Sức ép dân số, vấn đề di cư và quá trình đô thị hóa

16:37, Thứ Hai, 30-11-2020

 

            - Sức ép dân số: Trong giai đoạn 2015 - 2019 dân số trung bình ở tỉnh Quảng Trị tăng 2,51% từ 619.948 người lên 633.440 người, trung bình 0,62%/năm. So với giai đoạn 2010 - 2014 (tăng trung bình 1,26%/năm), tốc độ gia tăng dân số trong giai đoạn này giảm mạnh. Mật độ dân số tăng từ 130 người/km2 năm 2015 lên 134 người/km2 năm 2019 và tăng so với giai đoạn 2010 - 2014 (130 người/km2). Mật độ dân số phân bố chưa đồng đều, cụ thể: Thành phố Đông Hà 1.316 người/km2; Huyện Vĩnh Linh 141 người/km2; Huyện Hướng Hóa 79 người/km2; Trong khi đó huyện Đakrông chỉ có 35 người/km2 [5]. Sự phân bố dân cư không đồng đều giữa các vùng gây ảnh hưởng không nhỏ tới việc xây dựng các công trình hạ tầng giao thông, điện, nước, thủy lợi, trường học, trạm y tế phục vụ sản xuất và dân sinh ở những vùng có địa hình núi cao, chia cắt, thưa dân. Mức độ gia tăng tổng dân số đô thị trong giai đoạn 2015 - 2019 đạt mức 6,77%, tương đương với 12.477 người và tổng dân số nông thôn tăng nhẹ, đạt 0,7% tương đương với 3.045 người. Điều này thể hiện mức độ đô thị hóa của tỉnh đang ngày một tăng, người dân có xu hướng tập trung tìm kiếm công việc tại các đô thị.

            - Di cư: Trong giai đoạn 2015 - 2019, tỷ suất di cư thuần khu vực đô thị gia tăng qua từng năm, dao động từ  (- 2,5) - 8,9‰ với tổng số lượng di cư là 4.723 người, chiếm 0,5% tổng dân số thành thị năm 2019 là 196.372 người. Trong đó, thấp nhất vào năm 2015 là (-2,5‰) tương ứng với số dân thành thị di cư đến các tỉnh/thành khác là 460 người. Cao nhất vào năm 2018 là 8,9‰ tương ứng với số dân di cư từ các tỉnh/thành khác đến khu vực đô thị trên địa bàn tỉnh là 1.720 người. Tổng số dân di cư từ các tỉnh/thành khác đến khu vực đô thị trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn 2015 - 2019 là 4.263 người.

- Quá trình đô thị hóa: Trong giai đoạn 2015 - 2019, tỷ lệ đô thị hoá trên địa bàn tỉnh tăng từ 20,8% lên 30,9%. Tỷ lệ chiều dài các tuyến đường chính được chiếu sáng đạt 59%. Tỷ lệ các hộ dân có nhà ở kiên cố hoặc bán kiên ở khu vực thành thị đạt 98,5%. Diện tích nhà ở bình quân đầu người của cư dân thành thị năm 2019 là 30,9 m2/người. Tỷ lệ diện tích đất đô thị so với diện tích đất tự nhiên toàn tỉnh tăng từ 5,12% (giai đoạn 2010 - 2014) lên 6% (giai đoạn 2015 - 2019).

Dân số trung bình, mật độ dân số, di cư và quá trình đô thị hóa gia tăng trong giai đoạn 2015 - 2019, đồng nghĩa với việc gia tăng các chất thải phát sinh như nước thải, chất thải rắn và tạo ra các sức ép lên quỹ đất địa phương, cụ thể:

- Đối với nước thải sinh hoạt và dịch vụ: Trong giai đoạn 2015 - 2019, lượng nước thải sinh hoạt thải ra môi trường là 95,2 triệu m3, thải lượng các chất ô nhiễm TSS 8.106,4 tấn, BOD5 5.953,2 tấn và COD 11.906,4 tấn [22].

- Đối với chất thải rắn sinh hoạt: Trong giai đoạn 2015 - 2019, CTR sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh có xu hướng tăng dần qua các năm, từ 113.141 tấn năm 2015 lên 115.603 tấn năm 2019, với tổng khối lượng trong 5 năm là 572.090 tấn [22]. Hiện nay, hoạt động phân loại CTR sinh hoạt tại nguồn chưa hiệu quả, nên lượng CTR được thu gom và chưa được thu gom có thể bị trộn lẫn với CTNH, CTR sản xuất, CTR xây dựng. Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh chưa có đơn vị đủ năng lực vận chuyển và xử lý CTNH nên công tác phân loại CTR tại nguồn vẫn đang là một thách thức lớn đối với tỉnh Quảng Trị. Mặt khác, công tác thu gom và xử lý CTR sinh hoạt ở khu vực nông thôn còn rất nhiều hạn chế, gây ra các tác động tiêu cực về vấn đề ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.

- Đối với quỹ đất địa phương: Tốc độ đô thị hóa ngày một tăng, nhu cầu tìm kiếm công việc tại các đô thị cao tạo nên sức ép về quỹ đất phục vụ cho hoạt động phát triển các khu đô thị, KCN/CCN, đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp, nhu cầu nhà ở. Để tạo ra quỹ đất cho các hoạt động này, trên địa bàn tỉnh đã thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng từ các nhóm đất nông nghiệp, phi nông nghiệp và đất chưa sử dụng. Theo số liệu kiểm kê đất đai, biến động diện tích của các nhóm đất trong giai đoạn 2010 - 2014 thì đất nông nghiệp tăng 19.688 ha, diện tích đất phi nông nghiệp tăng 2.513 ha, diện tích đất chưa sử dụng giảm 25.819 ha vào giai đoạn 2015 - 2019 [31]. Nhận thấy, diện tích đất nông nghiệp và đất phi nông nghiệp tăng chủ yếu được chuyển đổi từ đất chưa sử dụng. Vì vậy, quá trình thu hồi chuyển đổi mục đích sử dụng đất tới thời điểm hiện tại chưa tạo ra các sức ép lớn lên các thành phần môi trường, HST các khu vực trên địa bàn tỉnh. Năm 2019, diện tích đất ở đô thị tăng 161,05 ha; đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp tăng 418,6 ha; đất sử dụng vào mục đích công cộng tăng 1282,8 ha so với năm 2018.

Các tin khác