còn tạo ra các sức ép lên quỹ đất của địa phương, năm 2019 diện tích đất ở đô thị tăng 161,05 ha; đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp tăng 418,6 ha; đất sử dụng vào mục đích công cộng tăng 1282,8 ha so với năm 2018.

+ Sức ép từ hoạt động phát triển công nghiệp, trên địa bàn tỉnh hiện có 362 cơ sở sản xuất công nghiệp có quy mô vừa và lớn. Các ngành phát thải TSP và khí độc (SO2, NOx, CO) chủ yếu là: Ngành khai thác đá, sản xuất gạch và sản xuất tinh bột sắn với tổng lượng thải ra môi trường ước tính TSP 2.874 tấn/năm, SO2 26,3 tấn/năm, NOx 8,8 tấn/năm, và CO 8,5 tấn/năm (năm 2019). Các ngành sản xuất phát sinh lượng nước thải lớn chủ yếu là: Chế biến nông sản, chế biến thủy sản, dệt nhuộm với tổng lượng thải ra môi trường ước tính là 1,9 triệu m3 (năm 2019). Tổng lượng CTNH phát sinh ước tính là 106,3 tấn (2015 - 2019), lượng phát sinh lớn nhất là 24,3 tấn vào năm 2019.

+ Sức ép từ hoạt động giao thông vận tải: Trong giai đoạn từ năm 2015 - 2019, số lượng các phương tiện giao thông tăng 38% (trong đó số lượng xe máy tăng 35%, xe tải- xe ô tô tăng 67%). Tổng thải lượng TSP và khí độc (SO2, NOx, CO) ước tính trong giai đoạn 2015 - 2019 như sau: TSP là 2.776,4 tấn; SO2 là 668,6 tấn; NOx là 17.743 tấn; CO là 100.423 tấn.

+ Sức ép hoạt động nông - lâm nghiệp và thủy sản: Trong giai đoạn 2015 - 2019, tổng lượng thải của ngành nông nghiệp thải ra môi trường ước tính là 1.669,5 triệu m3­. Quá trình canh tác sản xuất nông nghiệp đã sử dụng tổng khối lượng phân bón vô cơ (PBVC) và thuốc bảo vệ thực vật (TBVTV) ước tính lần lượt là 433.334,7 tấn 897,8 tấn. Thải lượng BOD5 từ hoạt động NTTS nước lợ thải ra môi trường ước tính là 274,5 tấn. Sự cố cháy rừng do hạn hán, chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, hoạt động phá rừng còn diễn ra là một trong những nguyên nhân tác động trực tiếp đến tính ĐDSH và thành phần loài do giảm diện tích rừng tự nhiên tự nhiên, suy giảm môi trường sống của nhiều loài động, thực vật hoang dã.

+ Sức ép hoạt động phát triển năng lượng (thủy điện, điện gió, điện mặt trời) với tổng số lượng dự án đã đi vào hoạt động là 13, số lượng dự án đã được quy hoạch là 38, số lượng dự án đã trình Bộ Công Thương phê duyệt bổ sung quy hoạch là 68. Tổng diện tích đất bị thu hồi để xây dựng các dự án đã đi vào hoạt động là 726,34 ha (thủy điện là 653,46 ha, điện gió là 13,4 ha, điện mặt trời là 59,48 ha).

- Hiện trạng:

+ Đối với môi trường nước sông: Chất lượng môi trường nước sông giai đoạn 2015 - 2019 tương đối ổn định, ít có sự biến động so với giai đoạn 2010 - 2014, đáp ứng được cho nhiều mục đích sử dụng khác nhau. Tuy nhiên, tại khu vực hạ lưu sông Bến Hải và Thạch Hãn, chất lượng nước suy giảm do ảnh hưởng bởi độ mặn, chỉ đáp ứng được cho mục đích NTTS.

+ Đối với môi trường nước hồ: Chất lượng môi trường nước hồ giai đoạn 2015 - 2019 đáp ứng được cho mục đích tưới tiêu, thủy lợi. Tuy nhiên, tại các khu vực nội đô như hồ Khe Chè, hồ Đại An, hồ Nam Hào, hồ Khe Sanh và hồ Lao Bảo là nơi tiếp nhận trực tiếp nước thải sinh hoạt nên chất lượng nước hồ có xu hướng gia tăng hàm lượng các chất gây ô nhiễm, chất lượng nước suy giảm so với giai đoạn 2010 - 2014, do tiềm ẩn nhiều nguy cơ bị phú dưỡng.

+ Đối với nước biển ven bờ: Chất lượng môi trường nước biển ven bờ giai đoạn 2015 - 2019 có tính ổn định cao, ít có sự biến động so với giai đoạn 2010 - 2014. CLN biển ven bờ tại các điểm quan trắc đều nằm trong QCVN 10-MT:2015/BTNMT đáp ứng cho nhiều mục đích sử dụng khác nhau.

+ Đối với nước dưới đất: Chất lượng môi trường nước dưới đất giai đoạn 2015 - 2019 tương đối ổn định và ít có sự biến động so với giai đoạn 2010 - 2014. Chất lượng nước đáp ứng được cho nhiều mục đích sử dụng khác nhau. Tuy nhiên, tại các khu vực ven biển do ảnh hưởng bởi hoạt động nuôi tôm trên cát như xã Triệu An và Triệu Vân, CLN dưới đất bị bị suy giảm do nhiễm khuẩn, nhiễm mặn, Amoni và chất hữu cơ.

            + Đối với môi trường không khí: Chất lượng môi trường không khí giai đoạn 2015 - 2019 tương đối ổn định và có xu hướng giảm nhẹ hàm lượng các khí độc phát sinh so với giai đoạn 2010 - 2014. Tuy nhiên, với dự báo dân số tiếp tục tăng, mở rộng và phát triển đô thị, dịch vụ thương mại là hướng chủ đạo, cùng với việc chậm di dời cơ sở gây ô nhiễm nằm nhỏ lẻ trong khu dân cư sẽ gây nên những áp lực lên môi trường không khí.

+ Đối với môi trường đất: Chất lượng môi trường đất giai đoạn 2015 - 2019 tương đối ổn định và ít có sự biến động so với giai đoạn 2010 - 2014. Chất lượng đất phần lớn thuộc nhóm đất chua, nghèo đến trung bình về dinh dưỡng và chất hữu cơ.

+ Công tác phân loại CTR tại nguồn, hoạt động tái chế hoàn toàn tự phát ở các hộ gia đình hoặc cơ sở thu mua phế liệu nhỏ lẻ. Trên địa bàn tỉnh chưa có đơn vị đủ năng lực thu gom, vận chuyển CTNH, tỷ lệ thu gom CTR đô thị đạt 94,08% chưa đạt theo kế hoạch đặt ra là 100%, chưa có quy hoạch quản lý và xử lý CTR dài hạn, nguồn lực đầu tư cho hoạt động này chưa đa dạng.

+ Các KCN/CCN trên địa bàn tỉnh chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung, không đạt theo kế hoạch đặt ra là 100%. Năm 2019, mới đầu tư tại KCN Quán Ngang và hiện nay đang trong quá trình xây dựng, dự kiến đi vào hoạt động cuối năm 2020.

- Tác động:

+ Đánh giá cụ thể các tác động từ ô nhiễm môi trường không khí, nước (nước mặt, nước dưới đất, nước biển ven bờ) và đất ảnh hưởng đến kinh tế, xã hội, sức khỏe, cảnh quan, hệ sinh thái trên địa bàn tỉnh.

+ Thống kê các xung đột phát sinh từ người dân đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh, các cơ sở công ích hoạt động trên địa bản gây ảnh hưởng đến cuộc sống cộng đồng dân cư khu vực lân cận.

- Đáp ứng:

+ Tổ chức bộ máy BVMT từ cấp Tỉnh đến cấp cơ sở từng bước được tăng cường, củng cố và kiện toàn.

+ Thẩm định và trình UBND tỉnh, huyện thị, thành phố phê duyệt tổng 737 báo cáo ĐTM, kế hoạch BVMT và đề án BVMT.

+ Xử phạt 31 vụ vi phạm về môi trường là với số tiền xử phạt vi phạm hành chính về BVMT hơn 1.145 triệu đồng.

+ Phê duyệt Đề án xây dựng mạng lưới Quan trắc tài nguyên và môi trường tỉnh Quảng Trị đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

+ Xây dựng Trạm Trung tâm quản lý, vận hành hệ thống quan trắc tự động vào năm 2017, đã kết nối giám sát được 6 cơ sở.

+ Tỷ lệ thu gom rác thải đô thị đạt 94,08 % vào năm 2019.

+ Tỷ lệ xử lý cơ sở gây ÔNMT đạt 54,2% tương ứng với 58/107 cơ sở.

+ Chi sự nghiệp BVMT đảm bảo 1% tổng chi ngân sách địa phương mỗi năm theo quy định.

+ Công tác thu phí BVMT được đẩy mạnh qua từng năm trong giai đoạn 2015 - 2019: Đối với nước thải công nghiệp 1.726 triệu đồng, đối với nước thải sinh hoạt 25.861 triệu đồng, đối với chất thải rắn là 50.724 triệu đồng

+ Các hoạt động về nghiên cứu khoa học, nâng cao nhận thức, hợp tác Quốc tế được tăng cường, nâng cao qua từng năm.

Các tin khác